Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

DU LỊCH QUẢNG TRỊ VÀ QUẢNG BÌNH



Ngày 20 tháng 7 vừa rồi mình được đi tham quan một số điểm du lịch của hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình trước khi chính thức nghỉ hưu, do Bưu Điện TP Đà Nẵng tổ chức. Cùng đi có 19 người là đồng nghiệp, đi hai ngày một đêm. Các điểm dừng là Thành Cổ Quảng Trị; chợ Đông Hà; địa đạo Vịnh Mốc ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị; thành phố Đồng Hới, Quảng Bình (nghỉ đêm); Động Thiên Đường ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trên đường Trường Sơn, Quảng Trị.
Mình được bố trí ghế ngồi phía trước, bên cạnh tài xế, thấy trước những địa điểm quen thuộc nên tha hồ chụp ảnh từ trong xe. 
Dưới đây là những hình ảnh ghi lại chuyến đi "lịch sử" này. Chuyến đi "lịch sử"? Xin mời xem, từ từ sẽ rõ thôi mà...

Buổi sáng 20 tháng 7...

Trên đường ra tỉnh Thừa Thiên Huế

Lên đèo Phú Gia, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tài xế là anh Võ Văn Đức, nghiêm túc khi lái xe nhưng rất vui tính khi nói chuyện lúc nghỉ ngơi

Xe 30 chổ chở đoàn đi lần này gồm 21 người, 16 nữ 5 nam (kể cả lái xe). Toàn là dân sồn sồn, có vợ có chồng hết rồi nên tha hồ kể chuyện tiếu lâm...

Đang qua địa phận Đá Bạc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế

Ghé trạm xăng để mọi người... "trút bầu tâm sự". Xe chở đoàn là của Bưu điện TP Đà Nẵng

Trời nắng đẹp, rất phù hợp để làm một chuyến đi chơi xa ngắm cảnh thiên nhiên

Chuẩn bị vào địa phận thành phố Huế. Ở góc phải phía dưới là mình trong kính chiếu hậu của xe, có cài dây an toàn cẩn thận đấy nhé!

Ảnh này chụp ở Phú Bài, cửa ngõ phía nam của thành phố Huế

Xe đang chạy ngang qua chợ An Cựu, thành phố Huế

1 đoạn đường Hùng Vương thành phố Huế

Trên cầu Phú Xuân bắc qua sông Hương. Phía xa là Kỳ đài trong thành nội Huế

Kỳ đài chụp từ ngoài thành nội

Cảnh ngoài thành nội, gần kỳ đài

"Âm thịnh dương suy" là hiện trạng của các bưu điện ở VN miềng!

Cầu Mỹ Chánh, một địa danh lịch sử, bên trái là cầu dành cho tàu hỏa. Đây là điểm giáp ranh 2 tỉnh TTH và Quảng Trị. Lần thứ hai sau hơn 40 năm mình lại được đi trên đoạn đường này (lần trước là sau Tết năm 2005, ra Quảng Trị dự đám cưới con trai của bạn Lê Văn Điểm, lúc đó không có máy ảnh riêng để chụp cảnh cũ người xưa)

 
Một hồ sen ven đường vẫn còn nhiều hoa sen đang nở

Đoạn đường này thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị vẫn rất thưa thớt nhà dân như cách đây 40 năm. Có khác là màu xanh của cây cối đã thay thế cho màu cát trắng và cỏ úa của ngày xưa rất nhiều...


thấy cảnh nhớ lại tháng 4 năm 1972...

Trong cuộc chiến tranh VN đoạn đường này được gọi là "Đại lộ kinh hoàng" từ năm 1972.

NHỮNG LẦN ĐẦU TIÊN KHÔNG THỂ NÀO QUÊN...
Khoảng cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 chi đó năm 1972  căn cứ Ái Tử (*), thị trấn Đông Hà và thị xã Quảng Trị  bị pháo kích liên tục, ngay cả Thủy quân lục chiến ở Đông Hà cũng chịu không nỗi, sau phải rút về hướng nam. Khi biết tin TQLC đã rút lui, dân chúng toàn thị xã hoảng loạn bồng bế nhau chạy vào Huế, lính Sư đoàn 3 bộ binh ở căn cứ Ái Tử cũng bỏ chạy tán loạn luôn (bởi thế nên sau này có tên là Sư đoàn 3 chạy làng!). Bọn mình là lính ngành, không có tin tức gì về ở lại hay rút lui gì hết, rất hoang mang, nhưng ông Đại đội trưởng (người Quảng Trị, đã lớn tuổi và rất nhát gan) thấy thế hoảng quá kêu lái xe đánh xe Jeep chạy trước, thế là mạnh ai nấy chạy, bọn mình cũng lấy được một chiếc Dooge chạy theo, lúc đó tầm 2 hay 3 giờ chiều nhưng không nhớ được ngày tháng nào! Trước khi vào tới thị xã, mình nhìn lên trời thấy hai chiếc B52 bay ra trút bom hàng loạt, hình như chổ cầu Đông Hà thì phải, vì tiếng rít của bom khi rơi xuống và tiếng bom nổ nghe rất gần, dội lại đinh tai nhức óc ghê gớm! Lần đầu tiên (cũng là lần duy nhất tới nay) mình biết thế nào là "B52 trải thảm". Từ thị xã Quảng Trị mình cùng các bạn ở cùng phòng đi với nhau bằng xe Dooge vào đây (thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị), trên đường đi thấy có rất nhiều các loại xe quân sự chở lính, xe đò, xe lam, xe Honda chở dân chúng cùng nhắm hướng nam mà chạy... thục mạng! Cũng thấy rất nhiều người lính, nhiều gia đình gồng gánh đi bộ vì không đón được xe đi nhờ. Tới đây thì  bị phục kích và pháo kích tơi bời, tất cả đều bỏ xe, bỏ đường quốc lộ dạt vào hai bên đường, khoét cát làm hố cá nhân ẩn nấp hú họa. Mình và các bạn may mắn không hề hấn gì trong khi chung quanh rất nhiều người chết và bị thương, kể cả lính tráng và dân thường, xe cộ chiếc thì cháy chiếc thì lật hoặc đâm vào nhau vì hoảng loạn... ngỗn ngang trên đường, trên trảng cát... rất khủng khiếp! Lần đầu tiên mình nhìn thấy quân đội miền Bắc (từ xa và không nhiều lắm) và nghe hô bằng loa cầm tay "Hàng sống chống chết!". Bọn mình vất hết ba lô, súng đạn, bỏ đường bộ, bò trong những đám lúa thấp lè tè vì thiếu nước, theo sau mấy chiếc tăng M41 tìm cách chạy ra phía bờ sông ở hướng đông, bám được vào 1 chiếc xe tăng (lần đầu tiên đi xe tăng) vượt qua nhánh sông hẹp nhưng nước sâu... Qua được sông chỉ còn thấy mình và Đặng Trên, người Quảng Trị, không biết những người khác có thoát được không. Hai thằng vào 1 ngôi làng ven sông nhưng vẫn chưa hết lo sợ vì không biết tình hình thế nào. Rất may là tại đây vẫn rất yên bình, dân chúng sinh hoạt bình thường. Sau khi mua mì tôm ăn xong thì vừa lúc có chuyến đò máy chở người rời bến vào Huế bèn nhảy xuống xin đi, trả tiền đàng hoàng, nhờ đó mà lần đầu tiên mình biết phá Tam Giang rộng bát ngát và đẹp tuyệt vời khi ráng chiều soi bóng, vẽ nên một khung cảnh rất thanh bình, chưa hề thấy lần nào, ngược hẳn với sự kinh khiếp mình vừa trải qua chỉ vài giờ trước... Ơn trên phù hộ mình và Đặng Trên không bị một vết xây xát nào! Vào đến Huế nghĩ 1 đêm  rồi sáng hôm sau đón xe GMC quân sự xin đi tiếp vào Đà Nẵng, về nhà nằm mấy ngày luôn chứ không tới Liên đoàn 81 Quân cụ trình diện như được nghe thông báo trên radio địa phương, sau khi "hoàn hồn" rồi mới đi trình diện
Nhớ lại chuyện cũ đã hơn 40 năm vẫn còn kinh hoàng...
__________________________________________________________________________________
(*) Xem thêm ở  phần tiếp theo

Thăm THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ...

Cổng Thành Cổ Quảng Trị hiện nay được phục chế lại bằng béton thay vì bằng gạch cổ như nguyên bản

Bên cạnh khẩu Thần công cổ trước cổng thành

Toàn cảnh nhà Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. 

Sân bay dã chiến của Mỹ ở căn cứ Ái Tử (ảnh chụp lại từ ảnh trong Bảo tàng). Mình từng ở đây hơn 5 tháng vào năm 1972, được hưởng cái lạnh cắt da ở đây dịp cận Tết. Đại đội 816 Quân cụ của mình là đơn vị tân lập, đóng quân ở đầu phía bắc sân bay này, trong những ngôi nhà gỗ lợp tôn (như trong ảnh) của Mỹ để lại, sát bờ sông, phục vụ sửa chữa quân cụ cho Sư đoàn 3 bộ binh mới thành lập. Do chưa đủ quân số và quân dụng nên bọn mình ở không là chính, chỉ thỉnh thoảng thay thế phụ tùng cho những chiếc xe Jeep, Dooge, GMC hoặc một ít súng cá nhân bị hỏng hóc. Chiều chiều, bọn lính trẻ tụi mình hay lấy xe Jeep, xe Dooge (mới sửa chữa xong) ra... tập lái trên chính sân bay dã chiến (lót bằng ri sắt) này, tối thì rũ nhau ra ngồi café Da Vàng...  Đúng là "lính cậu"! 40 năm sau đi ngang qua thấy nhà cửa, cây cối san sát không còn nhận ra chút gì cảnh cũ vì không có...  người xưa để hỏi. 

Tòa nhà này (ở trung tâm thị xã) vẫn đứng vững sau trận chiến nhưng nay có lẽ đã bị phá bỏ (ảnh chụp lại từ ảnh trong Bảo tàng) Trước đây nơi này là tỉnh lỵ của Quảng Trị, có quán café Da Vàng bài trí rất nghệ sĩ, chuyên mở nhạc Trịnh Công Sơn, mình thường tới đây sau giờ cơm tối với vài người bạn thân trong đơn vị. Trở lại vùng đất này sau 40 năm, không còn nhận ra một nét gì thưở ấy, lòng man mác nhớ cảnh cũ người xưa... xin mượn bài "Thăng Long hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan để bày tỏ nỗi niềm:

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường /  Đến nay thấm thoát mấy tinh sương / Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương / Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt / Nước còn cau mặt với tang thương / Ngàn năm gương cũ soi kim cổ / Cảnh ấy người đây luống đoạn trường    

Tên là thế nhưng chỉ thấy lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về trận chiến 81 ngày đêm (28/6 đến 16/9) năm 1972 tại khu vực Thành cổ và Thị xã Quảng Trị, không thấy  hình ảnh, tài liệu, hiện vật gì về chính ngôi thành cổ (hay là có nhưng để ở góc khác, vi đoàn mình không thuê hướng dẫn viên thuyết minh nên không biết chăng?)

Một tiểu cảnh trang trí trước nhà Bảo tàng

Hoa súng tím trong tiểu cảnh


Cây xanh nay được trồng nhiều trên vùng đất từng đỗ nát, hoang tàn vì bom đạn chiến tranh. Người hướng dẫn thuyết minh (cho các đoàn khác, mình nghe lóm) nói rằng ở đây còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy thì mình nghĩ còn rất nhiều hài cốt tử sĩ vẫn nằm lại nơi này! Cầu cho tất cả các anh được đời đời yên nghĩ...

Phía xa là Đài tưởng niệm. Mình đã lên chổ đó (một mình thôi) cúi đầu tưởng niệm chung cho những người đã nằm xuống tại đây: "Tôi là 1 cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hôm nay lần đầu tiên đến đây sau cuộc chiến để tưởng niệm các anh, những người con của hai miền Nam - Bắc Việt Nam, đã ngã xuống nơi đây"Chỉ đơn giản vậy thôi, với tất cả lòng chân thành của mình với các anh.

Cổng Thành cổ hiện nay được phục dựng bằng béton, không như một đoạn tường thành cổ còn sót lại (sát bụi cây bên phải cổng mới) cho thấy được làm bằng gạch cổ. Tiếc là quên mất việc chụp cận cảnh đoạn tường thành gạch cổ còn lại này.


... và dạo chợ cho các chị shopping

Sau khi thăm thành cổ, chị em đòi đi... chợ! Trời nóng quá, ngại trả giá, bèn vào siêu thị vừa xem chơi vừa tránh nóng, siêu thị thì luôn mở máy lạnh mà!  Ảnh chụp trong siêu thị Quảng Hà (tức Quảng Trị và Đông Hà) lẽ ra phải là Quảng Đông mới đúng chứ hả? Sợ hiểu nhầm là siêu thị của... Tàu chăng?

Cổng chợ Đông Hà, chợ lớn nhất tỉnh Q.Trị. TP Đông Hà, cách thị xã Quảng Trị (cũ) 10 Km về phia bắc,  hiện nay là tỉnh lỵ của Quảng Trị. Năm 1972 nơi đây là một thị trấn nhỏ bé heo hút, chỉ có độc con đường chính là Quốc lộ số 1 chạy qua, hai bên là những căn nhà lụp xụp, cũ kỷ, có cái chợ nhỏ chỉ họp vài giờ buổi sáng, chủ yếu bán lương thực thực phẩm. Bây giờ phát triển thành thành phố khá lớn, thu hút nhiều khách phương xa đến mua sắm hàng Thái Lan (từ Lao Bảo mang về) ở chợ này, vì ngại lên cửa khẩu Lao Bảo (cách 85 km về hướng tây) mua hàng miễn thuế được nhập từ Lào và Thái Lan. Chị em trong đoàn nói bây giờ ở Lao Bảo toàn hàng giả Thái và hàng "đểu" của Tàu thôi

Các quầy hàng giày dép (và các loại hàng hóa khác nói chung) trong chợ Đông Hà phần lớn là hàng Thái Lan giả hoặc nhái kiểu, nhái tên. Một đôi dép quai da, đế nhựa (tái sinh) ghi "Model Thai Lan" rõ ràng mà được cô bán hàng đọc là "Made in Thailand" khi mình cầm lên xem thử! Bèn...  giảng cho cô ta 1 bài để "đừng đánh lừa khách hàng nửa nhé!". Còn cải nhau ra trò với mấy ả bán dạo áo pull "đểu" mà hét giá hàng "xịn" nữa cơ! Tóm lại là mình không mua được cái chi để về làm quà hết, nhưng chị em thì tay xách nách kẹp lắm thứ, kể cả quạt máy của Tàu giả Thái... Hì hì hì...

 
Vì các chị ham shopping quá nên ai nấy đói bụng quá chừng, tới 1 giờ chiều mới ăn cơm trưa

Cầu Đông Hà thời chiến tranh có mặt cầu bằng gỗ tẩm nhựa đường (dầu hắc). Khi xãy ra trận đánh Quảng Trị (khoảng cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 năm 1972), cầu bị đốt cháy nhằm ngăn xe tăng quân đội miền Bắc tiến vào thị trấn Đông Hà, tuy nhiên họ vẫn qua sông được vì T-54 là loại xe tăng lội nước, như xe tăng M41 và M48 của Mỹ vậy.

lần đầu tiên trong đời mình qua sông Bến Hải

Cách 500 mét về phía trước là cầu Bến Hải, chứng tích lịch sử của một thời chia cắt...

                                      

Lần đầu tiên trong đời được thực thấy cầu Bến Hải lịch sử mà lại tình cờ đúng vào ngày 20 tháng 7! Ranh giới chia cắt một thời nay là điểm tham quan nỗi tiếng, tiếc là thời gian bị lố nhiều nên không thể dừng lại như dự định trước, chỉ chụp được ảnh từ trong xe. Chuyến đi "lịch sử" của mình bắt đầu từ đây

Cầu Bến Hải cũ đã trở thành di tích nên 1 cầu mới được làm song song bên cạnh để xe cộ lưu thông