Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

LAN MAN... HỘI AN VỚI BÁNH MÌ NGON NHỨT VIỆT NAM

Trưa thứ Sáu 26 tháng 4/2013, đứa con trai đang làm cho một công ty ở Đà Nẵng báo chiều nay nó đi làm ở Hội An, tại một resort gần Cửa Đại, có thể về trể nên ở nhà cứ ăn cơm trước. Khi biết nó sẽ đi một mình bằng xe máy thì mình nãy ra ý nghĩ nhân dịp này cùng đi với nó, trước là thăm vài người bạn cũ ở đây, sau là dạo quanh phố phường xem chơi vì rất lâu rồi chưa vào lại phố cổ. Những lần có dịp tới Hội An gần đây chỉ vì có việc cần như dự đám cưới, thăm bạn ốm đau, công chuyện... đi chung xe với nhiều người khác, xong việc thì "cưởi ngựa xem hoa" vài ba chổ rồi về, chưa có lần nào tự do thăm thú tùy thích... Vậy nên "phải nắm lấy cơ hội" này!
Con trai trước cổng vào nơi làm việc
Đưa con vào chổ làm xong, mình quay xe ra đường Cửa Đại rồi theo đường Trần Hưng Đạo vào trung tâm thành phố, tà tà ngắm cảnh... Đường phố Hội An ở ngoài khu phố cổ thay đổi khá nhiều, đặc biệt là các khách sạn mọc lên san sát; rất nhiều khách du lịch ăn mặc giản dị như nhau nên khó biết họ đến từ nước nào, đi bộ hoặc đi xe đạp, đa phần là Tây, nói đủ thứ tiếng, ríu rít như chim hót, nghe mấy người Pháp chỉ hiểu lõm bỏm câu chuyện họ đang nói. Nhiều "em" Tây trẻ măng, mặt khá xinh, dáng đẹp, quần short, áo pull hở nửa ngực khiến không chỉ có mình thích... ngắm! Có "em" ngồi café, hút thuốc lá, rít vô một hơi rồi chu cặp môi lại, đẩy khói ra chầm chậm... từ từ... ngó... dễ ghét quá chừng! Người Tàu cũng khá nhiều, nghe tiếng thì nhận ra chứ chẳng biết là dân Đài Loan hay thuộc đại lục. Dễ nhận ra người Nhật qua cách họ cúi chào nhau khi gặp đồng hương. Dân địa phương và cả du khách đi bộ, xe đạp, xe máy hay xe hơi đều từ tốn, kể cả người đi xe đạp là Tây con và học sinh địa phương, rất tôn trọng đèn xanh đèn đỏ mà theo mình là khá nhiều ở cái thành phố "tí hon" này, trong khi lưu lượng xe cộ qua lại không nhiều lắm. Dạo một vòng quanh thành phố xem cảnh, ngắm người đẹp tây, ta chỉ mất hơn vài mươi lăm phút, chợt nhớ lại bài báo khen bánh mì Phượng ngon nhứt Việt Nam mà mình đã đăng lại ở blog này (bấm vào đây để xem) nên vòng xuống chợ Hội An cũ, quẹo qua đường Hoàng Diệu, ở ngòai khu phố cổ, tìm đến tiệm bánh mì đã nổi tiếng thế giới (!), theo bài báo. Tiệm nằm sát một cổng phụ của chợ cũ, cách chiếc cầu (cũng trên đường này) qua Cẩm Nam, vùng đất có món bắp (ngô) nướng, luộc nỗi tiếng, chừng trên trăm mét. 

Tới khu vực chợ cũ, thoạt nhìn con đường (ảnh dưới), tưởng như đang ở 

Nhìn về phía cầu qua Cẩm Nam, từ tiệm bánh mì Phượng

Chợ Lớn thời cách đây hơn 40 năm trước, khi nhìn thấy các cửa hiệu san sát nhau, nhà nào cũng là cửa hiệu buôn bán đủ mọi thứ, giống Chợ Lớn ở chổ nhiều biển hiệu ghi bằng chữ Hán, hàng hóa bày ra hẳn phía ngoài, rồi cả dãy dài xe máy để trước nhà, các xe bán nước giải khát trên vỉa hè... Con đường này cũng có nhiều khách Tây qua lại, dạo phố hay vào chợ mua hàng hoặc ghé vào ăn ở tiệm bánh mì Phượng. Khi mình đến, thấy bốn ông bà khách Tây vừa ăn bánh mì tại chổ xong, đang xòe từng tờ tiền Việt được thối lại ra đếm. Nghe những người bán hàng ở tiệm nói với mấy ông Tây, mình mĩm cười nhớ lại cái thời lính Mỹ mới đến Đà Nẵng... Cũng từng nghe những người bán hàng rong, hàng lưu niệm, giải khát hay các chú bé đánh giày (và cả bọn nhóc tụi mình nữa, khi muốn xin đồ hộp quân đội - ration C) nói chuyện với lính Mỹ bằng thứ tiếng Anh bồi với giọng Quảng đặc sệt... 

Ration C - đồ hộp Quân đội Mỹ.
(Ảnh lấy trên mạng)


Nhưng bọn Mỹ hồi đó hiểu hết, y như bây chừ với dân Tây khắp bốn phương, cả Nhật, Tàu, Hàn, Thái, Úc Âu châu gì gì nghe cũng hiểu hết... mới lạ chứ! Bất chợt được nghe lại kiểu nói này, chợt nhận ra rằng đã quá lâu mình chẳng đi chơi đâu xa, hay đến một nơi có khách Tây để được nghe những người bình dân buôn bán lặt vặt nói chuyện với họ, dù ngay thành phố mình ở du khách Tây đến cũng nhiều. Nhận ra điều đó, bỗng nhớ vẫn vơ cái thời hoa niên với cuộc sống giản dị, bình lặng mà quá đổi dễ thương, đã xa lâu lắm rồi...

Dĩ nhiên mình cũng kêu "cho một ổ", như anh chàng, có lẽ là dân địa phương, đứng bên cạnh, nhưng phân vân không rõ họ sẽ làm cho mình ổ bánh mì với những thứ chi đây và giá cả thế nào, vì ở Đà Nẵng họ luôn hỏi là mình ăn những thức gì, bao nhiêu tiền. Cô bán hàng nói với mình, kiểu như quen biết lâu ngày rồi: "Chú hên đó, còn một ổ thôi!" 

Mình ngạc nhiên: "Nghe nói tiệm ni bán cả ngày mà, răng còn có một ổ?" 

Cô ta cười: "À, chú không phải dân Hội An rồi! Bánh mì con lấy từng đợt, cho nóng giòn, hết thì kêu lò đem tới. Chú có ăn ớt không?" 

Thì ra là vậy, bèn nhớ lại lời cô này nói với anh chàng Tây đến ngay sau mình một chút, mà tiếng mình nghe rõ nguyên văn là "lác tơ", hẳn là cô ta muốn nói... "đợi đợt sau" với anh Tây kia? Đang nghĩ là mình hên thiệt, vì thấy đói bụng rồi, còn anh chàng Tây chắc phải đợi lâu, nhưng lập tức đã thấy có người chạy xe máy chở một giỏ to đầy bánh mì đến đưa vô tiệm rồi. Công nhận "dây chuyền sản xuất" ở tiệm này phối hợp nhịp nhàng thiệt. Lại nhận ra, "lác tơ", theo kiểu phát âm của cô bán hàng, là một khái niệm thời gian khá là mù mờ, nhưng ở cái "tiệm" bánh mì nhỏ bé này đã hơn đứt cái rõ ràng "Vui lòng chờ 5 phút" mà mình chứng kiến khá nhiều lần, tại nơi được mệnh danh là "thành phố đáng sống" (cũng... nhứt VN luôn đó nghe!)

Trong lúc chờ lấy bánh, mình đảo mắt một vòng quan sát tiệm bánh mì này... Kêu là "tiệm", mà là tiệm nổi tiếng quốc tế nữa chớ, nhưng thấy thiệt là đơn sơ (ảnh dưới), thậm chí có thể nói là luộm thuộm cũng đúng: chỉ lợp tole trên cái sườn gỗ không sơn, không có vách mà cũng chẳng có flafont nên thấy rõ nhiều thứ đồ đạc được để hoặc treo, móc vào các đà gỗ, dây điện chạy ngoằn ngoèo như mạng nhện, phía trước có tấm bạt cuốn (thường gọi là mái hiên di động), xung quanh được treo thêm vài tấm bạt rất là tạm bợ (che nắng và ngăn mưa tạt?). Vậy mà nỗi tiếng cả thế giới, sau bài báo của ông chuyên gia về ăn uống ở tận trời Tây! Chuyện này làm mình "tự hào + tự trào" thêm lần nữa là người vẫn... tôn thờ "trường phái" "hình thức không quyết định nội dung"!!!


Tấm biển hiệu, như đặc trưng của hầu hết biển hiệu ở Hội An, được làm bằng gỗ, sơn màu nâu đậm; tên tiệm và tên các loại hàng được chạm khắc nổi (hay dán?) phủ nhụ vàng óng ánh. Những tiệm cao lầu, hiệu vải, hiệu buôn, hiệu may, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, café... đã có tiếng hay đang... chờ lên tiếng, trong  khu phố cổ, dù mặt tiền rộng hẹp khác nhau thế nào cũng chỉ treo một tấm biển hiệu với hình thức chung là gỗ màu nâu sẫm, chữ nhụ vàng và cũng đều nhỏ nhắn, vừa phải như nhau; có khác là ở phần kiểu chữ thôi. Không thấy tấm biển hiệu nào chiếm nguyên chiều ngang của những căn nhà, cũng là đặc trưng của Hội An, nhỏ hẹp, thấp bé gần như nhau. Mà bên ngoài khu phố cổ cũng rứa hết, như tiệm bánh mì Phượng này chẳng hạn. Chuyện này chắc theo truyền thống của  những người Minh Hương đầu tiên đến đây làm ăn, buôn bán để lại chăng?

Lan (trái) là em gái, làm ở tiệm của Cô giáo Phượng.
Hai bài báo dán ở bên phải, phía dưới tủ bánh
Ổ bánh được đưa cho mình chỉ sau chừng vài phút, hỏi giá tiền, nghe là "Dạ, tám ngàn" bèn hỏi lại "Sao chú đọc báo thấy nói là từ mười lăm tới hai chục ngàn lận mà?" thì cô nhân viên hỏi lại "Chú người ở mô?... Tám ngàn là giá bình dân cho đa số người dân ở đây, còn ai muốn thêm món chi thì tính thêm tiền món đó". Mình cười cầu tài, nói "Chú ở Đà Nẵng dzô, có nhiều điều muốn hỏi thêm, chú ngồi đây ăn nói chuyện được chớ?" "Dạ chú cứ tự nhiên... có bình trà nóng đó... con chừ cũng mới được ăn trưa đây". Cầm ổ bánh mì thấy chẳng khác gì so với các nơi, cũng rau, dưa, vài lát chả, thịt nguội thêm vài muỗng chan một thứ nước sền sệt màu nâu đùng đục... Khi mình ngồi vào bàn, thấy anh chàng Tây hồi nãy đang lúi húi nhét hai ổ bánh mì vô chiếc ba lô treo trước xe đạp, có lẽ chuẩn bị cho một chuyến dạo chơi mô đó. Cô hàng bánh bưng một dĩa bánh mì với món trứng chiên ra ngồi cùng chiếc bàn duy nhất mà mình thấy tại đó, được làm bằng inox trắng bóng chứ không phải cái bàn nhựa thấp như ảnh trong bài báo đã đăng trên tờ Doanh nhân Sàigòn cuối tuần. Vừa ăn vừa chuyện trò qua lại, câu chuyện ngắt quảng vì cô vẫn điều hành mọi việc trong tiệm... Hỏi cô là chủ quán Phượng đây hả? Cô cười: "Dạ không phải, con là Lan, em của chị Phượng. Chỉ đang dạy học ở trường tiểu học gần đây... Chú ở Đà Nẵng mà cũng biết tiệm của con..." "Thì đọc trên mạng... thấy thiên hạ bốn phương khen... bánh mì ngon nhứt VN mà... Tò mò muốn ăn cho biết... Được chuyên gia ăn uống Mỹ khen đâu có dễ, hả..." Lan chỉ vào tủ bày hàng: "Dạ đó, hai bài báo của ông người Mỹ viết...


Bàn inox sạch sẽ, có trà nóng
có nhiều khách Tây viết nửa, khen tiệm bánh mì tụi con đó... Dạ, cũng lâu rồi... Chị Phượng photo hai bài báo dán ở tủ cho vui thôi... Hồi chưa có bài báo đó tiệm con cũng bán được lắm... Phần lớn người Hội An đều biết tiệm bánh mì Phượng ni... Chú ăn thấy có ngon không?" "Nói thiệt tình là có cái vị chi đó rất khác với những loại bánh mì ở nhiều nơi mà chú đã ăn..." "Dạ đó là món xá xíu chế biến từ thịt băm nhỏ..." Mình chen ngang, ra vẻ hiểu biết "Như là patê rứa chớ chi?" Lan vẫn nhỏ nhẹ: "Dạ, patê làm từ gan mà... còn món xá xíu là thịt nạc băm, làm theo công thức riêng của tiệm con..." 

Định hỏi thêm một số ý từ bài báo thì có khách tới, tây ta có cả, nên Lan xin phép vô tiệm bán hàng, bưng luôn dĩa bánh đang ăn dỡ. Mình ngồi ăn tiếp, thưởng thức ổ bánh cuối của đợt hàng mà vẫn giòn dù không còn nóng, cùng các vị có trong ổ bánh... Đúng là có vị chi đó khác lạ trong ổ bánh mì, làm nhớ lại lời khen của ông người Mỹ gốc Pháp sành ăn, khiến tiệm bánh mì "luộm thuộm" (theo mắt mình) ở một góc chợ Hội An nhỏ bé bỗng dưng nỗi tiếng khắp năm châu. 

Mình vẫn tin rằng làm ăn buôn bán gì cũng nhờ đến thời vận may mắn thì mới phát đạt, đại khái là "bôn ba chẳng qua thời vận", tuy nhiên phải nói ngay rằng muốn có cái may mắn ấy thì bản thân mình phải có cái khác biệt nào đó để người ta biết tới hoặc nhận ra. Cũng như đá banh rứa thôi, anh chơi có bài bản, có nét riêng, tấn công nhiều mà sút toàn trúng hay sượt "phô tô" chỉ vài ba phân... thì người ta cho là anh thiếu may mắn, chớ họ không chê đồ đá dỡ ẹc! "May mắn" của tiệm bánh mì Phượng, theo mình, là nó có chổ trong lòng thành phố cổ Hội An, một "di sản văn hóa thế giới" được nhiều du khách nước ngoài tìm đến, trong đó có ông Anthony Bourdain. Rồi "may mắn" nữa là, ấy là theo mình tưởng tượng đó nghe, một buổi đẹp trời, ổng đi dạo ngang qua tiệm bánh này trong lúc bụng đang đói, bèn ghé vào kêu "cho một ổ" đặng lót dạ, rồi với vị thế của một người sành ăn nỗi tiếng, ổng nhận ra điều khác biệt trong ổ bánh rất bình thường này để rồi có bài báo sẽ được rất nhiều người tin. Tiệm này có thâm niên hơn 20 năm rồi, rất nhiều người, tây lẫn ta, đã từng ăn bánh mì ở đây, chắc cũng có kha khá người nhận ra cái vị lạ đó để khen chứ, nhưng lời của họ có bao nhiêu người biết và tin rằng là đúng như rứa? Phải chăng vì họ không "may mắn" được là người nổi tiếng như ông A. Bourdain? Trộm nghĩ, tiệm bánh mì Phượng Hội An thật may mắn có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để làm nên thương hiệu có giá trị không chỉ ở Việt Nam. Vốn là người không sành ăn, lại chưa từng ăn bánh mì ở nhiều vùng miền khác nhau nên càng không có điều kiện để so sánh, tuy nhiên mình nghĩ nếu khẳng định bánh mì Phượng này là ngon nhứt VN thì có lẽ hơi thái quá. Nó nỗi bật hơn nơi khác nhờ thứ xá xíu có bí quyết riêng như lời cô Lan nói, hay nước sốt theo bài báo. Có người, như anh bạn của mình là Huỳnh Bốn, dân Hội An, tài công tàu chở khách và hàng hóa mỗi ngày ra vào Cù lao Chàm - Hội An, thường ăn bánh mì Phượng, cho biết khi mình hỏi có ngon thiệt không (ngay sau khi mình đọc được bài báo): "Cũng bình thường thôi mà!". Phải chăng, cũng như chuyện "xấu đẹp tùy người đối diện" vậy thôi, ai cảm nhận được thì khen ngon, còn không thì... tùy! Ngoài ra, mình nghĩ là chưa chắc người Hội An nào cũng biết chuyện nổi tiếng thế giới của tiệm bánh mì Phượng, dù có thể họ đã và vẫn ăn thường xuyên, theo nhu cầu hoặc sở thích, thậm chí chỉ do thuận lợi vì gần nhà, gần nơi làm việc... chứ không hẳn vì biết nó ngon nhứt.  

Nhìn đồng hồ tính ra từ khi ghé lại đây đến chừ đã hơn 15 phút rồi, trời đang chuyển mưa nên nhai vội phần còn lại rồi lau miệng, lau tay bằng khăn giấy hộp để sẵn trên bàn, rót một ly trà, rút một cây tăm đứng dậy nhường chổ cho mấy ông Tây vừa ghé vô kêu bánh mì. Vừa uống nước vừa ngẫm nghĩ  

“Tôi đã đi bao dặm đường đến đây để ăn bánh mì Hội An”
(du khách Chris Conway)
chỉ với tám ngàn đồng mà được ăn bánh mì nỗi tiếng, uống trà nóng, lau miệng bằng giấy lau loại tốt và còn biết được thêm đôi điều thú vị về tiệm bánh mì này thì tự thấy mình cũng có phần... may mắn! Mình là người thích mọi thứ đơn giãn như đang giỡn thôi, thế nên được ăn một ổ bánh mì, một thứ rất bình thường, của cái tiệm tuy nhỏ bé mà nổi tiếng thế giới cũng cảm thấy... sướng thiệt, bởi dù sao thì nó cũng "an toàn" hơn nhiều món ăn khác, nhìn rất hấp dẫn ở các nhà hàng, quán sá khắp nơi nhưng tàng ẩn nhiều thứ quá dễ sợ, chưa nói là giá cả trời ơi đất hỡi. Mình ở cách đây 
chỉ chừng ba chục cây số thôi, muốn ăn bánh mì ngon nhứt VN, theo bài báo, chẳng tốn mấy thời gian, tiền bạc là có ngay, dễ dàng hơn anh chàng ở tấm ảnh bên (trích từ bài báo). Hắn ở xa rứa mà còn tìm đến, mình "sát nách" chổ ni chẳng lẽ chỉ tới một lần? Còn các bạn, những người đọc được bài báo và những lời... lan man này, bạn nghĩ gì về bánh mì Phượng? Tôt nhứt là phải thử mới biết... Dù sao các bạn cũng "gần gũi" Hội An hơn các ông tây bà đầm chánh hiệu, hãy một lần ghé lại tiệm bánh mì này, hô "cho một ổ" rồi ngồi xuống... lan man với chính chủ nhân bà là cô giáo Phượng thử xem sao...

Thôi nghe! Chào tạm biệt bánh mì Phượng Hội An, mong sớm có lần gặp lại! 

Chu cha, hơn 2 giờ rưỡi chiều rồi, chắc Huỳnh Bốn lái tàu về lại đất liền rồi, phải gọi anh chàng này tới uống cafe mới được! Rồi còn phải dạo dạo vài vòng quanh khu phố cổ nữa chớ...


Cafe với Huỳnh Bốn tại quán Dư Âm, số 11 Phạm Hồng Thái, Hội An. 
Vô chổ này chỉ vì trời đỗ mưa bất ngờ, chớ không biết quán mô ngon.
_______________________________________


Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

VỆT NẮNG CUỐI CHIỀU


(Quí mến tặng vợ chồng em Trần H. - Florida)
Phạm Tín An Ninh

Tháng 7 năm 1975, khi mọi người vẫn còn đang ngơ ngác, chưa kịp hoàn hồn trước bao thù hận, mất mát chia lìa, thì ở khu làng biển nghèo Bá Hà, một cậu bé 15 tuổi lại ngỡ ngàng trước một tin vui - có mẹ. Khi bà ngoại dắt Hưng vào nhà và chỉ một người đàn bà xa lạ, bảo đó là mẹ mình. Hưng bất ngờ đến sững sờ, cứ ngỡ như bà mẹ này vừa mới từ trên trời rơi xuống.
Từ khi sinh ra, rồi cả một thời tuổi thơ Hưng chỉ sống với bà ngoại. Ngoại nghèo khổ, một thân một mình vất vả làm thuê, gánh mướn, chắt chiu nuôi đứa cháu duy nhất của mình. Hưng lớn lên bằng tấm lòng bao la của ngoại và sóng gió của biển khơi mênh mông. Trò chơi chỉ là rượt theo các chú dã tràng trên bờ biển vắng hoặc nhặt những chiếc vỏ ốc, vỏ sò sau mỗi lần thủy triều lên xuống. Càng lớn Hưng càng khôi ngô, khỏe mạnh. Có lẽ nhờ tiếng hát ru hời của ngoại cùng âm thanh rạt rào của biển luôn an ủi vỗ về mà Hưng gần như quên hẳn nỗi bất hạnh mồ côi và hun đúc Hưng thành một đứa bé khôn ngoan, thánh thiện, sớm biết nhìn bầu trời xanh bao la mà khát khao bao điều ước vọng.
Năm mới lên tám tuổi, vừa hết lớp ba, dù rất say mê học hành nhưng không đành nhìn ngoại ngày một còng lưng, Hưng phải xin nghỉ học để đi làm phụ ngoại. Theo ghe lưới cá của mấy người hàng xóm. Thời gian nghỉ ngơi, ở nhà tự học, đọc sách vở mà Hưng mượn được hoặc mua lại từ những bạn bè hay các anh chị học sinh lớn tuổi trong làng. Hưng ít khi hỏi ngoại về cha mẹ mình, vì Hưng không hề biết mặt họ, và trong ký ức non nớt cũng như trong cả những giấc mơ của Hưng cũng không bao giờ có hình ảnh cha mẹ. Chỉ nghe bà ngoại kể là cả hai người đều bị bạo bệnh qua đời lúc Hưng mới sinh ra. Có lẽ thấy tội nghiệp đứa cháu côi cút của mình, bà không muốn Hưng phải suy nghĩ hay nhớ đến chuyện buồn này, nên chỉ kể vội một đôi lần, lúc Hưng mới lớn lên và bắt đầu nhận hiểu đôi điều ở quanh mình. Rồi không bao giờ bà nhắc lại nữa.

Hưng có hai ông cậu, em của mẹ, nhưng ít khi gặp mặt. Ông cậu nhỏ đi làm xa ở đâu đó, còn ông cậu lớn thì đi lính quân dịch, một năm chỉ về phép đôi ba lần. Ông có vợ, nhưng gởi vợ lại cho ngoại. Bà mợ thì hiền lành, nhưng ông cậu lần nào về cũng ghen tương, gây gổ với mợ, với ngoại, mặc dù ông rất thương và lo lắng cho ngoại. Có lần ngoại buồn, hờn cậu, dắt Hưng theo ra tận vùng quê Xuân Tự, ngoài Vạn Giã ở với gia đình người em của ngoại. Sau hơn nửa tháng, nguôi ngoai và nhớ nhà, nhớ biển, nhớ cả đôi gánh tần tảo của mình, bà cháu lại dắt díu trở về làng cũ. Đó là kỷ niệm một lần đi xa độc nhất trong tuổi thơ của Hưng.
Mười lăm năm sống bên cạnh ngoại, trừ chuyến đi xa duy nhất ấy, Hưng chỉ quanh quẩn ở làng quê Bá Hà hay trong khu vực Hòn Khói. Một khu làng nghèo thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm bên bờ một cái vịnh nhỏ xa xôi, cách biệt thị tứ. Thời Pháp thuộc, chưa có nhiều phương tiện giao thông, nơi này chẳng khác nào một ốc đảo. Muốn đến nơi khác phải di chuyển bằng ghe thuyền. Dân chúng đa số sống bằng nghề đánh cá, làm muối, một ít làm ruộng. Nghèo, nhưng để bù lại, ông trời đã ban cho họ sự kiên nhẫn, trí thông minh, lòng hiếu học, cùng những cô con gái mặn mà nhan sắc.
Đầu thập niên 60, Bá Hà, Hòn Khói có khá nhiều người trẻ vươn lên, thành đạt bằng con đường chữ nghĩa, tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, đã tạo một làn sóng đưa con cái vào các thành phố lớn Nha Trang, Sài Gòn theo học. Nhà nào cũng hy vọng con cháu mình sẽ bước ra khỏi cái nghiệp nghèo khổ, ít học, quanh năm chỉ soi mặt dưới biển, trên đồng từ mấy đời của dòng họ, cha ông. Điều đáng buồn là cùng với cái đà vươn lên ấy cũng là lúc xảy ra nhiều biến động đau thương của đất nước. Bá Hà, Hòn Khói lại là nơi có nhiều anh em ruột thịt và bạn bè thân thiết, kẻ đứng bên này, người đứng bên kia, trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chủ nghĩa Mác-Lê một thời đã hấp dẫn một số người trí thức trẻ, vươn lên từ những tầng lớp nghèo khổ, khi “đấu tranh giai cấp” trở thành mục tiêu và lý tưởng của họ. Họ không hiểu là người ta đã lợi dụng điều này, dẫn dắt họ vào con đường lầm lạc để cuối cùng chỉ phục vụ cho một nhóm người ác độc, chẳng hề có lý tưởng mà chỉ khát khao quyền lực, bạc tiền.
Hương là một trong số những người đi theo con đường cam go đầy bất trắc ấy. Có điều không nổi đình, nổi đám như nhà họ Đỗ cùng xóm. Một anh giáo sư có vợ bác sĩ và mấy người cháu ruột đều có bằng cấp cao, kẻ vào bưng, người hoạt động nội thành, sau 75 làm nhiều chức rất lớn trong đảng. (Nhưng cũng chỉ vài năm sau thì giật mình thấy “lạc đường” nên quay lại chống đảng để bị tù tội và mất hết bổng lộc) (*). Việc ra đi của cô gái tên Hương này kín đáo, thầm lặng và từ một lý do đặc biệt hơn, không ai biết được.
Hưởng ứng phong trào cho con cái tiến thân theo con đường sách vở, cha mẹ Hương chắt chiu tiền bạc cho cô con gái của mình vào Sài gòn học. Thương cha mẹ nghèo mà phải vất vả lo lắng cho mình, sau khi vào Sài Gòn một thời gian, Hương kiếm việc làm thêm; vừa làm vừa học. Công việc chỉ là phụ giúp trong một nhà máy dệt, nhưng sau một tháng, ông chủ thấy Hương vừa hiền lành thật thà, vừa có chí học hành nên cho Hương làm sổ sách, kế toán. Biết Hương thuê phòng trọ trong khu lao động nghèo, sống một mình giữa Sài Gòn ồn ào đầy bất trắc, ông chủ tốt bụng động lòng thương cho về ở chung với đám con cái trong ngôi nhà rộng lớn của mình. Vừa làm cho xưởng dệt vừa phụ giúp những chuyện lặt vặt trong nhà.
Ông Bùi Văn Trụ, chủ xưởng dệt Bắc Hà là một kiến trúc sư tài ba, từng thiết kế nhiều khu đô thị và nhận lãnh công trình xây cất khu chợ Hòa Bình Đà Lạt. Gia đình trước ở Hà Nội và đã mấy đời làm chủ nhiều xưởng dệt. Năm 1954, cả nhà di cư vào Nam, sống ở khu Phùng Hưng, Chợ Lớn. Sau khi tạm ổn định đời sống và việc học hành cho con cái, ông gầy dựng lại Xưởng dệt Bắc Hà này. Được sự giúp đỡ của chính quyền trong bước đầu, nhưng chính yếu là nhờ vốn liếng và nhiều kinh nghiệm của ông, xưởng dệt ngày càng phát triển, không bị thất thế giữa những xưởng dệt lớn khác ở chung quanh mà hầu hết do Hoa kiều làm chủ.
Biết ông Trụ là người có khả năng và tâm huyết, chính phủ Ngô Đình Diệm đã yêu cầu ông cộng tác trong chương trình tái định cư và kiếm công ăn việc làm cho hơn một triệu người đồng cảnh với ông. Xưởng dệt Bắc Hà cũng là nơi quy tụ nhiều người di cư có kinh nghiệm trong nghề dệt.
Vợ mất, để lại cho ông bốn người con, ba trai một gái. Ông tục huyền với bà vợ mới, là bạn thân của vợ ông và cũng chính là người quản lý mấy xưởng dệt của ông ngoài Hà Nội. Khi di cư vào Nam, gia đình ông, ngoài vợ chồng và cậu con trai nhỏ của bà vợ sau, còn có cả bốn đứa con của bà vợ trước. Vào Sài Gòn ông bà có thêm một cô con gái út. Các con đều theo học các trường Tây: Jean Jacques Rousseau hay Marie Curie. Ông Trụ rất cưng con, nhưng thường bận đi xa trong nghề kiến trúc, hay giúp việc định cư cho những bà con khác, nên giao cho vợ chăm sóc, dạy dỗ đàn con, ngoài việc quản lý xưởng dệt Bắc Hà. Có lẽ một phần do ảnh hưởng nghề nghiệp, nhiều năm với cương vị quản lý mấy xưởng dệt lớn, nhân viên lên đến mấy trăm người, nên bà khá nghiêm khắc với con cái.
Trong mấy cậu con trai có Hoành, con út của đời vợ trước, rất giống bố, khá đẹp trai, hiền lành, học hành chăm chỉ và luôn vâng lời cha mẹ. Hoành không những giống bố về khuôn mặt, dáng đi mà còn ở đức tính rộng lượng, thương người. Thấy Hương con nhà nghèo, nhưng xinh xắn, nhu mì và hiếu học, Hoành rất quí mến, thương yêu lo lắng cho Hương như cô em gái. Hoành thường dạy kèm thêm cho Hương. Những ngày nghỉ, khi đưa các em gái đi chơi, Hoành luôn rủ Hương cùng đi. Thường chỉ đi dạo trong Sở Thú, ăn kem hoặc xem ciné. Sự gần gũi, thân tình và hợp tính nhau dần dần đã làm tình yêu nẩy nở.
Cuộc tình đẹp nhưng thầm lặng kéo dài gần hai năm, càng lúc càng say đắm, nồng nàn với kết quả là Hương mang thai. Hoành đem sự việc thưa cùng cha mẹ và xin được cưới Hương làm vợ. Lúc ấy Hoành đang học năm cuối trường Jean Jacques Rousseau và chuẩn bị thi BAC II. Cha của Hoành, sau khi la rầy rồi cũng đồng ý. Ông bảo Hương là đứa con gái hiền hậu dễ thương, lỗi là ở con trai mình. Cha mẹ phải có trách nhiệm, nhất là trong bụng Hương đang có giọt máu của họ Bùi. Nhưng bà kế mẫu của Hoành thì vừa nghiêm khắc, vừa bảo vệ nếp nhà  “môn đăng hộ đối”, quyết liệt khước từ. Sau nhiều lần bàn cãi, cha của Hoành phải tạm thời nhượng bộ để giữ hòa khí gia đình. Cuối cùng ông bà đi tới quyết định: Thuê chỗ ở khác cho Hương sống để chờ sinh đẻ. Sau khi sinh xong, ông bà sẽ bắt đứa con và chu cấp tiền bạc như một đền bù để Hương về quê sinh sống, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình cũng như với Hoành. Thực ra, trong thâm tâm ông Trụ, cha Hoành, đây chỉ là kế hoãn binh với bà vợ kế, chờ sau này, mọi việc lắng xuống, ông sẽ mua nhà riêng cho Hoành và tìm cách đưa Hương trở về sống với Hoành và con. Tiếc là ông không nói sớm điều ấy với Hoành. Hoành quá thật thà đem hết mọi việc kể cho Hương nghe, và khuyên Hương cứ ở lại sinh đẻ rồi sau này sẽ tính. Vừa bất bình trước sự khinh miệt giai cấp của gia đình Hoành, vừa giận thái độ khiếp nhược của Hoành, và nhất là sợ bị mất đứa con, hôm sau Hương viết để lại cho Hoành một lá thư từ biệt, trút bao đớn đau trách móc, rồi lặng lẽ ra đi. Để đánh lạc hướng gia đình Hoành, ngừa việc sau này họ đi tìm để bắt đứa con, Hương bảo sẽ về quê ở Diên Khánh (Thành) thay vì về Hòn Khói. Vì xưa nay, mọi người chỉ biết Hương là người từ Nha Trang vào học, thế thôi.
***
Mười lăm năm chưa biết mặt mẹ, chưa hề biết cảm giác của một đứa con có mẹ. Bây giờ bỗng dưng gặp một người bảo là mẹ mình, Hưng không có cảm xúc. Ngồi nghe mẹ kể lại cuộc đời bà và nguyên nhân sự có mặt của mình trên thế gian này, Hưng ngậm ngùi nhưng vẫn không hiểu hết được những điều đã xảy ra. Sao giống chuyện trong mấy cuốn tiểu thuyết mà mình đã đọc. Hưng thầm nghĩ như thế rồi hỏi mẹ:
- Vậy tại sao mẹ lại bỏ con lại cho bà ngoại khi con chỉ mới lên ba?
-  Đó là điều đau xót và ân hận nhất của mẹ, đã dằn vặt mẹ bao nhiêu năm nay. Nhưng xin con hãy hiểu và tha thứ cho mẹ. Lúc ấy mẹ không có con đường nào khác. Phụ lòng bà ngoại, xấu hổ với bà con láng giềng vốn còn rất đậm nề nếp cũ, con gái không chồng mà có con là cái tội xấu xa, cái án vô hình nhưng nặng nề lắm, con ạ.
-  Đã bao nhiêu năm, sao mẹ không tìm cách liên lạc với bà ngoại và với con, để bà ngoại vừa một mình khốn khổ nuôi con vừa buồn vì tưởng mẹ đã chết thật rồi.
-  Thực ra thì lúc ấy mẹ cũng muốn chết lắm. Viết lá thư để lại cho ngoại, bảo là mẹ xuống biển tự tử. Khuya hôm ấy mẹ có ra biển, nhưng khi lội xuống biển, nhìn thấy biển mênh mông, đen sẫm, nghe tiếng sóng thét gào, mẹ bỗng giật mình sợ hãi, không còn một chút can đảm. Mẹ bước lên bờ với ý nghĩ bỏ đi, nhưng chưa biết đi đâu, mẹ ra trốn ngoài ghềnh đá bên động cát, thì bất ngờ gặp mấy người du kích trong xã, trong đó có cô Tám, bạn học của mẹ lúc nhỏ, rủ vào bưng theo kháng chiến. Mẹ đi theo cô ấy.
- Sao mẹ không ở trong đội du kích cho gần nhà mà lại đi ra tận ngoài Bắc?
- Mẹ được cô Tám dắt lên núi để học tập. Nghe nói cách mạng là thực hiện triệt để cuộc đấu tranh giai cấp, mẹ thấy rất hợp với ước nguyện của mẹ nên đã xin tình nguyện để được kết nạp vào đảng. Hơn nữa, mẹ cũng muốn rời xa quê hương, để không ai còn biết đến mình. Mẹ được đưa ra Liên Khu 5, ba năm sau chuyển ra Bắc. Và cũng ở tại Liên Khu 5 này mẹ đã gặp cha của con bây giờ.
Đưa tay chỉ người đàn ông cao lớn, mặc bộ áo quần bằng vải kaki Nam Định, vai mang xắc-cốt, nãy giờ ngồi yên lặng trên bộ phản, bên cạnh bà ngoại, và hai đứa trẻ lạ, mẹ Hưng tiếp tục:
-  Chú Ba đây là chồng của mẹ. Và con Hồng, thằng Hà đây là em của con. Trước khi vào Nam, chú Ba nhất quyết bảo mẹ phải nói với con, chính chú ấy là cha ruột để cho con vui, nhưng mẹ không chịu. Mẹ muốn con biết rõ sự thật, vì chuyện cha con là chuyện máu mủ thiêng liêng. Con có nghĩ về mẹ thế nào cũng được, nhưng mẹ muốn con biết rõ lai lịch của mình.
Ông Ba đứng dậy, bước lại ôm vai Hưng thân mật :
- Mặc dù trước đây chưa được gặp con, nhưng mẹ con đã kể cho chú nghe về con từ khi mẹ và chú mới quen nhau. Chú rất thương con, và mong là con luôn xem chú như là ba của con. Nếu được, xin con cho chú cái vinh dự làm cha của con trong giấy khai sinh. Chú thực lòng không muốn trong khai sanh của con đề cha là vô danh, như mẹ đã kể cho chú nghe.
Nói xong ông Ba gọi hai đứa con lại, bảo anh Hưng đây là anh hai của hai đứa con. Từ nay phải gọi là anh hai và thương yêu, vâng lời  anh ấy. Hai đứa nhỏ bước đến vòng tay, bẽn lẽn chào Hưng.
Cái giọng Bình Định lai Bắc kỳ của ông Ba hơi khó nghe. Nhưng Hưng hiểu được những điều ông muốn nói và tin những tình cảm ấy là chân thật. Mặc dù sau tháng 4/75, Hưng nghe người trong làng kháo nhau: Đừng nghe những gì Cộng Sản nói.
Sum họp được hai ngày, thời gian chưa đủ để Hưng cảm giác có mẹ, có em, thì mẹ Hưng cùng chồng và hai con phải vào Cam Ranh để nhận nhiệm sở mới. Nghe nói ông Ba làm ở Phòng Địa Chính còn mẹ Hưng thì làm hiệu trưởng một trường phổ thông cấp 1. Trước khi đi ông bà để lại cho bà cháu Hưng mấy bao gạo, một số tiền và ít áo quần.
Sự thay đổi qua bất ngờ và khá lớn lao đó vẫn chưa đủ làm cho Hưng mất đi cái cảm giác mồ côi. Mười lăm năm, đã quen và yêu cuộc sống tuy vất vả nhưng rất yên ả với ngoại, với biển cùng đám bạn bè ở cái làng nghèo Bá Hà này nên Hưng không muốn có một sự đổi thay nào nữa. Từ ngày người mẹ xuất hiện, với một lai lịch khá mơ hồ về cha, cùng với sự xáo trộn từ đầu tháng Tư, kéo theo bao âu lo của bà con trong xóm, đầu óc Hưng lúc nào cũng căng thẳng, chẳng khác nào những đêm biển lặng, theo thuyền đi lưới cá ngoải khơi, đột nhiên bị dông tố bất ngờ. Bao nhiêu năm sống với ngoại, Hưng ví ngoại như cây cổ thụ đầu làng, quanh năm phủ bóng che mưa, che nắng cho mình. Hưng không muốn có ngày bị người ta kéo ra khỏi cái bóng thần tiên ấy, cho dù người ấy là ai. Bỗng dưng Hưng thấy thương ngoại hơn. Tối tối, Hưng chui vào nằm bên ngoại, ôm ngoại thật chặt như sợ bà sắp tuột mất khỏi vòng tay bé nhỏ của mình. Còn ngoại thì khác, bà tỏ ra phấn chấn, vui mừng, thường nắm tay Hưng bảo nhỏ:
- Hãy vui lên nghe con, bây giờ thì con đã có mẹ. Trước đây ngoại rất lo sợ, vì ngoại đã già rồi, nếu có bề gì biết có ai lo lắng cho con. Bây giờ con có mẹ, ngoại yên lòng.
Ngoại nói là ngoại mừng, nhưng nhìn vào mắt ngoại, Hưng thấy ngoại đang khóc.
Hơn một tháng sau, mẹ và chú Ba đưa xe con về đón ngoại và Hưng vào Cam Ranh. Gia đình ông bà được cấp ngôi nhà khá rộng trong khu cư xá, nghe nói của một công chức VNCH bị tịch thu. Mới làm việc chỉ hơn một tháng, nhưng ông bà tỏ ra chán ngán. Ông bảo làm trong ngành địa chính nên biết rõ nhiều điều bất công, khuất tất. Từ việc tịch thu tài sản của nhiều người dân vô tội đến việc giành giật chia chác từ chức tước đến nhà cửa, đất đai giữa những cán bộ trong các ban quân quản và guồng máy chính quyền mới vừa “biên chế”. Mẹ Hưng thì dễ dàng nhận ra hệ thống giáo dục và trình độ của các giáo chức miền Nam, hơn hẳn bây giờ và cả ngoài Bắc. Tuy phải chấp hành cấp trên, nhưng với chức vụ hiệu trưởng, bà cảm thấy e thẹn, nhất là những khi phải họp hành  “giao ban” với các giáo chức cũ. Hưng nghe mẹ thường buồn bã tâm sự với ngoại :
- Điều buồn nhất sau bao nhiêu năm trở lại quê nhà là con cảm thấy thật cô đơn. Láng giềng, bạn bè cùng lớp cùng trường ngày xưa dường như đều muốn xa lánh con. Có ai bất ngờ gặp con giữa đường, họ giả vờ vồn vã nhưng con nhìn thấy rõ sự dè dặt trong mắt họ.
Ông bà luôn chăm sóc ngoại, vỗ về an ủi Hưng. Nhiều đêm bà ngủ cùng phòng với Hưng để mẹ con tâm sự. Nước mắt của mẹ dần dà đã thấm đẫm trong lòng Hưng, làm Hưng xúc động. Nằm trong vòng tay, với những cái nhìn âu yếm, cùng những giọt nước mắt ấy của mẹ đã làm Hưng thấy gần gũi, thấu hiểu được nỗi lòng và ước mơ của mẹ. Nhiều lúc, thấy mẹ ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm, Hưng biết là cả một quá khứ đau buồn đang trở về với mẹ, nhưng không hiểu là hình bóng của cha Hưng đã hiện lên như thế nào trước mắt mẹ. Mẹ có còn thương cha, có dành một ngăn nhỏ nào trong trái tim của bà cho người tình xưa, hay chỉ có oán trách, hận thù? Còn chú Ba, chồng của mẹ bây giờ, thực ra cũng là một người tốt, chân chất hiền lành, thường tâm tình khuyên bảo, năn nỉ Hưng ở lại với ông bà và hai em. Ông sẽ lo cho Hưng đi học trở lại, có mẹ kèm thêm để Hưng học nhanh hơn. Ông cũng tỏ ý muốn thay mặt cho cha Hưng để bù đắp những gì mà hơn 15 năm qua Hưng bị mất mát quá nhiều. Ông tha thiết mong được Hưng gọi mình là ba như hai đứa em của Hưng.
Hai tuần ở đây, tình cảm trong Hưng có nhiều biến chuyển. Hưng bắt đầu gọi ông Ba bằng cha, và cũng là lần đầu tiên Hưng cảm giác mình có mẹ. Hưng thấy hạnh phúc và cũng có chút hãnh diện về mẹ, một người đàn bà lớn tuổi nhưng còn nhan sắc và hiểu biết. Có một điều Hưng vẫn mơ hồ, không biết con đường gai góc mà mẹ đã đi trong gần mười lăm năm, bỏ Hưng côi cút với ngoại, có phải mẹ đã thực sự tìm đúng lý tưởng của mẹ ? Hưng thấy cái làng Bá Hà này vốn cũng đã nghèo, giờ lại càng nghèo khổ xơ xác hơn. Các chủ ghe mà Hưng đã từng đi theo phụ lưới, giờ phải đem ghe thuyền giao nộp hết cho hợp tác xã. Các anh chị từng vươn lên trong học hành, có cả ông thầy trẻ từng dạy Hưng, một thời làm hãnh diện cho Bá Hà, giờ một số bị tù đày, số còn lại thì quay về nghiệp cũ; đánh cá, làm muối, làm ruộng. Chẳng lẽ học hành, giỏi giang chữ nghĩa lại có tội ? Mọi người ai cũng ngờ vực, sợ sệt lo âu.
***
Tháng 5/78, một chiếc thuyền nhỏ vượt biển tắp vào một hoang đảo ở Nam Dương. Trên thuyền gồm có 18 người, đa số là thanh, thiếu niên. Tất cả được Cơ Quan Cao Ủy Tị Nạn LHQ đón nhận đưa về tạm trú tại trại tị nạn Tandungpinang. Trong số 18 người này có Hưng, cậu bé đánh cá vùng biển Hòn Khói năm nào, bây giờ đã 18 tuổi. Được phái đoàn Mỹ nhận, Hưng đến định cư tại Tiểu bang Florida vào đầu tháng 10/79 với sự bảo trợ của một gia đình người Mỹ tốt bụng.
Nhờ có sẵn đức tính cần cù chăm chỉ, từng trải qua cả một thời tuổi thơ cơ cực, và cũng nhờ vào trí thông minh của ông trời ban cho người dân nghèo Hòn Khói, Hưng vừa đi làm giúp đỡ gia đình, nhất là bà ngoại ở Việt Nam, vừa theo học tại một trường Cộng Đồng dành cho người lớn tuổi. Hưng học rất nhanh và luôn đạt điểm cao, được khích lệ của các thầy cô giáo. Hưng theo gương Nguyễn Xuân Nam, một người bạn nghèo cùng làng Bá Hà, sang Mỹ trước Hưng một năm, nổi danh hiếu học (**). Trong chuyến đi của Hưng có cậu em ruột của Nguyễn Xuân Nam.
Khi được Cao Ủy Tị Nạn và Phái Đoàn Mỹ phỏng vấn, hỏi do động cơ nào mà Hưng vượt biển ra đi. Hưng trả lời là chính bà ngoại đã khuyên và giúp Hưng tìm mọi cách, bà bảo :
- Chỉ mới sau mấy năm “giải phóng” mà coi bộ dân chúng khốn khổ quá chừng. Ai cũng lo sợ, oán than cách mạng. Ngoại già rồi, nhưng con còn trẻ phải tìm mọi cách ra đi. Ở lại coi bộ khó sống lắm con ạ.
Đó là lời khai hoàn toàn thành thật, vì xưa nay Hưng không hề biết nói dối. Có điều Hưng hơi ngạc nhiên khi nghe ngoại bất ngờ nói ra điều này, mà trước đó Hưng chưa bao giờ nghe bà nói tới. Sau này, Hưng mới biết đó là quyết định của mẹ và ông cha kế. Cả số tiền để Hưng trả cho chủ ghe cũng do ông bà đưa cho ngoại.
Lá thư đầu tiên nhận được của mẹ, có cả ông Ba, người cha kế viết chung trong đó, Ông bà chúc mừng Hưng đã đến xứ tự do, nơi bảo đảm tìm thấy tương lai, nếu ở lại, giờ này Hưng đã bị đi nghĩa vụ quân sự và có thể bỏ xác oan uổng ở chiến trường Campuchia trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những người Cộng Sản. Hai năm sau, tháng 12/81, Hưng được tin ông xin phục viên, viện cớ chứng đau nhức đến buốt óc do một mảnh đạn còn nằm trong đầu, bị thương trong trận tấn công Quảng Trị 1972, không thể giải phẫu lấy ra được. Mẹ Hưng còn dạy học thêm vài năm nữa, sau này xin nghỉ vào Bình Dương làm nghề trồng cây ăn trái.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học và đã có công việc làm ổn định, được tin ngoại ốm nặng, Hưng vội vã về Việt nam thăm ngoại. Xin bảo lãnh ngoại sang Mỹ để chữa bệnh và sống với Hưng, nhưng ngoại nhất quyết chối từ, bảo là bà đã sống ở làng quê Bá Hà cả một đời người, như cây đa mọc rễ không dễ gì mà bứt ra được. Không ngờ đó là lần cuối cùng Hưng gặp ngoại. Bà qua đời vào năm 1998. Được tin ngoại mất, Hưng có cảm giác như cả bầu trời sập xuống. Hưng tưởng tượng cái cây cổ thụ xum xuê to lớn ở đầu làng Bá Hà vừa bị bật gốc. Dù bây giờ Hưng đã thực sự trưởng thành, có một gia đình hạnh phúc với vợ con, công ăn việc làm ổn định, nhưng Hưng vẫn cảm thấy như vừa mất đi cái bóng mát vĩ đại để tâm hồn mình trú ẩn. Bởi mỗi khi buồn, cảm thấy cô đơn lạc lõng trên xứ lạ quê người, nghĩ tới ngoại là tinh thần Hưng phấn chấn. Nhớ những ngày mình còn bé, ngoại thường dắt lên chùa lễ Phật. Hưng chấp tay trước ngực, đứng nép bên ngoại trước tượng Phật, nghe ngoại chỉ cầu xin bao điều may mắn tốt đẹp cho đứa cháu côi cút của mình. Có lẽ nhờ những lời cầu xin này của ngoại mà cuộc đời mình mới được như hôm nay. Bây giờ trang sách cuộc đời như vừa bị ai đó xé đi mất nửa trang đầu, để nửa sau không còn ý nghĩa gì nữa. Hưng khóc hết nước mắt và hụt hẫng đến suy sụp cả tinh thần.
Ông Ba, người chồng sau của mẹ cũng qua đời mấy năm sau đó. Hưng dắt vợ con về Việt Nam để chịu tang ông như người cha ruột của mình. Hưng xin xây mộ phần cho ông, an ủi mẹ và  hai em. Trước khi rời Việt Nam, Hưng gởi lại cho mẹ một số tiền và hứa mỗi tháng sẽ gởi thêm về để phụ cho hai em ăn học đến nơi đến chốn.
Trong lần về Việt Nam lo đám tang cho ngoại, Hưng có dịp tâm tình riêng với mẹ. Mấy ngày hai mẹ con nằm trong khách sạn Hải Yến ở Nha Trang, khi ngoài trời gió mưa tầm tã, mẹ đã kể lại tỉ mỉ hơn về cha ruột của Hưng, về cuộc tình thật đẹp, thật lãng mạn nhưng kết cục quá đau đớn của ông bà. Mẹ cũng không còn trách cha. Bảo ông ấy là người tốt, hiểu biết, thương người, nhưng lúc ấy còn đang đi học, lệ thuộc nhiều vào gia đình, hơn nữa lại là đứa con luôn vâng lời cha mẹ. Hôm ấy, lần đầu tiên mẹ ngỏ ý muốn Hưng đi tìm cha, dù điều ấy bây giờ rất nhiêu khê, nhất là sau tháng 4/75, những người giàu có đã phải bỏ nhà cửa, bỏ Sài gòn ra nước ngoài hay đến một vùng quê xa xôi nào đó để mong còn giữ được cái thân.
Nghe lời mẹ, trước khi trở lại Mỹ, Hưng thuê xe đến khu Phùng Hưng trong Chợ Lớn. Đúng như lời mẹ nói, tất cả đã đổi thay, không ai biết gì về gia đình ông chủ xưởng dệt Bắc Hà ngày trước. Vừa thất vọng, vừa nghĩ là nếu có tìm được ai đó trong gia đình cha, chắc gì họ đã đón nhận mình. Bởi trong mười lăm năm Hưng sống côi cút khổ cực, cũng không hề thấy có ai đi tìm đứa con, đứa cháu lạc loài bất hạnh. Hưng quyết định bỏ hết, cố quên đi cái quá khứ đau buồn và phiền muộn ấy để cho lòng thanh thản. Hưng nhủ thầm “không ai thay đổi được quá khứ, mình nên dồn hết trí óc và thời gian còn lại để xây dựng tương lai”.  Hôm ấy, khi máy bay lấy cao độ để rời khỏi không phận Sài gòn, Hưng nhìn xuống, qua khung cửa kiến nhỏ, nhận ra khu vực Chợ Lớn nằm xa xa phía dưới, bất giác Hưng đưa tay lên chào. Hưng nghĩ đó không chỉ là cái vẫy tay từ biệt khu phố Phùng Hưng, mà còn từ biệt luôn một quá khứ mơ hồ. bất hạnh với một người cha chỉ nghe như huyền thoại.
***
Cách đây hai tuần, khi đang say ngủ Hưng giật mình bởi chuông điện thoại reo. Xem đồng hồ, đã hơn hai giờ sáng. Giờ này mà ai gọi chắc là có điều khẩn cấp lắm. Hưng bốc ống nghe. Bên kia đầu dây là Hà, đứa em trai cùng mẹ khác cha đang gọi từ Sài gòn. Hà gọi từ một trạm internet, nên hiện lên trên khung điện thoại của Hưng một dãy số lạ hoắc. Hà báo tin đã tìm được một người biết gia đình ông bà Bùi văn Trụ, chủ xưởng dệt Bắc Hà. Việc đi tìm tin tức về người cha ruột của Hưng hy vọng có nhiều manh mối. Cái tin bất ngờ đó làm cho Hưng lo lắng hơn là vui mừng. Không biết khi tìm được rồi họ có nhận mình không?
Cái vẫy tay từ biệt hôm nào trên máy bay, Hưng tưởng đã bỏ lại cho khu phố Phùng Hưng tất cả quá khứ buồn thảm. Hưng muốn xóa sạch hết tất cả, như cái xưởng dệt Bắc Hà giờ cũng chẳng còn một dấu tích nào. Nhưng rồi một giấc mơ đã làm Hưng thay đổi. Một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, có tiếng điện thoại reo, Hưng bốc máy lên nghe. Giọng một người đàn ông :
- Có phải Hưng đó không con ? Ba là Hoành, cha của con đây. Bao nhiêu năm đi tìm con khắp nơi mà không gặp. Ba rất thương nhớ con. Hãy tha thứ cho ba nghe Hưng!
Hưng giật mình tỉnh giấc, trong tai vẫn còn văng vẳng tiếng người vừa nhận là cha mình. Giọng nói trầm ấm, hiền lành, xúc động. Giấc mơ đã làm Hưng nhớ lại câu nói “cha con là máu mủ thiêng liêng” của mẹ trong ngày đầu tiên khi hai mẹ con gặp nhau tại căn nhà tranh của ngoại ở làng quê Bá Hà hơn 36 năm trước. Chính giấc mơ đã thôi thúc Hưng đi tìm lại cha mình
Hưng nghĩ ngay tới Hà, đứa em trai một mẹ khác cha, nhưng rất giống Hưng và luôn kính trọng, thương yêu, giữ tình nghĩa với Hưng chẳng khác nào anh em ruột. Từ hơn mười năm nay, Hà làm việc cho một công ty xuất nhập cảng lớn tại Sài Gòn, chắc chắn quen biết nhiều người. Hưng liền gọi điện thoại về Việt Nam, bảo Hà hỏi mẹ rõ ràng chi tiết về gia đình ông bà chủ xưởng dệt Bắc Hà để tìm ra tông tích của cha Hưng. Hà hết lòng ủng hộ mẹ và Hưng về việc này. Ngày nào, sau khi đi làm về, Hà cũng chạy ngay xuống khu phố Phùng Hưng.
Qua bao biến cố, thăng trầm, Sài Gòn - Chợ Lớn bây giờ đổi thay nhiều quá. Cả khu xưởng dệt Bắc Hà không còn lại một dấu tích gì. Người ta đã phá hết để xây khu chung cư mới. Hầu hết dân chúng ở khu vực này từ ngoài Bắc mới vào sau 75. Dường như chẳng còn ai biết có một xưởng dệt tên Bắc Hà từng hiện diện ở nơi này. Hơn nữa, mọi người đang tất bật rượt đuổi theo thời gian để tìm cơ may trong cơn sốt đổi đời, thì còn đầu óc và thời giờ đâu mà nhớ tới ngày xưa, ngay cả cái thời đẹp đẽ hạnh phúc mà họ đã mất. Sau mấy ngày, Hà may mắn gặp được một ông già tốt bụng. Ông thuê lại căn nhà của một người Bắc 54 đã ở đây hơn 30 năm kể từ ngày di cư vào Nam. Hy vọng ông ấy biết nhiều về gia đình chủ nhân xưởng dệt Bắc Hà. Ông tìm địa chỉ đưa cho Hà. Hà chạy ngay lên tận Biên Hòa và gặp được người chủ nhà gốc Bắc 54 ấy. Ông cụ đã trên 85 tuổi, nhưng trí nhớ còn rất tốt. Ông biết rất rõ về gia đình ông bà kiến trúc sư Bùi văn Trụ và xưởng dệt Bắc Hà nhưng ông bảo sau 75, cả nhà cửa và xưởng dệt đều bị tịch thu. Có lẽ tất cả đã ra nước ngoài. Vì từ ngày ấy ông không còn gặp và cũng chẳng nghe ai nói tới gia đình ấy nữa. Tuy nhiên, ông có biết một bà bác sĩ hiện ở bên Pháp,  là bà con với gia đình ông bà chủ Bắc Hà. Bà có về Việt nam thăm thân nhân và bạn bè một đôi lần. Ông hứa sẽ tìm một người quen, là bạn thân của bà bác sĩ ấy, để hỏi giùm tin tức. Hà mừng quá, xin số điện thoại của ông cụ rồi chạy ngay đến một trạm internet ở gần đó để gọi cho Hưng, mặc dù biết ông anh của mình giờ này đang ngủ say. Hà bảo :
- Em báo tin để cho anh “phấn khởi”  và tốt nhất là em cho anh số phôn của ông cụ, để anh gọi về trực tiếp nói chuyện. Sẽ hấp dẫn, hồi hộp và chính xác hơn là em.
Sáng hôm sau, Hưng gọi về và gặp được ông già Bắc Kỳ 54 khả kính. Nhưng ông bảo phải chờ ông hỏi thăm, vì chưa gặp được người ấy. Ông hẹn Hưng tuần sau gọi lại. Trong một tuần ấy, lòng Hưng rối như tơ vò. Không biết người cha ấy như thế nào, vợ con ra sao. Nhà giàu và học hành như thế đối với mẹ con Hưng họ là giai cấp thượng lưu. Hơn nữa còn bà vợ. Liệu bà có cho chồng nhận Hưng là con, khi sợ bị chia mất một phần gia tài, và nhất là tình cảm của mẹ con bà? Hưng tâm tình với vợ. Là một người hiểu rõ tính tình, suy nghĩ và cả một quá khứ bất hạnh buồn thảm của chồng, vợ Hưng luôn an ủi, khích lệ và chia sẻ cùng chồng mọi tâm sự, nỗi niềm:
- Em nghĩ anh nên vui và nắm lấy cơ hội này để tìm gặp lại cha. Vì hoàn cảnh của anh, của chúng mình hiện nay, em không sợ gia đình cha sẽ hiểu lầm. Mình không cần bất cứ tài sản gì nữa, còn tình cảm, đó là sự thiêng liêng như mẹ đã nói, không ai có thể nhẫn tâm chia cách được. Hơn nữa nếu còn sống, cha cũng đã già rồi. Em tin là dù trước kia có thế nào, bây giờ bất ngờ gặp được anh, chắc là cha sẽ vui mừng ghê lắm. Hơn nữa, đó chính là điều ước mong của mẹ.
Những lời nói của vợ làm cho Hưng bớt căng thẳng và vui vẻ hơn, nhưng chưa hết hẳn lo âu. Sau một tuần lễ dài nhất trong đời, Hưng gọi điện thoại về Biên Hòa gặp ông cụ Bắc Kỳ 54. Rất may mắn ông đã có số điện thoại của bà bác sĩ ở bên Pháp. Đó là bà bác sĩ Tuyết, trước kia là học trò của ông bác sĩ Bùi Huy Lâm hiện ở bên Mỹ. Hưng rụt rè gọi cho bà Tuyết. Một người đàn ông bốc phôn. Nhưng mới nói vài câu, Hưng nghe bên kia đầu dây im lặng, rồi cúp máy. Hưng đoán có lẽ ông là chồng của bác sĩ Tuyết, tưởng ai gọi nhầm số. Cũng có thể ông không muốn nghe, ngại dính vào câu chuyện phiền toái của Hưng. Suy nghĩ mãi, cuối cùng Hưng hỏi vài người quen ở Cali, xin số phôn của bác sĩ Bùi Huy Lâm. Ông này khá nổi tiếng ở đây. Ông Lâm thật nhân từ, tốt bụng, vui vẻ và chịu khó nghe Hưng trình bày một câu chuyện khá dài. Ông tỏ ra xúc động. Khi đang khóc trong điện thoại, Hưng nghe bên kia đầu dây có tiếng sụt sùi. Ông hứa sẽ liên lạc ngay với bà Tuyết để kể lại đầy đủ sự việc và bảo đảm bà sẽ sốt sắng trong việc này. Ông còn an ủi Hưng:
- Cháu yên tâm. Bây giờ không phải chỉ có cháu, mà còn có cả bác nữa, chúng ta nhất định sẽ tìm ra bố của con.
Tấm lòng của bác sĩ Lâm làm Hưng thực sự cảm kích. Hưng nghĩ mình đã may mắn gặp một người nhân từ, nên hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp.
Cuối cùng thì Hưng cũng gặp được bà bác sĩ Tuyết. Lần này bà lắng tai, thăm hỏi an ủi và cho Hưng số điện thoại của người cô út, em cùng cha khác mẹ với cha Hưng. Bà sống ở Thụy Sĩ.
Hôm nói chuyện với cô, tự dưng Hưng xúc động đến nghẹn ngào. Bà chỉ lớn hơn Hưng có bốn tuổi. Tuy hoàn toàn không biết gì về Hưng, không hề được nghe người anh tên Bùi văn Hoành của bà đã từng có một đứa con như thế, nhưng bà rất vui vẻ, thân thiện và dành cho Hưng những lời thương yêu, quí mến. Chính tấm lòng và giọng nói của bà đã làm cho Hưng có cảm giác người này thực sự có liên hệ máu thịt với mình.
Hưng gởi ngay cho bà vài tấm ảnh của Hưng qua email và ngược lại bà cũng gởi cho Hưng tấm ảnh của người anh, mà Hưng bảo là cha. Xem ảnh xong, bà bảo là Hưng giống cha Hoành như đúc. Còn Hưng, khi nhận tấm ảnh của cha, tấm ảnh lúc ông còn trẻ, nên cả vợ chồng Hưng đều giật mình tưởng người trong ảnh chính là Hưng bây giờ. Bà cũng báo tin cho người chị cả của bố, bác Hương, hiện định cư ở Canada gọi sang Mỹ thăm và vui mừng đón nhận Hưng. Tối hôm ấy, Hưng rất xúc động nhận được một email ngắn của cô út :
- Hưng đã quậy trời, quậy đất đi tìm bố, từ bác sĩ Lâm ở Cali, đến cô Tuyết, bác Túc ở Pháp. Tất cả đã biết và cùng chia sẻ niềm hạnh phúc. Cô ở Suisse và bác Hương ở Toronto đã mở rộng vòng tay đón Hưng vào gia đình họ Bùi. Cô rất vui vì Hưng tìm được dòng suối trong, và Hưng sẽ như dòng thác đổ, như sông Cửu Long chẩy về ôm hết những người Hưng muốn thương yêu
Có một điều không phải như Hưng nghe mẹ và ông cụ Bắc Kỳ 54 ở Phùng Hưng ước đoán trước đây, cha của Hưng không định cư ở Pháp sau 75, mà vẫn còn ở Sài Gòn. Điều ngạc nhiên hơn ông từng là đại úy phi công VNCH. Bị tù 7 năm sau tháng 4/75. Ông đủ điều kiện đi Mỹ theo diện HO, nhưng bà vợ, nhờ chôn giấu được một số vàng của cha mẹ để lại sau 75, nên còn vốn để buôn bán làm ăn, điều quan trọng hơn là cả cha mẹ bà đều bị bệnh nặng nằm một chỗ cần đến sự săn sóc của bà, nên bà không thể bỏ đi. Cuối cùng bố Hưng phải đành ở lại. Bà cô út rất tế nhị, vừa muốn tránh việc phiền muộn có thể ảnh hưởng tới cuộc kỳ ngộ, và cũng muốn dành trọn cảm giác ngạc nhiên cho ông anh, nên bà bảo sẽ không trực tiếp cho cha Hưng biết, mà chỉ cho Hưng số điện thoại và địa chỉ của ông, đề nghị Hưng nhờ đứa em ở Sài gòn tìm cách hẹn ông ra ngoài, kể chuyện về Hưng, rồi sau đó gọi điện thoại để hai cha con nói chuyện.
Hưng nghe theo lời cô, nhờ Hà giúp mình mọi việc. Chiều hôm sau, từ một quán cà phê trong giờ vắng khách, ông Hoành lần đầu tiên nghe tiếng nói của đứa con hơn 51 năm chưa hề biết mặt.
Giọng nói đôn hậu pha lẫn chút đùa cợt, có lúc lại nghẹn ngào đứt đoạn của ông đã gây cho Hưng cảm giác gần gũi, thân thiết ngay từ phút ban đầu. Ông kể chuyện về bố ông và ông, đau buồn thế nào khi biết mẹ Hưng bỏ đi, vã đã vất vả kiên nhẫn đi khắp nơi tìm mẹ con Hưng mà không gặp. Khi nghĩ là mẹ Hưng đã tự tử mang theo dòng máu của mình, cha con ông đã ân hận đau đớn như thế nào. Trong phòng riêng ông có để tấm ảnh nhỏ của mẹ Hưng trên kệ thờ. Thấy ông đau buồn tiều tụy, bố ông xin giấy tờ cho ông sang Pháp du học. Nhưng khi ông chuẩn bị lên đường thì bố ông đột ngột qua đời do một tai nạn ở Lâm Đồng. Ông phải ở lại, phụ bà kế mẫu lo cho xưởng dệt và mấy đứa em. Khi đến tuổi động viên, xin vào trường Không Quân ở Nha Trang và làm phi công quan sát (L19) cho đến ngày mất nước. Thời gian biệt phái công tác ở Trà Nóc, ông quen cô con gái của một thương gia ở thành phố Cần Thơ. Sau này trở thành vợ của ông. Bây giờ ông bà có bốn người con, hai trai hai gái. Tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Những điều ông kể, nhiều lần bị gián đoạn. Không phải ông quên, hay ái ngại, mà vì phải dừng lại để lau nước mắt. Bên kia đầu dây, Hưng cũng sụt sùi.
Ông nhờ Hà về thưa lại với mẹ xin cho ông được đến thăm mẹ. Được bà đồng ý, sáng hôm sau ông lái xe lên Bình Dương. Vợ chồng Hà giúp trang điểm, thay áo quần mới cho mẹ. Vừa vui mừng, vừa xúc động khi nép vào cánh cửa nhà sau, nhìn lén cuộc trùng phùng kỳ diệu của mẹ mình với người tình xưa, Cả hai đều bạc tóc.  Ông nắm tay bà :
- Bà còn giận tôi không ?
Mẹ Hưng không trả lời mà bật khóc. Đôi mắt của bà đã bị mờ từ hơn bốn năm nay, bây giờ càng mờ hơn qua làn nước mắt. Nhưng dường như bà đã nhận ra ông, nhìn thấy ông rất rõ qua ký ức và cả tâm hồn bà. Ông ôm lưng, dìu bà ngồi vào chiếc ghế bành bên cửa sổ. Khi thấy bà ngồi bỏ hai chân trên ghế, ông đùa :
- Bà ngồi cái kiểu này, hèn gì Thái Lan đang bị một trận lụt kinh hoàng bên ấy.
Bà hiểu ý, vội bỏ thòng hai chân xuống, đưa tay lau nước mắt rồi nhoẻn miệng cười. Vợ Hà véo nhẹ tay chồng khi thấy mẹ đã trên 70 nhưng vẫn còn giữ chút thẹn thùng của thời con gái.
Ông nói tiếp :
- Chắc bà thương tôi lắm hay sao mà đặt tên cho mấy đứa con sau này cũng bằng vần H, và cháu Hà trông cũng giống tôi lắm?
Bà lảng sang chuyện khác:
- Nghe nói ông là sĩ quan Cộng Hòa, khi biết tôi theo Việt Cộng ông có thù ghét tôi không?
Ông cười thật to :
- Nhiều lần bay trên trời, tôi phát hiện mấy cô du kích tắm truồng dưới suối. Tôi sà xuống thật thấp định phóng mấy trái hỏa tiễn, nhưng bỗng nhận ra có bà dưới đó, nên tôi vội vã bay đi. Chứ hồi đó tôi bắn một phát thì làm sao bây giờ hai đứa còn gặp nhau đây.
Không biết vì giọng bông đùa rất tự nhiên hay vì chữ “hai đứa” của ông vừa nói, bà bỗng im lặng, đưa đôi mắt đục mờ nhìn xa xăm. Trong ký ức của bà, hình ảnh anh học trò Hoành 19, 20 tuổi tuấn tú ngày xưa vừa sống dậy, tạo cảm giác trẻ trung, cùng một chút lãng mạn trong lòng bà.
Dường như ông đã đoán trước và chờ đợi thời điểm kỳ diệu này, bước ra xe lấy bó hoa vào trao cho bà :
- Xin bà nhận cho tôi vui. Đây là bó hoa đáng lẽ tôi trao cho bà trong ngày đám cưới, giờ lại trở thành bó hoa xin tạ tội, dù rất muộn màng. Cái lỗi lớn nhất của tôi là đã đẩy bà đi lạc vào một con đường, để đến cuối đời bà vẫn mãi ăn năn.
Khi thấy bà ôm chặt bó hoa vào lòng, rưng rưng nước mắt, ông bỗng trầm xuống:
- Tôi xin cám ơn bà. Dù bà không nói ra, nhưng tôi biết là bà đã tha thứ cho tôi. Thằng Hưng, đứa con bất hạnh của chúng ta, dù ở thật xa, nhưng tôi đang nhìn thấy nó mỉm cười. Tôi mong chờ để đón vợ chồng nó và hai đứa cháu nội của mình. Nay mai tụi nó sẽ về đây để cùng với bà và tôi ôm nhau mừng cho cuộc trùng phùng kỳ diệu này.
Trước khi chia tay, ông xin phép bà được thắp một nén hương trên bàn thờ ông Ba, chồng của bà.

Khi tôi ngồi viết lại câu chuyện này theo lời kể của Hưng, thì Hưng cùng vợ và hai cô con gái đang có mặt tai phi trường Tampa, bắt đầu cuộc hành trình về Việt Nam để tìm lại nguồn cội và quá khứ của mình. Cầu mong cuộc trùng phùng sẽ làm lành được những vết thương trong lòng mỗi người, trải qua bao đổi thay, tan thương dâu bể.

Đồi Hacienda Heights, Mùa Thanksgiving 2011
Phạm Tín An Ninh
_______________________________________________________________________________

(*) Gs Đỗ Trung Hiếu, sau 75 làm Ủy Viên Liên Lạc Các Tôn Giáo của Trung Ương Đảng CSVN, vợ là bác sĩ Văn và cháu là Đỗ Hữu Ưng. Cả ba đều là đảng viên Cộng sản VN. Ông Hiếu gia nhập đảng CS (1956) trước khi hoạt động trong phong trào sinh viên Phật Tử Sài gòn. Sau này (1986) phản tỉnh, cùng với Nguyễn Hộ và các đảng viên kỳ cựu trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ, chống lại đảng (1992) nên đã bị tù và tước hết đảng tịch cùng các chức vụ.

(**) Nguyễn Xuân Nam, vượt biên trước Hưng một năm, lúc 19 tuổi. Ở Việt nam, Nam mồ côi mẹ, cha bị thương tật, chỉ học đến lớp ba, rồi nghỉ, theo cha làm nghề đánh cá. Vậy mà sau hơn mười năm sang Mỹ đã trở thành một bác sĩ nổi danh, được Hội Đồng Giáo dục Y Khoa trường đại học Harvard bình chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ (2010), hiện là Trưởng Khoa Nhi Đồng bệnh viện Los Angeles, California và cũng là giáo sư tại một số trường Đại Học của Hoa Kỳ.

*********************
Ghi chú của Trần Ngộ: 
     - Tham khảo về Gs Đỗ Trung Hiếu:      xem ở đây .
     - Tham khảo về Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam:      xem ở đây .

__________________________________________

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN


Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi: Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng?

15/04/2013 07:45 (GMT + 7)
TT - Trong khi dư luận đang nóng lên với việc hàng loạt nghệ sĩ có tên tuổi nhiều năm qua đóng thuế thua người làm công ăn lương thì Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7 tới tiếp tục đặt trọng tâm thu thuế thu nhập cá nhân vào đối tượng làm công ăn lương.
Theo dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, người lao động thời vụ hoặc có thu nhập ở nơi thứ hai trở lên, sinh viên làm thêm... cứ có thu nhập 1 triệu đồng trở lên vẫn bị khấu trừ 10% dù từ ngày 1-7 tới mức giảm trừ của người nộp thuế đã được nâng lên 9 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc được tăng lên mức 3,6 triệu đồng.
Tính toán đơn giản cũng thấy được rằng ứng với mức giảm trừ mới từ ngày 1-7, người lao động phải có thu nhập trên 108 triệu đồng/năm chưa kể người phụ thuộc mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1, với tỉ lệ khấu trừ 5%. Còn mức khấu trừ 10%, tương đương với người có thu nhập ở bậc 2, tức phải trên 14 triệu đồng/tháng trở lên, tương đương 168 triệu đồng/năm trở lên chưa tính giảm trừ cho người phụ thuộc.
Trong khi thực tế số người thu nhập vãng lai có thu nhập đến mức này rất ít vì đa số lao động vãng lai có thu nhập thấp và không thường xuyên. Nếu cứ chặn trừ trước 10% mỗi khoản thu nhập trên 1 triệu đồng để đảm bảo chắc ăn thu được thuế thì sẽ thiệt thòi cho người làm công ăn lương vì thu nhập ít, không đủ sống nhưng một phần thu nhập lại bị chiếm dụng suốt một năm. Cuối năm lại phải vất vả đi hoàn thuế.
Cụ thể, theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, phần lớn hồ sơ có số tiền hoàn rất ít, thậm chí có trường hợp số thuế hoàn chỉ hơn 20.000 đồng. Còn nhiều nhất là những hồ sơ có số thuế hoàn chỉ vài trăm nghìn đồng. Sự tính toán chi li của nhà làm chính sách không chỉ làm khổ người lao động nghèo mà còn tạo ra sự quá tải mỗi kỳ quyết toán. Cơ quan thuế thay vì tập trung quản lý nguồn thu lại mất nhiều tháng trời tập trung hoàn thuế cho người lao động. Năm nay, số hồ sơ xin hoàn thuế tại Cục Thuế TP.HCM tính đến đầu tháng 4 đã vượt con số 6.000 và vẫn chưa dừng lại. Trước đó, kỳ quyết toán thuế năm 2011 có đến 10.000 người xin hoàn thuế thu nhập cá nhân, gấp hơn ba lần so với năm 2010.
Cơ quan thuế than chỉ giải quyết bấy nhiêu hồ sơ đã mất vài tháng, không có lực lượng và thời gian để quản lý đối tượng thu nhập cao hơn như: ca sĩ, diễn viên, MC, bác sĩ... - những người mà số thuế thu nhập cá nhân mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng. Nếu giảm bớt số hồ sơ hoàn thuế, lực lượng cơ quan thuế sẽ tập trung thu các đối tượng trên, vừa ít tốn thời gian vừa mang lại số thu cao hơn.
Giải quyết bất cập này, theo các chuyên gia, chỉ nên áp dụng mức thu 5% thu nhập với lao động vãng lai. Nếu chẳng may những đối tượng này không quyết toán để nộp thêm thì cũng chỉ “lọt sàng xuống nia”, chẳng đáng là bao. Đằng này lúc nào cơ quan quản lý cũng lo sót thuế nên tìm mọi cách tận thu người làm công ăn lương, trong khi bỏ bẵng các đối tượng có thu nhập rất cao khác. Nếu tình trạng này kéo dài chẳng khác nào “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”, dẫn đến tâm lý ức chế nơi người tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng trước đây mức khấu trừ thuế dành cho người có thu nhập vãng lai là 1 triệu đồng, tương đương 1/4 mức khởi điểm chịu thuế, nay mức khởi điểm chịu thuế tăng lên 9 triệu thì nên nâng mức khấu trừ lên 3 triệu đồng, như vậy số người thuộc diện hoàn thuế sẽ giảm mạnh. Khi đó, không chỉ đỡ khổ cho người nộp thuế mà cơ quan thuế cũng có thời gian tập trung vào chuyên môn thay vì phải lo giải quyết chuyện hoàn thuế.
ÁNH HỒNG

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

"NÊN ĐỔI TÊN NƯỚC THÀNH CỘNG HÒA DÂN CHỦ VIỆT NAM"


Thứ hai 15/04/2013 14:15

(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ đề nghị của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về việc lấy lại tên nước như lúc mới giành được độc lập, đồng thời cho rằng theo đúng ngữ pháp tiếng Việt, phải gọi là “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”.
  • Sau 3 tháng lấy ý kiến của toàn dân, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một bản dự thảo mới, kèm theo đó là báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân, có nhiều điểm sửa đổi rất đáng ghi nhận.

Đổi tên nước là một phương án đúng
Lần này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu và đưa vào Dự thảo những nội dung quan trọng mà nhiều chuyên gia và người dân đóng góp, đó là điều đáng mừng. Điều đáng chú ý đầu tiên là kiến nghị lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nước ta đã có từ ngày giành được độc lập.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đổi tên nước là một phương án đúng.

“Tôi cho rằng đây là một phương án đúng, bởi cái tên này thể hiện đúng bản chất của chế độ chính trị nước ta: Cộng hòa Dân chủ - chế độ do dân làm chủ, mọi việc thực hiện theo bản Hiến pháp do toàn dân nhất trí thông qua và hệ thống pháp luật do những đại diện mà dân bầu ra ban hành. 

Tên nước 
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời năm 1976, trong không khí hào hùng của những ngày giang sơn thu về một mối. Khi ấy, trong tất cả các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa chỉ 5 nước có tên xã hội chủ nghĩa là Liên bang cộng hòa XHCN xô viết (Liên Xô), Cộng hòa nhân dân XHCN An-ba-ni, Cộng hòa liên bang XHCN Nam Tư, Cộng hòa XHCN Ru-ma-ni, Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc, còn các quốc gia khác từ Ba Lan, Bun-ga-ri, Đông Đức, Hung-ga-ri, đến Trung Quốc, Lào, Triều Tiên đều lấy tên là Cộng hòa nhân dânCộng hòa dân chủ hoặc Cộng hòa dân chủ nhân dân. Tên nước Cu-ba XHCN chỉ đơn giản là Cộng hòa Cu-ba.
Ngoài ra, lúc đó có hai nước không thuộc khối XHCN cũng có cụm từ xã hội chủ nghĩa trong tên nước là My-an-ma (từ 1974 đến 1988), và Ly-bi. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Sri Lan-ca có cụm từ xã hội chủ nghĩa trong tên nước, nhưng ta biết rằng quan niệm về XHCN của Sri Lan-ca không giống nước ta, ít nhất ở 2 điểm – chính thể không do Đảng Cộng sản cầm quyền và không theo chủ nghĩa Mác - Lênin”, GS Thuyết chia sẻ.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trở lại với tên gọi thiêng liêng, đánh dấu sự ra đời của nền độc lập, của chế độ dân chủ và gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Do đó, chúng ta không có gì phải e ngại khi quyết định trở lại với tên gọi này.
Với những ý kiến lo ngại rằng, đổi tên nước thì sẽ xa rời con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Đó là lo ngại không chính đáng. Từ năm 1945 đến tận năm 1976, tên nước ta không có cụm từ xã hội chủ nghĩa, nhưng đâu có phải vì vậy mà ta không xây dựng chủ nghĩa xã hội! Nếu chỉ lấy một cái tên thể hiện mơ ước mà đạt ngay được mơ ước của mình thì các nước người ta đã làm trước mình lâu rồi”.
Tuy nhiên,với tư cách một chuyên gia về ngôn ngữ, GS Thuyết cho biết tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt theo trật tự từ tiếng Hán (Trung Quốc). “Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán. Các tên gọi như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Việt Nam độc lập đồng minh hội, Việt Nam tuyền truyền giải phóng quân v.v… đều là cách diễn đạt theo tiếng Hán. Bây giờ phải gọi lại là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam mới đúng ngữ pháp tiếng Việt”, GS Thuyết phân tích. 
“Hiến pháp được toàn dân thông qua thì mới vững bền”
GS Thuyết cũng nhận định, việc tập thể Chính phủ kiến nghị quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật chứ không phải pháp luật là đúng. “Nói pháp luật thì quá rộng, vì Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của cấp Bộ, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân từ cấp tỉnh cho tới cấp xã cũng bao hàm trong nghĩa này; và nếu tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đó đều có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân thì như vậy là lạm quyền. Còn luật là do Quốc hội thông qua, chỉ cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước này mới có đủ quyền để quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Ở ta hiện nay vẫn đang tồn tại chuyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh điều chỉnh những việc liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tôi cho như vậy không phù hợp với thẩm quyền của cơ quan này, vì chỉ có Quốc hội mới được toàn dân ủy quyền”, GS Thuyết nói.
Đề cập tới ý kiến của đa số thành viên Chính phủ  cho rằng quyền lập hiến là sự thể hiện cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, bao gồm quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo hiến pháp và cuối cùng là quyền biểu quyết qua trưng cầu ý dân, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Đây là một đề xuất hợp lòng dân. Hiến pháp là một khế ước xã hội, tức là thỏa thuận của toàn dân về thể chế chính trị, bộ máy nhà nước mà họ muốn lập nên, về quyền của con người, của công dân và của các cơ quan nhà nước trong thể chế ấy.
Cho nên Hiến pháp được toàn dân thông qua thì mới vững bền. Cách thức thông qua Hiến pháp là tổ chức trưng cầu ý dân. Luật về trưng cầu ý dân chưa làm kịp thì có thể làm sau, nhưng trước mắt bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi này cần được toàn dân thông qua. Vừa rồi, Nhà nước có lấy ý kiến nhân dân về bản Dự thảo. Nhưng lấy ý kiến và trưng cầu ý dân là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trưng cầu ý dân được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín, có những câu hỏi rõ ràng để người dân thể hiện sự Đồng ý hay Không đồng ý của mình”.
Ngọc Quang

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

NƯỚC MẮT CỦA BÒ MẸ - MÁU CỦA BÒ CON và...

A. Công nghiệp bò sữa: 
Nước mắt của bò mẹ - máu của bò con – và sức khỏe của người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp sữa sử dụng những con bò như những cái máy đẻ, bởi vì cũng giống như con người, bò cái chỉ có thể sản sinh ra sữa khi chúng sinh con. Những con bò cái sau khi sinh ra đứa con mà chúng đã mang nặng đẻ đau trong 9 tháng, tiếp tục bị “cưỡng bức” để mang thai. Chúng sẽ bị cố định vào 1 cái “cột cưỡng bức” [để chúng không thể bỏ chạy hay di chuyển], và người ta dùng 1 thanh thép dài đẩy vào trong âm đạo của chúng, sau đó đưa tinh trùng của bò đực vào ( cũng có nơi đưa bò đực tới trực tiếp “cưỡng bức” ). Dù đau đớn nhưng chúng không thể phản kháng. Và thế là, vòng tròn số phận mất con nghiệt ngã, lại bắt đầu.
Bị cưỡng bức--> sinh con--> mất con--> tiếp tục bị cưỡng bức-->sinh con--> mất con cho đến khi bò mẹ kiệt sức vì : căng thẳng, đau đớn, cạn kiệt sinh lực, bệnh tật, liên tục bị bóc lột, không còn sản sinh ra sữa : chúng sẽ bị coi như phế thải, và bị tống đến lò mổ. Kết thúc 4 - 5 năm cuộc đời trong sự cưỡng bức, bóc lột,và nỗi đau liên tục bị mất con (Trong khi tuổi thọ trung bình của bò là >25 năm).

Bò sữa luôn bị ép phải "làm việc" quá mức...Chúng bị buộc phải sản sinh ra hơn 60 lit sữa mỗi ngày - nhiều hơn 6 lần so với bản năng tự nhiên. Việc bóc lột này dẫn đến hiện tượng cứ 6 con bò lấy sữa thì có 1 con bị viêm vú lâm sàng, gây ra cái chết cho 1 trong 6 con bò sữa trong các trang trại lấy sữa.

Sự đau đớn nhất của người mẹ là gì? Chẳng phải là nỗi đau bị mất con sao?
Có gì đau đớn hơn, khi đứa con mang nặng đẻ đau, vừa đỏ hỏn sinh ra, đã bị những kẻ khác nỡ tâm cướp đi, ném lên xe đẩy, và không bao giờ còn có thể nhìn thấy đứa con ấy? Những đứa con đó cũng chẳng bao giờ có cơ hội được mẹ nó ôm ấp, yêu thương hay được bú dòng sữa dành cho nó.
Sẽ đau đớn như thế nào, nếu những người mẹ đó biết rằng, những đứa con đó rồi đây, sẽ bị giết chết để phục vụ cho ngành công nghiệp thịt bê? Hoặc cũng có thể, chết vì kiệt sức, vì bị bỏ mặc? Hay tệ hơn, tiếp tục vòng đời đau đớn của mẹ nó?

Khi những con bê con sinh ra, chúng sẽ bị tách khỏi bò mẹ sau 2 ngày (nếu “nhân đạo”) , còn không, chúng sẽ bị kéo khỏi người bò mẹ ngay lập tức, thậm chí có những con bê con khi bị tách ra khỏi bò mẹ, người chúng vẫn còn nhùng nhằng sợi nhau thai. 

Tại sao bò con lại bị tách khỏi mẹ ngay khi sinh ra ? Bò mẹ sản sinh ra sữa là để cho con nó bú, thế nên, để có sữa phục vụ con người, họ đương nhiên phải cướp của bò con. 

Số phận của bò con thì sao? 

Hoặc bị dùng búa đập đầu cho chết ngay tại chỗ.
Hoặc dùng súng bắn ngay đầu.
Hoặc Bán cho công nghiệp thịt bê với giá bèo.


Khoảng 1 nửa số bò con sinh ra là bò đực ( được coi là phế phẩm vì bò đực không sản sinh ra sữa), chúng sẽ bị đem đi giết ( phục vụ công nghiệp thịt bê) hoặc đem đến khu nuôi nhốt công nghiệp vỗ béo – nơi chúng bị nhốt riêng trong những chuồng lồng chật chội đến mức không thể xoay mình (phục vụ công nghiệp bò thịt) 
Còn những con bê cái ? chúng sẽ được đưa đến khu nuôi nhốt công nghiệp và tiếp tục vòng đời khốn khổ của mẹ nó.

Bạn chắc hẳn đã từng nghe về việc những con bò khóc khi bị tách con, khóc khi bị bán đi, hay khóc lóc cầu xin khi sắp bị giết mổ. Bò là 1 loài vật hiền hậu và vô cùng tình cảm, đặc biệt, giữa bò mẹ và bò con có 1 mối liên kết vô cùng sâu đậm. Mỗi con bò có 1 phản ứng khác nhau khi bị cướp con, nhưng chung quy, vẫn là thống khổ và bi thương.

“Một số bò mẹ cố gắng chống cự lại những kẻ tấn công. Một số khác thì dùng chính cơ thể của mình để bảo vệ con nó. Một số điên cuồng chạy theo chiếc xe tải ăn cắp con của nó. Một số kêu khóc thảm thiết trong khi một số khác lại rúc mình vào xó chìm trong tuyệt vọng. Một số quay trở lại nơi gian chuồng trống rỗng [nơi người ta đem con chúng đi] với niềm tin rằng họ sẽ đem con chúng trở lại. Tất cả chúng đều van xin cầu khẩn con người trả lại con cho chúng với 1 thứ ngôn ngữ vô cùng rõ ràng: chúng rống lên, chúng khóc lóc, và chúng rên rỉ…Nhiều bò mẹ vẫn không ngừng gọi con hết ngày này qua ngày khác. Những con khác không ăn uống. Và một số khác nữa thì chìm trong tuyệt vọng. Chúng cuống cuồng tìm kiếm. Và có những con không chịu bỏ cuộc, chúng cứ thế, trở lại nơi gian chuồng trống rỗng ấy để tìm con, hết lần này đến lần khác.” 
(www.peacefulprairie.org/outreach/grievingMother.html / Peaceful Prairie Sanctuary)

Vì vậy, khi bạn tiêu thụ sữa bò/các sản phẩm từ sữa, chính là, bạn đã gián tiếp ủng hộ và phát triển những hiện thực tàn nhẫn kia. Là bạn đã gián tiếp gây ra cái chết cho cả bò con và bò mẹ, là nguyên nhân của những giọt nước mắt của bò mẹ, máu của bò con!


B. Bỏ qua tất thảy những điều đau đớn và hiện thực tàn nhẫn đó, bạn có thể không quan tâm, nhưng chí ít, bạn cũng sẽ quan tâm đến sức khỏe của mình và người thân chứ?
- Uống sữa là tốt cho sức khỏe và phát triển xương, vậy bạn biết, trong sữa bò có những thành phần gì, và quá trình sản xuất thế nào không?

1. Bạn có ngây thơ đến mức cho rằng những con bò sữa sống trong môi trường bẩn thỉu, bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn, luôn trong trạng thái bị stress vì bị bạo hành và cướp con, đầu vú bị sưng tấy và nhiểm khuẩn…sẽ sản sinh ra 1 loại sữa thơm ngon và bổ dưỡng sao?

2. Sữa bò có nhiều canxi nhưng cũng chứa PCBs và các chất ô nhiễm công nghiệp khác, steroid hormone (sữa không béo thậm chí có chứa hàm lượng cao hơn), thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, chất béo bão hòa, và chứa 1 lượng chất chống oxy hóa ngang với Coca Cola. Sữa ngăn cản việc hấp thụ các chất dinh dưỡng và không giúp cải thiện mật độ xương như người ta vẫn nghĩ. Tiêu thụ sữa có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá, tăng kích thước vòng eo, dậy thì sớm, gia tăng niêm dịch, các vết loét bị thúi mục, gia tăng việc sinh đôi, , các vấn đề đe dọa tính mạng, tự kỷ, và SIDS ( Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh ), bệnh Parkinson, và thúc đẩy các tế bào ung thư và tăng tỷ lệ tử vong. Những nghiên cứu về lợi ích cho sức khỏe của sữa được tài trợ bởi ngành công nghiệp Sữa, đương nhiên, mang tính thiên vị (cố tình che lấp những sự thật khác). [http://nutritionfacts.org/topics/milk/]

3. Trong bản nghiên cứu với 48.844 phụ nữ , tổ chức Phụ nữ và Ung thư của Nauy đã chỉ ra rằng: trẻ nhỏ và người lớn tiêu thụ sữa/ các sản phẩm từ sữa có nguy cơ ung thư vú tiền mãn kinh. (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11519053

4. “Loại protein nào nhất quán và đẩy mạnh ung thư? Casein, chiếm 87% trong protein sữa bò, thúc đẩy tất cả các giai đoạn của quá trình ung thư. Vậy loại protein không thúc đẩy ung thư, ngay cả ở khi cơ thể nạp vào một mức độ lớn ? Chính là các protein an toàn từ thực vật, bao gồm cả lúa mì và đậu nành…" Bác sĩ Dr. T. Colin Campbell, tác giả của The China Study.
Những phụ nữ uống sữa nhiều có nguy cơ ung thư vú cao gấp 3 lần những người không tiêu thụ sản phẩm sữa.

5. “Thực chất, lượng canxi trong sữa bò là loại canxi chúng ta không dung hợp được. Chúng đi vào cơ thể và thay vì cũng cố cấu trúc xương như người ta vẫn nghĩ, chúng đẩy canxi từ trong xương của chúng ta ra ngoài, qua đường tiêu hóa...” – Got the fact on milk “ http://www.milkdocumentary.com/

C. Các bộ phim và nguồn tham khảo.

1. Gary Yourofsky - Best speech you will ever hear
http://www.youtube.com/watch?v=es6U00LMmC4

2. Earthlings:
http://www.youtube.com/watch?v=ce4DJh-L7Ys

3. The Psychology of Eating Meat: www.youtube.com/watch?v=7vWbV9FPo_Q
4. 101 Reasons to Go Vegan:
www.youtube.com/watch?v=e-F8whzJfJY

5. Một note đáng đọc, có nhiều thông tin 
http://www.facebook.com/notes/the-bloody-dairy-industry/your-guide-to-veganism/329291717177373

6. Vegan For the People. For the Planet. For the Animals (available in many languages):www.veganvideo.org

7) Why We Love Dogs, Eat Pigs and Wear Cows: An Introduction to Carnism
Trailer of the book: www.youtube.com/watch?v=v3CsceN26_E
Book: www.amazon.com/Love-Dogs-Pigs-Wear-Cows/dp/1573245054 

8) Peaceable Kingdom: Journey Home: www.peaceablekingdomfilm.org


D. Một số trang cần quan tâm: - The Bloody Dairy Industry

                                                - Renaming the "Dairy" Industry the "Rape" Industry
                                                - The True Face of Dairy

Dưới đây là bức ảnh 1 bé bò con bị tách khỏi mẹ ngay khi vừa chào đời...
sau đó bị nhốt giam trong cũi lồng 
riêng biệt, chật hẹp,  nhằm phục vụ công nghiệp thịt bò non (nếu là bò đực) hoặc tiêp tục vòng đời bò cái (bị cưỡng bức, bị bạo hành, bị cướp con...) tiếp tục lặp lại số phận nghiệt ngã của mẹ chúng...

Đây là những gì xảy ra sau khi bò con được sinh ra : http://www.youtube.com/watch?annotation_id=annotation_126527&feature=iv&src_vid=qZhZEFYM3-w&v=SYJPbrxdn8w
Photo: A. Công nghiệp bò sữa: Nước mắt của bò mẹ - máu của bò con – và sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngành công nghiệp sữa sử dụng những con bò như những cái máy đẻ, bởi vì cũng giống như con người, bò cái chỉ có thể sản sinh ra sữa khi chúng sinh con. Những con bò cái sau khi sinh ra đứa con mà chúng đã mang nặng đẻ đau trong 9 tháng, tiếp tục bị “cưỡng bức” để mang thai. Chúng sẽ bị cố định vào 1 cái “cột cưỡng bức” [để chúng không thể bỏ chạy hay di chuyển], và người ta dùng 1 thanh thép dài đẩy vào trong âm đạo của chúng, sau đó đưa tinh trùng của bò đực vào ( cũng có nơi đưa bò đực tới trực tiếp “cưỡng bức” ). Dù đau đớn nhưng chúng không thể phản kháng. Và thế là, vòng tròn số phận mất con nghiệt ngã, lại bắt đầu.
Bị cưỡng bức--> sinh con--> mất con--> tiếp tục bị cưỡng bức-->sinh con--> mất con cho đến khi bò mẹ kiệt sức vì : căng thẳng, đau đớn, cạn kiệt sinh lực, bệnh tật, liên tục bị bóc lột, không còn sản sinh ra sữa : chúng sẽ bị coi như phế thải, và bị tống đến lò mổ. Kết thúc 4 - 5 năm cuộc đời trong sự cưỡng bức, bóc lột,và nỗi đau liên tục bị mất con. (trong khi tuổi thọ trung bình của bò là >25 năm).

Bò sữa luôn bị ép phải "làm việc" quá mức...Chúng bị buộc phải sản sinh ra hơn 60 lit sữa mỗi ngày - nhiều hơn 6 lần so với bản năng tự nhiên. Việc bóc lột này dẫn đến hiện tượng cứ 6 con bò lấy sữa thì có 1 con bị viêm vú lâm sàng, gây ra cái chết cho 1 trong 6 con bò sữa trong các trang trại lấy sữa.

Sự đau đớn nhất của người mẹ là gì? Chẳng phải là nỗi đau bị mất con sao?
Có gì đau đớn hơn, khi đứa con mang nặng đẻ đau, vừa đỏ hỏn sinh ra, đã bị những kẻ khác nỡ tâm cướp đi, ném lên xe đẩy, và không bao giờ còn có thể nhìn thấy đứa con ấy? Những đứa con đó cũng chẳng bao giờ có cơ hội được mẹ nó ôm ấp, yêu thương hay được bú dòng sữa dành cho nó.
Sẽ đau đớn như thế nào, nếu những người mẹ đó biết rằng, những đứa con đó rồi đây, sẽ bị giết chết để phục vụ cho ngành công nghiệp thịt bê? Hoặc cũng có thể, chết vì kiệt sức, vì bị bỏ mặc? Hay tệ hơn, tiếp tục vòng đời đau đớn của mẹ nó?

Khi những con bê con sinh ra, chúng sẽ bị tách khỏi bò mẹ sau 2 ngày (nếu “nhân đạo”) , còn không, chúng sẽ bị kéo khỏi người bò mẹ ngay lập tức, thậm chí có những con bê con khi bị tách ra khỏi bò mẹ, người chúng vẫn còn nhùng nhằng sợi nhau thai. 

Tại sao bò con lại bị tách khỏi mẹ ngay khi sinh ra ? Bò mẹ sản sinh ra sữa là để cho con nó bú, thế nên, để có sữa phục vụ con người, họ đương nhiên phải cướp của bò con. 

Số phận của bò con thì sao? 
Hoặc bị dùng búa đập đầu cho chết ngay tại chỗ.
Hoặc dùng súng bắn ngay đầu.
Hoặc Bán cho công nghiệp thịt bê với giá bèo.

Khoảng 1 nửa số bò con sinh ra là bò đực ( được coi là phế phẩm vì bò đực không sản sinh ra sữa), chúng sẽ bị đem đi giết ( phục vụ công nghiệp thịt bê) hoặc đem đến khu nuôi nhốt công nghiệp vỗ béo – nơi chúng bị nhốt riêng trong những chuồng lồng chật chội đến mức không thể xoay mình (phục vụ công nghiệp bò thịt) 
Còn những con bê cái ? chúng sẽ được đưa đến khu nuôi nhốt công nghiệp và tiếp tục vòng đời khốn khổ của mẹ nó.

Bạn chắc hẳn đã từng nghe về việc những con bò khóc khi bị tách con, khóc khi bị bán đi, hay khóc lóc cầu xin khi sắp bị giết mổ. Bò là 1 loài vật hiền hậu và vô cùng tình cảm, đặc biệt, giữa bò mẹ và bò con có 1 mối liên kết vô cùng sâu đậm. Mỗi con bò có 1 phản ứng khác nhau khi bị cướp con, nhưng chung quy, vẫn là thống khổ và bi thương.

“Một số bò mẹ cố gắng chống cự lại những kẻ tấn công. Một số khác thì dùng chính cơ thể của mình để bảo vệ con nó. Một số điên cuồng chạy theo chiếc xe tải ăn cắp con của nó. Một số kêu khóc thảm thiết trong khi một số khác lại rúc mình vào xó chìm trong tuyệt vọng. Một số quay trở lại nơi gian chuồng trống rỗng [nơi người ta đem con chúng đi] với niềm tin rằng họ sẽ đem con chúng trở lại. Tất cả chúng đều van xin cầu khẩn con người trả lại con cho chúng với 1 thứ ngôn ngữ vô cùng rõ ràng: chúng rống lên, chúng khóc lóc, và chúng rên rỉ…Nhiều bò mẹ vẫn không ngừng gọi con hết ngày này qua ngày khác. Những con khác không ăn uống. Và một số khác nữa thì chìm trong tuyệt vọng. Chúng cuống cuồng tìm kiếm. Và có những con không chịu
 bỏ cuộc, chúng cứ thế, trở lại nơi gian chuồng trống rỗng ấy để tìm con, hết lần này đến lần khác.” 
(www.peacefulprairie.org/outreach/grievingMother.html / Peaceful Prairie Sanctuary)

Vì vậy, khi bạn tiêu thụ sữa bò/các sản phẩm từ sữa, chính là, bạn đã gián tiếp ủng hộ và phát triển những hiện thực tàn nhẫn kia. Là bạn đã gián tiếp gây ra cái chết cho cả bò con và bò mẹ, là nguyên nhân của những giọt nước mắt của bò mẹ, máu của bò con!

B. Bỏ qua tất thảy những điều đau đớn và hiện thực tàn nhẫn đó, bạn có thể không quan tâm, nhưng chí ít, bạn cũng sẽ quan tâm đến sức khỏe của mình và người thân chứ?
- Uống sữa là tốt cho sức khỏe và phát triển xương, vậy bạn biết, trong sữa bò có những thành phần gì, và quá trình sản xuất thế nào không?
1. Bạn có ngây thơ đến mức cho rằng những con bò sữa sống trong môi trường bẩn thỉu, bị bóc lột sức lao động tàn nhẫn, luôn trong trạng thái bị stress vì bị bạo hành và cướp con, đầu vú bị sưng tấy và nhiểm khuẩn…sẽ sản sinh ra 1 loại sữa thơm ngon và bổ dưỡng sao?

2. Sữa bò có nhiều canxi nhưng cũng chứa PCBs và các chất ô nhiễm công nghiệp khác, steroid hormone (sữa không béo thậm chí có chứa hàm lượng cao hơn), thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, chất béo bão hòa, và chứa 1 lượng chất chống oxy hóa ngang với Coca Cola. Sữa ngăn cản việc hấp thụ các chất dinh dưỡng và không giúp cải thiện mật độ xương như người ta vẫn nghĩ. Tiêu thụ sữa có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá, tăng kích thước vòng eo, dậy thì sớm, gia tăng niêm dịch, các vết loét bị thúi mục, gia tăng việc sinh đôi, , các vấn đề đe dọa tính mạng, tự kỷ, và SIDS ( Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh ), bệnh Parkinson, và thúc đẩy các tế bào ung thư và tăng tỷ lệ tử vong. Những nghiên cứu về lợi ích cho sức khỏe của sữa được tài trợ bởi
 ngành công nghiệp Sữa, đương nhiên, mang tính thiên vị. (cố tình che lấp những sự thật khác ) [http://nutritionfacts.org/topics/milk/]

3. Trong bản nghiên cứu với 48.844 phụ nữ , tổ chức Phụ nữ và Ung thư của Nauy đã chỉ ra rằng: trẻ nhỏ và người lớn tiêu thụ sữa/ các sản phẩm từ sữa có nguy cơ ung thư vú tiền mãn kinh. (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11519053) 

4. “Loại protein nào nhất quán và đẩy mạnh ung thư? Casein, chiếm 87% trong protein sữa bò, thúc đẩy tất cả các giai đoạn của quá trình ung thư. Vậy loại protein không thúc đẩy ung thư, ngay cả ở khi cơ thể nạp vào một mức độ lớn ? Chính là các protein an toàn từ thực vật, bao gồm cả lúa mì và đậu nành…" Bác sĩ Dr. T. Colin Campbell, tác giả của The China Study.
Những phụ nữ uống sữa nhiều có nguy cơ ung thư vú cao gấp 3 lần những người không tiêu thụ sản phẩm sữa.

5. “Thực chất, lượng canxi trong sữa bò là loại canxi chúng ta không dung hợp được. Chúng đi vào cơ thể và thay vì cũng cố cấu trúc xương như người ta vẫn nghĩ, chúng đẩy canxi từ trong xương của chúng ta ra ngoài, qua đường tiêu hóa...” – Got the fact on milk “ http://www.milkdocumentary.com/

C. Các bộ phim và nguồn tham khảo.
1. Gary Yourofsky - Best speech you will ever hear
http://www.youtube.com/watch?v=es6U00LMmC4
2. Earthlings:
http://www.youtube.com/watch?v=ce4DJh-L7Ys
3. The Psychology of Eating Meat: www.youtube.com/watch?v=7vWbV9FPo_Q
4. 101 Reasons to Go Vegan:
www.youtube.com/watch?v=e-F8whzJfJY
5. Một note đáng đọc, có nhiều thông tin 
http://www.facebook.com/notes/the-bloody-dairy-industry/your-guide-to-veganism/329291717177373

6) Vegan For the People. For the Planet. For the Animals (available in many languages):www.veganvideo.org

7) Why We Love Dogs, Eat Pigs and Wear Cows: An Introduction to Carnism
Trailer of the book: www.youtube.com/watch?v=v3CsceN26_E
Book: www.amazon.com/Love-Dogs-Pigs-Wear-Cows/dp/1573245054 

8) Peaceable Kingdom: Journey Home: www.peaceablekingdomfilm.org


C. Một số page cần quan tâm:
The Bloody Dairy Industry
Renaming the "Dairy" Industry the "Rape" Industry
The True Face of Dairy

Dưới đây là bức ảnh 1 bé bò con bị tách khỏi mẹ ngay khi vừa chào đời...
sau đó bị nhốt giam trong cũi lồng chật hẹp, riêng biệt , nhằm phục vụ công nghiệp thịt bò non ( nếu là bò đực) hoặc tiêp tục vòng đời bò nái ( bị cưỡng bức, bị bạo hành, bị cướp con...) tiếp tục lặp lại số phận nghiệt ngã của mẹ chúng...

Đây là những gì xảy ra khi bò con được sinh ra : http://www.youtube.com/watch?annotation_id=annotation_126527&feature=iv&src_vid=qZhZEFYM3-w&v=SYJPbrxdn8w

Xem xong bài này và tham khảo những video đính kèm bỗng nhiên tôi thấy ngán sữa và thịt động vật quá. Quá tội nghiệp!
_______________________________________________________________________________