Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

LAN MAN... HỘI AN VỚI BÁNH MÌ NGON NHỨT VIỆT NAM

Trưa thứ Sáu 26 tháng 4/2013, đứa con trai đang làm cho một công ty ở Đà Nẵng báo chiều nay nó đi làm ở Hội An, tại một resort gần Cửa Đại, có thể về trể nên ở nhà cứ ăn cơm trước. Khi biết nó sẽ đi một mình bằng xe máy thì mình nãy ra ý nghĩ nhân dịp này cùng đi với nó, trước là thăm vài người bạn cũ ở đây, sau là dạo quanh phố phường xem chơi vì rất lâu rồi chưa vào lại phố cổ. Những lần có dịp tới Hội An gần đây chỉ vì có việc cần như dự đám cưới, thăm bạn ốm đau, công chuyện... đi chung xe với nhiều người khác, xong việc thì "cưởi ngựa xem hoa" vài ba chổ rồi về, chưa có lần nào tự do thăm thú tùy thích... Vậy nên "phải nắm lấy cơ hội" này!
Con trai trước cổng vào nơi làm việc
Đưa con vào chổ làm xong, mình quay xe ra đường Cửa Đại rồi theo đường Trần Hưng Đạo vào trung tâm thành phố, tà tà ngắm cảnh... Đường phố Hội An ở ngoài khu phố cổ thay đổi khá nhiều, đặc biệt là các khách sạn mọc lên san sát; rất nhiều khách du lịch ăn mặc giản dị như nhau nên khó biết họ đến từ nước nào, đi bộ hoặc đi xe đạp, đa phần là Tây, nói đủ thứ tiếng, ríu rít như chim hót, nghe mấy người Pháp chỉ hiểu lõm bỏm câu chuyện họ đang nói. Nhiều "em" Tây trẻ măng, mặt khá xinh, dáng đẹp, quần short, áo pull hở nửa ngực khiến không chỉ có mình thích... ngắm! Có "em" ngồi café, hút thuốc lá, rít vô một hơi rồi chu cặp môi lại, đẩy khói ra chầm chậm... từ từ... ngó... dễ ghét quá chừng! Người Tàu cũng khá nhiều, nghe tiếng thì nhận ra chứ chẳng biết là dân Đài Loan hay thuộc đại lục. Dễ nhận ra người Nhật qua cách họ cúi chào nhau khi gặp đồng hương. Dân địa phương và cả du khách đi bộ, xe đạp, xe máy hay xe hơi đều từ tốn, kể cả người đi xe đạp là Tây con và học sinh địa phương, rất tôn trọng đèn xanh đèn đỏ mà theo mình là khá nhiều ở cái thành phố "tí hon" này, trong khi lưu lượng xe cộ qua lại không nhiều lắm. Dạo một vòng quanh thành phố xem cảnh, ngắm người đẹp tây, ta chỉ mất hơn vài mươi lăm phút, chợt nhớ lại bài báo khen bánh mì Phượng ngon nhứt Việt Nam mà mình đã đăng lại ở blog này (bấm vào đây để xem) nên vòng xuống chợ Hội An cũ, quẹo qua đường Hoàng Diệu, ở ngòai khu phố cổ, tìm đến tiệm bánh mì đã nổi tiếng thế giới (!), theo bài báo. Tiệm nằm sát một cổng phụ của chợ cũ, cách chiếc cầu (cũng trên đường này) qua Cẩm Nam, vùng đất có món bắp (ngô) nướng, luộc nỗi tiếng, chừng trên trăm mét. 

Tới khu vực chợ cũ, thoạt nhìn con đường (ảnh dưới), tưởng như đang ở 

Nhìn về phía cầu qua Cẩm Nam, từ tiệm bánh mì Phượng

Chợ Lớn thời cách đây hơn 40 năm trước, khi nhìn thấy các cửa hiệu san sát nhau, nhà nào cũng là cửa hiệu buôn bán đủ mọi thứ, giống Chợ Lớn ở chổ nhiều biển hiệu ghi bằng chữ Hán, hàng hóa bày ra hẳn phía ngoài, rồi cả dãy dài xe máy để trước nhà, các xe bán nước giải khát trên vỉa hè... Con đường này cũng có nhiều khách Tây qua lại, dạo phố hay vào chợ mua hàng hoặc ghé vào ăn ở tiệm bánh mì Phượng. Khi mình đến, thấy bốn ông bà khách Tây vừa ăn bánh mì tại chổ xong, đang xòe từng tờ tiền Việt được thối lại ra đếm. Nghe những người bán hàng ở tiệm nói với mấy ông Tây, mình mĩm cười nhớ lại cái thời lính Mỹ mới đến Đà Nẵng... Cũng từng nghe những người bán hàng rong, hàng lưu niệm, giải khát hay các chú bé đánh giày (và cả bọn nhóc tụi mình nữa, khi muốn xin đồ hộp quân đội - ration C) nói chuyện với lính Mỹ bằng thứ tiếng Anh bồi với giọng Quảng đặc sệt... 

Ration C - đồ hộp Quân đội Mỹ.
(Ảnh lấy trên mạng)


Nhưng bọn Mỹ hồi đó hiểu hết, y như bây chừ với dân Tây khắp bốn phương, cả Nhật, Tàu, Hàn, Thái, Úc Âu châu gì gì nghe cũng hiểu hết... mới lạ chứ! Bất chợt được nghe lại kiểu nói này, chợt nhận ra rằng đã quá lâu mình chẳng đi chơi đâu xa, hay đến một nơi có khách Tây để được nghe những người bình dân buôn bán lặt vặt nói chuyện với họ, dù ngay thành phố mình ở du khách Tây đến cũng nhiều. Nhận ra điều đó, bỗng nhớ vẫn vơ cái thời hoa niên với cuộc sống giản dị, bình lặng mà quá đổi dễ thương, đã xa lâu lắm rồi...

Dĩ nhiên mình cũng kêu "cho một ổ", như anh chàng, có lẽ là dân địa phương, đứng bên cạnh, nhưng phân vân không rõ họ sẽ làm cho mình ổ bánh mì với những thứ chi đây và giá cả thế nào, vì ở Đà Nẵng họ luôn hỏi là mình ăn những thức gì, bao nhiêu tiền. Cô bán hàng nói với mình, kiểu như quen biết lâu ngày rồi: "Chú hên đó, còn một ổ thôi!" 

Mình ngạc nhiên: "Nghe nói tiệm ni bán cả ngày mà, răng còn có một ổ?" 

Cô ta cười: "À, chú không phải dân Hội An rồi! Bánh mì con lấy từng đợt, cho nóng giòn, hết thì kêu lò đem tới. Chú có ăn ớt không?" 

Thì ra là vậy, bèn nhớ lại lời cô này nói với anh chàng Tây đến ngay sau mình một chút, mà tiếng mình nghe rõ nguyên văn là "lác tơ", hẳn là cô ta muốn nói... "đợi đợt sau" với anh Tây kia? Đang nghĩ là mình hên thiệt, vì thấy đói bụng rồi, còn anh chàng Tây chắc phải đợi lâu, nhưng lập tức đã thấy có người chạy xe máy chở một giỏ to đầy bánh mì đến đưa vô tiệm rồi. Công nhận "dây chuyền sản xuất" ở tiệm này phối hợp nhịp nhàng thiệt. Lại nhận ra, "lác tơ", theo kiểu phát âm của cô bán hàng, là một khái niệm thời gian khá là mù mờ, nhưng ở cái "tiệm" bánh mì nhỏ bé này đã hơn đứt cái rõ ràng "Vui lòng chờ 5 phút" mà mình chứng kiến khá nhiều lần, tại nơi được mệnh danh là "thành phố đáng sống" (cũng... nhứt VN luôn đó nghe!)

Trong lúc chờ lấy bánh, mình đảo mắt một vòng quan sát tiệm bánh mì này... Kêu là "tiệm", mà là tiệm nổi tiếng quốc tế nữa chớ, nhưng thấy thiệt là đơn sơ (ảnh dưới), thậm chí có thể nói là luộm thuộm cũng đúng: chỉ lợp tole trên cái sườn gỗ không sơn, không có vách mà cũng chẳng có flafont nên thấy rõ nhiều thứ đồ đạc được để hoặc treo, móc vào các đà gỗ, dây điện chạy ngoằn ngoèo như mạng nhện, phía trước có tấm bạt cuốn (thường gọi là mái hiên di động), xung quanh được treo thêm vài tấm bạt rất là tạm bợ (che nắng và ngăn mưa tạt?). Vậy mà nỗi tiếng cả thế giới, sau bài báo của ông chuyên gia về ăn uống ở tận trời Tây! Chuyện này làm mình "tự hào + tự trào" thêm lần nữa là người vẫn... tôn thờ "trường phái" "hình thức không quyết định nội dung"!!!


Tấm biển hiệu, như đặc trưng của hầu hết biển hiệu ở Hội An, được làm bằng gỗ, sơn màu nâu đậm; tên tiệm và tên các loại hàng được chạm khắc nổi (hay dán?) phủ nhụ vàng óng ánh. Những tiệm cao lầu, hiệu vải, hiệu buôn, hiệu may, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, café... đã có tiếng hay đang... chờ lên tiếng, trong  khu phố cổ, dù mặt tiền rộng hẹp khác nhau thế nào cũng chỉ treo một tấm biển hiệu với hình thức chung là gỗ màu nâu sẫm, chữ nhụ vàng và cũng đều nhỏ nhắn, vừa phải như nhau; có khác là ở phần kiểu chữ thôi. Không thấy tấm biển hiệu nào chiếm nguyên chiều ngang của những căn nhà, cũng là đặc trưng của Hội An, nhỏ hẹp, thấp bé gần như nhau. Mà bên ngoài khu phố cổ cũng rứa hết, như tiệm bánh mì Phượng này chẳng hạn. Chuyện này chắc theo truyền thống của  những người Minh Hương đầu tiên đến đây làm ăn, buôn bán để lại chăng?

Lan (trái) là em gái, làm ở tiệm của Cô giáo Phượng.
Hai bài báo dán ở bên phải, phía dưới tủ bánh
Ổ bánh được đưa cho mình chỉ sau chừng vài phút, hỏi giá tiền, nghe là "Dạ, tám ngàn" bèn hỏi lại "Sao chú đọc báo thấy nói là từ mười lăm tới hai chục ngàn lận mà?" thì cô nhân viên hỏi lại "Chú người ở mô?... Tám ngàn là giá bình dân cho đa số người dân ở đây, còn ai muốn thêm món chi thì tính thêm tiền món đó". Mình cười cầu tài, nói "Chú ở Đà Nẵng dzô, có nhiều điều muốn hỏi thêm, chú ngồi đây ăn nói chuyện được chớ?" "Dạ chú cứ tự nhiên... có bình trà nóng đó... con chừ cũng mới được ăn trưa đây". Cầm ổ bánh mì thấy chẳng khác gì so với các nơi, cũng rau, dưa, vài lát chả, thịt nguội thêm vài muỗng chan một thứ nước sền sệt màu nâu đùng đục... Khi mình ngồi vào bàn, thấy anh chàng Tây hồi nãy đang lúi húi nhét hai ổ bánh mì vô chiếc ba lô treo trước xe đạp, có lẽ chuẩn bị cho một chuyến dạo chơi mô đó. Cô hàng bánh bưng một dĩa bánh mì với món trứng chiên ra ngồi cùng chiếc bàn duy nhất mà mình thấy tại đó, được làm bằng inox trắng bóng chứ không phải cái bàn nhựa thấp như ảnh trong bài báo đã đăng trên tờ Doanh nhân Sàigòn cuối tuần. Vừa ăn vừa chuyện trò qua lại, câu chuyện ngắt quảng vì cô vẫn điều hành mọi việc trong tiệm... Hỏi cô là chủ quán Phượng đây hả? Cô cười: "Dạ không phải, con là Lan, em của chị Phượng. Chỉ đang dạy học ở trường tiểu học gần đây... Chú ở Đà Nẵng mà cũng biết tiệm của con..." "Thì đọc trên mạng... thấy thiên hạ bốn phương khen... bánh mì ngon nhứt VN mà... Tò mò muốn ăn cho biết... Được chuyên gia ăn uống Mỹ khen đâu có dễ, hả..." Lan chỉ vào tủ bày hàng: "Dạ đó, hai bài báo của ông người Mỹ viết...


Bàn inox sạch sẽ, có trà nóng
có nhiều khách Tây viết nửa, khen tiệm bánh mì tụi con đó... Dạ, cũng lâu rồi... Chị Phượng photo hai bài báo dán ở tủ cho vui thôi... Hồi chưa có bài báo đó tiệm con cũng bán được lắm... Phần lớn người Hội An đều biết tiệm bánh mì Phượng ni... Chú ăn thấy có ngon không?" "Nói thiệt tình là có cái vị chi đó rất khác với những loại bánh mì ở nhiều nơi mà chú đã ăn..." "Dạ đó là món xá xíu chế biến từ thịt băm nhỏ..." Mình chen ngang, ra vẻ hiểu biết "Như là patê rứa chớ chi?" Lan vẫn nhỏ nhẹ: "Dạ, patê làm từ gan mà... còn món xá xíu là thịt nạc băm, làm theo công thức riêng của tiệm con..." 

Định hỏi thêm một số ý từ bài báo thì có khách tới, tây ta có cả, nên Lan xin phép vô tiệm bán hàng, bưng luôn dĩa bánh đang ăn dỡ. Mình ngồi ăn tiếp, thưởng thức ổ bánh cuối của đợt hàng mà vẫn giòn dù không còn nóng, cùng các vị có trong ổ bánh... Đúng là có vị chi đó khác lạ trong ổ bánh mì, làm nhớ lại lời khen của ông người Mỹ gốc Pháp sành ăn, khiến tiệm bánh mì "luộm thuộm" (theo mắt mình) ở một góc chợ Hội An nhỏ bé bỗng dưng nỗi tiếng khắp năm châu. 

Mình vẫn tin rằng làm ăn buôn bán gì cũng nhờ đến thời vận may mắn thì mới phát đạt, đại khái là "bôn ba chẳng qua thời vận", tuy nhiên phải nói ngay rằng muốn có cái may mắn ấy thì bản thân mình phải có cái khác biệt nào đó để người ta biết tới hoặc nhận ra. Cũng như đá banh rứa thôi, anh chơi có bài bản, có nét riêng, tấn công nhiều mà sút toàn trúng hay sượt "phô tô" chỉ vài ba phân... thì người ta cho là anh thiếu may mắn, chớ họ không chê đồ đá dỡ ẹc! "May mắn" của tiệm bánh mì Phượng, theo mình, là nó có chổ trong lòng thành phố cổ Hội An, một "di sản văn hóa thế giới" được nhiều du khách nước ngoài tìm đến, trong đó có ông Anthony Bourdain. Rồi "may mắn" nữa là, ấy là theo mình tưởng tượng đó nghe, một buổi đẹp trời, ổng đi dạo ngang qua tiệm bánh này trong lúc bụng đang đói, bèn ghé vào kêu "cho một ổ" đặng lót dạ, rồi với vị thế của một người sành ăn nỗi tiếng, ổng nhận ra điều khác biệt trong ổ bánh rất bình thường này để rồi có bài báo sẽ được rất nhiều người tin. Tiệm này có thâm niên hơn 20 năm rồi, rất nhiều người, tây lẫn ta, đã từng ăn bánh mì ở đây, chắc cũng có kha khá người nhận ra cái vị lạ đó để khen chứ, nhưng lời của họ có bao nhiêu người biết và tin rằng là đúng như rứa? Phải chăng vì họ không "may mắn" được là người nổi tiếng như ông A. Bourdain? Trộm nghĩ, tiệm bánh mì Phượng Hội An thật may mắn có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để làm nên thương hiệu có giá trị không chỉ ở Việt Nam. Vốn là người không sành ăn, lại chưa từng ăn bánh mì ở nhiều vùng miền khác nhau nên càng không có điều kiện để so sánh, tuy nhiên mình nghĩ nếu khẳng định bánh mì Phượng này là ngon nhứt VN thì có lẽ hơi thái quá. Nó nỗi bật hơn nơi khác nhờ thứ xá xíu có bí quyết riêng như lời cô Lan nói, hay nước sốt theo bài báo. Có người, như anh bạn của mình là Huỳnh Bốn, dân Hội An, tài công tàu chở khách và hàng hóa mỗi ngày ra vào Cù lao Chàm - Hội An, thường ăn bánh mì Phượng, cho biết khi mình hỏi có ngon thiệt không (ngay sau khi mình đọc được bài báo): "Cũng bình thường thôi mà!". Phải chăng, cũng như chuyện "xấu đẹp tùy người đối diện" vậy thôi, ai cảm nhận được thì khen ngon, còn không thì... tùy! Ngoài ra, mình nghĩ là chưa chắc người Hội An nào cũng biết chuyện nổi tiếng thế giới của tiệm bánh mì Phượng, dù có thể họ đã và vẫn ăn thường xuyên, theo nhu cầu hoặc sở thích, thậm chí chỉ do thuận lợi vì gần nhà, gần nơi làm việc... chứ không hẳn vì biết nó ngon nhứt.  

Nhìn đồng hồ tính ra từ khi ghé lại đây đến chừ đã hơn 15 phút rồi, trời đang chuyển mưa nên nhai vội phần còn lại rồi lau miệng, lau tay bằng khăn giấy hộp để sẵn trên bàn, rót một ly trà, rút một cây tăm đứng dậy nhường chổ cho mấy ông Tây vừa ghé vô kêu bánh mì. Vừa uống nước vừa ngẫm nghĩ  

“Tôi đã đi bao dặm đường đến đây để ăn bánh mì Hội An”
(du khách Chris Conway)
chỉ với tám ngàn đồng mà được ăn bánh mì nỗi tiếng, uống trà nóng, lau miệng bằng giấy lau loại tốt và còn biết được thêm đôi điều thú vị về tiệm bánh mì này thì tự thấy mình cũng có phần... may mắn! Mình là người thích mọi thứ đơn giãn như đang giỡn thôi, thế nên được ăn một ổ bánh mì, một thứ rất bình thường, của cái tiệm tuy nhỏ bé mà nổi tiếng thế giới cũng cảm thấy... sướng thiệt, bởi dù sao thì nó cũng "an toàn" hơn nhiều món ăn khác, nhìn rất hấp dẫn ở các nhà hàng, quán sá khắp nơi nhưng tàng ẩn nhiều thứ quá dễ sợ, chưa nói là giá cả trời ơi đất hỡi. Mình ở cách đây 
chỉ chừng ba chục cây số thôi, muốn ăn bánh mì ngon nhứt VN, theo bài báo, chẳng tốn mấy thời gian, tiền bạc là có ngay, dễ dàng hơn anh chàng ở tấm ảnh bên (trích từ bài báo). Hắn ở xa rứa mà còn tìm đến, mình "sát nách" chổ ni chẳng lẽ chỉ tới một lần? Còn các bạn, những người đọc được bài báo và những lời... lan man này, bạn nghĩ gì về bánh mì Phượng? Tôt nhứt là phải thử mới biết... Dù sao các bạn cũng "gần gũi" Hội An hơn các ông tây bà đầm chánh hiệu, hãy một lần ghé lại tiệm bánh mì này, hô "cho một ổ" rồi ngồi xuống... lan man với chính chủ nhân bà là cô giáo Phượng thử xem sao...

Thôi nghe! Chào tạm biệt bánh mì Phượng Hội An, mong sớm có lần gặp lại! 

Chu cha, hơn 2 giờ rưỡi chiều rồi, chắc Huỳnh Bốn lái tàu về lại đất liền rồi, phải gọi anh chàng này tới uống cafe mới được! Rồi còn phải dạo dạo vài vòng quanh khu phố cổ nữa chớ...


Cafe với Huỳnh Bốn tại quán Dư Âm, số 11 Phạm Hồng Thái, Hội An. 
Vô chổ này chỉ vì trời đỗ mưa bất ngờ, chớ không biết quán mô ngon.
_______________________________________


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời quý bạn vào đọc trang này cho nhận xét về các bài đăng hoặc khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn. Cảm ơn các bạn.
Trần Ngộ