Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

CHIM SẺ VÀO NHÀ CHIỀU MƯA DÔNG



Tầm gần 4 giờ rưỡi chiều nay 9.7, một cơn dông bất ngờ ập đến trên hầu hết khu vực quận Hải Châu. Mưa lớn, gió giật rất mạnh. Nhà bên cạnh có cửa sổ lắp kính đang mở, không kịp đóng bị gió đẩy mạnh làm vỡ các tấm kính, tiếng kính rơi xuống đất loảng xoảng, nghe mà nổi da gà! (*). Đang làm một vài việc lặt vặt trong nhà, nghe vậy, tôi vội chạy ra khép cửa chính thì bất ngờ một luồng gió mạnh đẩy nước mưa, lá cây bay ào ào vô nhà.... Khép xong cửa, quay vào thì thấy một chú chim sẻ bị cuốn vào nhà, đang cố tìm nơi ẩn nấp vì bị con chó Mi lô đuổi bắt. Con chim bị ướt toàn thân và bị gió đẩy mạnh chắc có va đập vào đâu đó, không bay được, chỉ cố chạy. May mà sàn nhà lúc đó đang đọng nước mưa tạt nên con chó bị trượt dài không đuổi kịp; chú chim chui vô góc nhà có đặt chiếc đôn gốm, núp trong khe hở sát chân tường, con Mi lô lao tới khịt khịt mũi đe dọa như những lần đuổi chuột... Nghe tôi la: "Chim sẻ chớ có phải chuột đâu mà đòi bắt!" con Mi lô lui ra. Nếu gặp mèo con chim này e khó sống! Tôi dịch cái đôn ra rồi lùa hai tay vô ôm con chim. Có lẽ vì quá mệt, nó không vùng vẩy nổi, nằm co chân lại trên tay tôi. Tội nghiệp nó quá, toàn thân ướt sủng, lông cánh lông đuôi dính bết vào nhau, tôi cảm nhận được nó đang run, run liên tục... 


Đến ngồi ở ghế, tôi hà hơi sưởi ấm cho nó một lúc rồi lấy một cái khăn lông nhỏ bọc nó lại, vừa để thấm nước vừa để ủ ấm, chừa cái đầu bé xíu cho nó thở... Tôi lấy máy ảnh chụp vài kiểu cho vui. Lấy máy ra là chụp ngay (ảnh bên), không để ý lúc đó máy ảnh đang để chế độ chụp chân dung, tức là có đèn flash. Khi đèn nháy sáng lóa tôi chợt nhớ một nguyên tắc chụp ảnh là không được để đèn flash khi chụp cận cảnh mặt trẻ con vì sẽ ảnh hưởng thị lực của bé sau này, nên có chút băn khoăn không rõ khi bị chụp với đèn, mắt con chim nhỏ bé này có bị gì không (???) Mắt chim sẻ nhỏ hơn mắt người nhiều mà?! Nghĩ vậy nên những tấm ảnh sau tôi chọn chế độ chụp khác, không có flash để khỏi ảnh hưởng đến mắt của nó (!!!)


Một lúc sau, có vẻ đã hoàn hồn, nó vùng vẫy như muốn bay ra, nhưng cặp cánh còn ướt không bay được. Tôi lấy một hột cơm nguội đặt trên dầu ngón tay, đưa sát vào mỏ của nó để cho nó ăn. Theo bản năng, nó mổ lấy hột cơm, cái mỏ chạm rất khẽ vào ngón tay tôi. Có lẽ nó đã lại sức nhiều rồi... Nhưng tôi thấy lạ là nó không nuốt ngay mà cứ ngậm hột cơm ngang mỏ (ảnh bên). Hay là nó chưa hoàn toàn hồi phục, còn mệt chăng, nên không nuốt được? Hoặc là nó đang nuôi con nhỏ, hột cơm nhận được này là phần của mấy con chin non ở "nhà"? Nghĩ vậy vì tôi nhớ lại hồi nhỏ chim chóc trong thành phố còn rất nhiều, có thể nghe tiếng chúng ríu rít cả ngày, chim sẻ thì quá chừng chừng... Lũ chim sẻ thường hay "chơi" cái trò mà lũ nhóc chúng tôi gọi là "đuổi bắt": hai con, có lẽ một trống và một mái, bay lượn rượt đuổi nhau, luôn "mỏ" kêu chí chóe rồi chui tọt vào dưới một mái nhà nào đó và làm gì sau đó thì tôi không biết... Tôi vẫn thường thấy chúng ngậm ngang mỏ một con sâu hay thứ mồi gì đó kiếm được, bay vù lên đậu ở một chổ nào đó trên cao, cái đầu nghiêng qua nghiêng lại quan sát xung quanh một lúc rồi vụt bay đi, mỏ vẫn ngậm ngang miếng mồi, lượn vài vòng rồi chui vào dưới mái nhà, phần nhiều là mái ngói, mà chúng làm tổ. Hỏi mấy người lớn thì được giải thích là nó đem mồi về nuôi con, trước khi vào tổ, chim sẻ phải bay lòng vòng để đánh lạc hướng những con hay những loài chim khác không biết tổ của nó ở đâu. 

Hồi nhỏ chúng tôi cũng hay dùng ná để bắn chim, hoặc công kênh nhau trèo lên chổ mà một con chim sẻ vừa chui vào dưới mái nhà, chúng chỉ "đánh lạc hướng" được đồng loại thôi, chứ với bọn tôi thì làm sao chúng "qua mặt" được... Khi người lớn trong xóm thấy thì thường bị la rầy chút đỉnh về việc leo trèo kèm theo lời răn dạy không được bắn hay bắt chim vì chúng cũng ham sống sợ chết, cũng biết đau đớn, cũng có "gia đình" không muốn bị chia lìa, tụi bây mà còn làm như rứa thì sẽ mét cha mẹ cho coi... vv... và vv... Nhưng chúng tôi, những thằng nhóc đang thời tiểu học, thì làm gì có chuyện "tuân lệnh" răm rắp cho được. Ở trường (Nam tiểu học) mà có thằng còn dám leo lên mái lớp để lấy tổ chim, bị thầy cô bắt gặp bẹo tai đỏ lừ mà đâu có chừa ngay. Sau này khi lên trung học, được dạy bảo nhiều hơn mới thấy thấm thía những lời răn dạy đó để rồi đem ra "giảng" lại cho đám nhóc trong xóm, những đứa đã phải gọi những thằng cùng lứa với tôi là anh A, anh B chi đó đàng hoàng rồi, không còn là cu anh, cu em như chúng nữa... Bởi vậy khi có "phong trào" săn chim (trong thành phố) bằng súng hơi do những người đi "lao động xuất khẩu" (???) ở Đông Đức hoặc Tiệp Khắc mang về, vào những năm đầu thập niên 1990, tôi rất ghét mấy tay ôm súng đi rình bắn những chú chim bé bỏng vô tội, nên nhiều lúc tìm cách gây ra tiếng ồn lớn cho những chú chim bay đi. Ít lâu sau thì việc xài súng hơi bị cấm vì có mấy vụ dùng súng này bắn nhau giữa các phe nhóm có chuyện xích mích về làm ăn chi đó.

Lúc này mưa đã ngớt nhưng vẫn rả rích chưa tạnh, gió cũng ngừng cơn thịnh nộ, tôi mở cửa chính ra cho thoáng, vì nhà tôi ít cửa sổ. Con chim chắc đã khỏe hẵn rồi, không thấy run rẩy nửa, cái đầu cũng nghiêng qua nghiêng lại, có lẽ đang tìm đường thoát thân đây... Bèn nói với nó, cứ như nói với người: "Nè! Chú mày khỏe rồi thì tao thả thôi chứ không giữ đâu, nhưng phải chờ cho lông cánh mày thật sự khô ráo mới bay được chớ! Trời còn đang mưa đó! Hay là tối nay mày ở lại đây cho ấm nghe, tao cho mày ăn mà... Mai tao thả..." Chưa hết câu, con chim vụt bay ra khỏi chiếc khăn làm tôi thoáng giật mình. Nó đậu lên chiếc ti vi, đầu quay ra hướng cửa, tôi nhỏm dậy khỏi ghế định chụp lại thì nó đã tung người bay ra khỏi cửa, rất nhanh. Tôi nhìn theo thấy nó bay hơi thấp ngang qua đường rồi vút lên ở phía bên kia, lên cao rồi mất dạng... Nhìn nó bay rất nhanh nhẹn và không va vào đâu, thầm nghĩ thế là nó đã khỏe hẵn rồi! Tôi thấy vui vui và bỗng nhiên liên tưởng đến câu hát: "Tung cánh chim tìm về tổ ấm..."  

"Không biết mày có còn ngậm hột cơm hay đã đánh rơi khi thực hiện cú "vượt ngục" không cần thiết này? Tao nói "không cần thiết" vì tao đã hứa là sẽ thả mày rồi mà! Nhưng mày đã "tự quyết" rồi thì cũng tốt thôi! Mong mày tìm được đường về "nhà" sum họp với "gia đình" nhé!", tôi nói thầm với nó, con chim sẻ lạc vào nhà trong một chiều mưa gió tơi bời... rồi mĩm cười tự diễu mình rằng cứ làm như là nó hiểu được tiếng người, để yên chí ở lại nơi này, được ủ ấm, được cho ăn và rồi sẽ được tự nhiên tung mình bay đi khi đã hoàn toàn khô ráo cánh, lông... 

Loài chim là biểu tượng của tự do, không gian của nó là bầu trời thoáng đãng để thỏa thuê tung cánh, là cây cối sum suê để tìm những miếng mồi ngon lành không chỉ cho riêng nó mà còn đem về tổ cho những đứa con chưa đủ lông cánh để tự kiếm ăn; dẫu cái không gian ấy ẩn chứa nhiều bất trắc, lắm hiểm nguy thì nó vẫn mãi chọn. Những con chim được nuôi nấng no đủ, ấm áp trong những chiếc lồng đủ kiểu loại vẫn luôn tìm cách thoát ra ngoài khi có thể. Từ khi có được chút hiểu biết này, chưa bao giờ tôi nuôi chim, dù vẫn nghe mỗi sáng, mỗi ngày những tiếng hót líu lo trầm bổng rất quyến rũ của những con họa mi, anh vũ gì đó trong những chiếc lồng đẹp đẻ sang trọng của nhà hàng xóm hay những anh bạn thích nuôi chim...

Nghĩ cũng lạ thiệt, lâu nay thấy chan chán thế nào ấy, rất lười viết, lười post bài lên blog, bỗng nhiên chiều nay trời nổi trận mưa dông cho con chim sẻ bị xô dạt vào nhà, khiến tôi có chút hứng thú mà ngồi vào bàn ngay trong đêm để viết tào lao thiên địa trở lại, chứ lâu nay mấy anh bạn cứ hỏi sao chẳng thấy có chi mới hết. Vậy nên xin cảm ơn cơn mưa đã cho một đêm mát mẻ, cảm ơn con chim sẻ đi lạc đã giúp tôi có được chút niềm hứng thú múa may (và cả đánh vật) với chữ nghĩa để anh em bằng hữu có dịp "mua vui cũng được một vài phút giây". Rất cảm ơn!


Ủ con chim trong khăn và giữ trên tay cho nó có thêm hơi ấm.... Cái đầu đã nghiêng qua nghiêng lại, mắt mở to như tìm hướng để thoát thân ...
_____________________________________

(*) Buổi tối, bản tin thời sự trên đài truyền hình Đà Nẵng chiếu cảnh đường phố bị ngập nước, xe cộ đi lại khó khăn, cây cối và cả trụ điện thoại ngã đỗ... vì cơn dông này, ở nhiều nơi trong thành phố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời quý bạn vào đọc trang này cho nhận xét về các bài đăng hoặc khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn. Cảm ơn các bạn.
Trần Ngộ