Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

DẤU "HỎI, NGÃ" TRONG CHỮ VIỆT

Cao Chánh Cương

Văn hóa Việt Nam của chúng ta vô cùng phong phú. Một trong những nguồn phong phú vô ngàn mà trên thế giới không ai có, đó là ý nghĩa về dấu hỏi ngã Thật thế, dấu hỏi ngã trong tiếng Việt đóng một vai trò quan trọng. Viết sai dấu hỏi ngã sẽ làm đảo ngược và có khi vô cùng tai hại cho văn chương và văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi xin đơn cử một vài trường hợp như sau. Danh từ nhân sĩ, chữ sĩ phải được viết bằng dấu ngã để mô tả một vị chính khách có kiến thức văn hóa chính trị..., nhưng nếu vô tình chúng ta viết nhân sỉ, chữ sỉ với dấu hỏi thì ý nghĩa của danh từ nhân sĩ sẽ bị đảo ngược lại, vì chữ sĩ với dấu hỏi có nghĩa là nhục sĩ và như vậy sẽ bị trái nghĩa hoàn toàn. Một chữ thông thường khác như là hai chữ sửa chữa, nếu bỏ đi dấu hỏi ngã sẽ có nhiều ý khác nhau: sửa chữa (sửa dấu hỏi, chữa dấu ngã) tức là chúng ta sửa lại một cái gì bị hư hỏng, thí dụ sửa chữa xe hơi. Nhưng nếu cho dấu ngã vào thành chữ sữa và dấu hỏi trên chữ chửa tức có nghĩa là sữa của những người đàn bà có thai nghén.

Người sai lỗi nhiều nhất về viết sai dấu hỏi ngã là người miền Nam và Trung (người viết bài này là người miền Trung). May mắn nhất là người thuộc miền Bắc khi sinh ra là nói và viết dấu hỏi ngã không cần phải suy nghĩ gì cả. Nhưng khốn nỗi có khi hỏi họ tại sao chữ này viết dấu hỏi chữ kia lại đánh dấu ngã thì họ lại không cắt nghĩa được mà chỉ nở một nụ cười trên môi...

Bài viết này nhằm mục đích đóng góp một vài qui luật về dấu hỏi ngã của tiếng mẹ đẻ Việt Nam chúng ta.

Dấu hỏi ngã được căn cứ vào ba qui luật căn bản: Luật bằng trắc, chữ Hán Việt và các qui luật ngoại lệ.


A. LUẬT BẰNG TRẮC

Qui luật bằng trắc phải được hiểu theo ba qui ước sau.

1. Luật lập láy

Danh từ lập láy tức là một chữ có nghĩa nhưng chữ ghép đi theo chữ kia không có nghĩa gì cả. Thí dụ: vui vẻ, chữ vui có nghĩa mà chữ vẻ lại không nghĩa, chữ mạnh mẽ, chữ mạnh có nghĩa nhưng chữ mẽ lại không hề mang một ý nghĩa nào hết, hoặc chữ lặng lẽ, vẻ vang...

2. Luật trắc

Không dấu và dấu sắc đi theo với danh từ lập láy thì chữ đó viết bằng dấu hỏi (ngang sắc hỏi).

Thí dụ:

Hớn hở: chữ hớn có dấu sắc, thì chữ hở phải là dấu hỏi.
Vui vẻ: chữ vui không dấu, thì chữ vẻ đương nhiên phải dấu hỏi.
Hỏi han: chữ han không dấu, như thế chữ hỏi phải có dấu hỏi.
Vớ vẩn: chữ vớ là dấu sắc thì chữ vẩn phải có dấu hỏi.
Tương tự như mắng mỏ, ngớ ngẩn, hở hang, ...


3. Luật bằng

Dấu huyền và dấu nặng đi theo một danh từ lập láy thì được viết bằng dấu ngã (huyền nặng ngã).

Thí dụ:

Sẵn sàng: chữ sàng có dấu huyền thì chữ sẵn phải là dấu ngã.
Ngỡ ngàng: chữ ngàng với dấu huyền thì chữ ngỡ phải để dấu ngã.
Mạnh mẽ: chữ mãnh có dấu nặng, do đó chữ mẽ phải viết dấu ngã.
Tương tự như các trường hợp lặng lẽ, vững vàng,...


B. CHỮ HÁN VIỆT

Văn chương Việt Nam sử dụng rất nhiều từ Hán Việt, chúng ta hay quen dùng hằng ngày nên cứ xem như là tiếng Việt hoàn toàn. Thí dụ như các chữ thành kiến, lữ hành, lãng du, viễn xứ, ... tất cả đều do chữ Hán mà ra.

Đối với chữ Hán Việt được sử dụng trong văn chương Việt Nam, luật về đánh dấu hỏi ngã được qui định như sau:

Tất cả những chữ Hán Việt nào bắt đầu bằng các chữ D, L, V, M và N đều viết bằng dấu ngã, cá chữ Hán Việt khác không bắt đầu bằng năm mẫu tự này sẽ được viết bằng dấu hỏi.

Thí dụ:

Dĩ vãng: hai chữ này phải viết dấu ngã vì dĩ vãng không những là hán tự mà còn bắt đầu bằng chữ D và V.

Vĩ đại: vĩ có dấu ngã vì chữ vĩ bắt đầu với mẫu tự V.
Ngẫu nhiên: chữ ngẫu dấu ngã vì áp dụng qui luật Hán Việt nói trên.
Lẽ phải: lẽ dấu ngã vì chữ L, phải dấu hỏi vì có chữ P.
Tư tưởng: chữ tưởng phải viết dấu hỏi vì vần T đứng đầu.

Tương tự như: lữ hành, vĩnh viễn,...

Để thể nhớ luật Hán tự dễ dàng, chúng tôi đặt một câu châm ngôn như thế này:

"Dân Là Vận Mệnh Nước"

để dễ nhớ mỗi khi muốn sử dụng qui luật Hán tự nói trên.


C. CÁC QUI ƯỚC KHÁC

1. Trạng từ (adverb)

Các chữ về trạng từ thường viết bằng dấu ngã.

Thí dụ:

Thôi thế cũng được. Trạng từ cũng viết với dấu ngã.
Xin anh đừng trách em nữa. Trạng từ nữa viết với dấu ngã.
Chắc anh đã mệt lắm rồi. Trạng từ đã viết với dấu ngã.


2. Tên họ cá nhân và quốc gia

Các họ của mỗi người và tên của một quốc gia thường được viết bằng dấu ngã.

Thí dụ:

Đỗ đình Tuân, Lữ đình Thông, Nguyễn ngọc Yến...
Các chữ Đỗ, Lữ, Nguyễn đều viết bằng dấu ngã vì đây là danh xưng họ hàng.
Nước Mỹ, A phú Hãn,... Các chữ Mỹ và Hãn phải viết bằng dấu ngã vì đây là tên của một quốc gia.
Ngoại trừ: Cộng Hòa Ả Rập Thống Nhứt. Bảo Gia Lợi. Mông Cổ. Thụy Điển.

3. Thừa trừ

Một qui ước thừa trừ ta có thể dùng là đoán nghĩa để áp dụng theo luật lập láy và bằng trắc nói trên.

Thí dụ:

Anh bỏ em đi lẻ một mình. Chữ lẻ viết dấu hỏi vì từ chữ lẻ loi mà ra, chữ loi không dấu nên chữ lẻ viết với dấu hỏi.

Anh này trông thật khỏe mạnh, chữ khỏe ở đây có dấu hỏi vì do từ khỏe khoắn mà ra, khoắn dấu sắc thì khỏe phải dấu hỏi.


D. KẾT LUẬN

Văn chương là linh hồn của nền văn hóa, viết sai dấu hỏi ngã có thể làm sai lạc cả câu văn, đó là chưa kể đến nhiều sự hiểu lầm tai hại cho chính mình và người khác cũng như các việc trọng đại. Không gì khó chịu cho bằng khi đọc một cuốn truyện hay nhưng dấu hỏi ngã không được chỉnh tề.

Một ký giả người miền Nam trong câu chuyện thân mật tại một quán phở thược vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã thành thật công nhận điều thiếu sót và tầm quan trọng của dấu hỏi ngã trong văn chương Việt Nam. Và cũng chính vị ký giả lão thành nói trên đã khuyến khích chúng tôi viết bài này trong mục đích làm sống lại sự phong phú của nền văn chương, văn hóa Việt Nam chúng ta, nhất là đối với những thế hệ trẻ hiện đang lưu lạc trên xứ người.


CAO CHÁNH CƯƠNG

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

XẾP ÁO CHỈ MẤT 2 GIÂY và NHỮNG CÁCH THẮT CÀ VẠT ĐẸP

Cách xếp áo trong 2 giây. 
Xem cho vui và làm thử

Nhấn vào link dưới đây

___________________________

Những cách thắt cravatte đơn giản và kiểu cách
(nhấn vào các link ở dưới để xem)

* Kiểu đơn giản mà vẫn đẹp

1. hướng dẫn chậm và tỉ mỉ
http://www.youtube.com/watch?v=xAg7z6u4NE8

2. chỉ cần 10 giây
http://www.youtube.com/watch?NR=1&feature=fvwp&v=eLqaIwiWEKE


3. nhanh mà vẫn dễ hiểu
http://www.youtube.com/watch?annotation_id=annotation_417273&feature=iv&src_vid=beDoqe69c5U&v=GVjcLtfLxCE

 ** Kiểu cách cầu kỳ, hơi khó làm, nhưng đúng là lạ mắt



__CHÚC VUI VẺ VÀ THỰC HIỆN ĐƯỢC NHỮNG CÁCH ƯNG Ý __


Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

MỘT PHÁT HIỆN THÚ VỊ

Hôm nay 14.7.2013 tình cờ xem được một số hình ảnh thú vị liên quan đến Cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa NGÔ ĐÌNH DIỆM từ những album ảnh xưa quý hiếm của nhà sưu tầm Mạnh Hải.

Các tấm ảnh trong album này cho thấy Tổng thống Diệm đến thủ đô Canberra, Úc Đại Lợi trong bộ quốc phục truyền thống của Việt Nam thời đó là áo dài, khăn đóng. Tiếc là ảnh đen trắng nên không rõ màu của bộ quốc phục này. Điều thú vị là chú thích ảnh nói rằng TT Diệm là vị nguyên thủ đầu tiên của một nước có chủ quyền đến thăm đất nước Úc, ngày 2 tháng 9 năm 1957, sau hơn ba năm từ Paris, Pháp về nước "chấp chính" chức Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam từ ngày 7 tháng 7 năm 1954 (hồi đó dân chúng hay gọi là ngày "song thất") rồi đến ngày 26 tháng 10 năm 1955 nhậm chức Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam sau cuộc bầu cử ngày 23 tháng 10 năm 1955.


CUỘC VIẾNG THĂM CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN TỚI NƯỚC ÚC--Tổng thống VN Ngô Đình Diệm duyệt đội quân danh dự Không lực Hoàng gia Úc khi ông tới Canberra, Australia ngày 2/9/1957 trong chuyến viếng thăm chính thức một tuần lễ tới nước Úc. Ông Diệm là người đứng đầu một quốc gia có chủ quyền đầu tiên viếng thăm nước Úc. TT Ngô Đình Diệm đã được Tổng Toàn quyến Úc, Ngài William Slim, và Thủ tướng Gordon Menzies chào đón tại phi trường. (Ảnh: Associated Press Photo từ Luân Đôn)


Xem những ảnh nhỏ trên đây nhận thấy TT Diệm được chính phủ Úc đón tiếp rất trọng thị: có sĩ quan quan đội ra tận chân thang máy bay để chào đón và hộ tống đến bục danh dự để chào cờ (VNCH), hộ tống duyệt đội quân danh dự dàn chào trong khi đại bác bắn 21 phát chào mừng theo thông lệ quốc tế và TT Diệm bắt tay các quan chức chính phủ Úc ra đón tại sân bay

__________________________________________________

Dưới đây là một bài thơ được cho là của Ông Ngô Đình Diệm sáng tác năm 1953, thực hư thế nào chưa có điều kiện kiểm chứng, xin đăng lại với sự dè dặt cần thiết để các bạn tham khảo.


NỖI LÒNG 


Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông 
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không ! 
Xe muối nặng nề thân vó Ký 
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng  
Vá trời lấp biển người đâu tá ?  
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông! 
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế  
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong ?


Chí sĩ NGÔ ĐÌNH DIỆM  (1953) 

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

CHIM SẺ VÀO NHÀ CHIỀU MƯA DÔNG



Tầm gần 4 giờ rưỡi chiều nay 9.7, một cơn dông bất ngờ ập đến trên hầu hết khu vực quận Hải Châu. Mưa lớn, gió giật rất mạnh. Nhà bên cạnh có cửa sổ lắp kính đang mở, không kịp đóng bị gió đẩy mạnh làm vỡ các tấm kính, tiếng kính rơi xuống đất loảng xoảng, nghe mà nổi da gà! (*). Đang làm một vài việc lặt vặt trong nhà, nghe vậy, tôi vội chạy ra khép cửa chính thì bất ngờ một luồng gió mạnh đẩy nước mưa, lá cây bay ào ào vô nhà.... Khép xong cửa, quay vào thì thấy một chú chim sẻ bị cuốn vào nhà, đang cố tìm nơi ẩn nấp vì bị con chó Mi lô đuổi bắt. Con chim bị ướt toàn thân và bị gió đẩy mạnh chắc có va đập vào đâu đó, không bay được, chỉ cố chạy. May mà sàn nhà lúc đó đang đọng nước mưa tạt nên con chó bị trượt dài không đuổi kịp; chú chim chui vô góc nhà có đặt chiếc đôn gốm, núp trong khe hở sát chân tường, con Mi lô lao tới khịt khịt mũi đe dọa như những lần đuổi chuột... Nghe tôi la: "Chim sẻ chớ có phải chuột đâu mà đòi bắt!" con Mi lô lui ra. Nếu gặp mèo con chim này e khó sống! Tôi dịch cái đôn ra rồi lùa hai tay vô ôm con chim. Có lẽ vì quá mệt, nó không vùng vẩy nổi, nằm co chân lại trên tay tôi. Tội nghiệp nó quá, toàn thân ướt sủng, lông cánh lông đuôi dính bết vào nhau, tôi cảm nhận được nó đang run, run liên tục... 


Đến ngồi ở ghế, tôi hà hơi sưởi ấm cho nó một lúc rồi lấy một cái khăn lông nhỏ bọc nó lại, vừa để thấm nước vừa để ủ ấm, chừa cái đầu bé xíu cho nó thở... Tôi lấy máy ảnh chụp vài kiểu cho vui. Lấy máy ra là chụp ngay (ảnh bên), không để ý lúc đó máy ảnh đang để chế độ chụp chân dung, tức là có đèn flash. Khi đèn nháy sáng lóa tôi chợt nhớ một nguyên tắc chụp ảnh là không được để đèn flash khi chụp cận cảnh mặt trẻ con vì sẽ ảnh hưởng thị lực của bé sau này, nên có chút băn khoăn không rõ khi bị chụp với đèn, mắt con chim nhỏ bé này có bị gì không (???) Mắt chim sẻ nhỏ hơn mắt người nhiều mà?! Nghĩ vậy nên những tấm ảnh sau tôi chọn chế độ chụp khác, không có flash để khỏi ảnh hưởng đến mắt của nó (!!!)


Một lúc sau, có vẻ đã hoàn hồn, nó vùng vẫy như muốn bay ra, nhưng cặp cánh còn ướt không bay được. Tôi lấy một hột cơm nguội đặt trên dầu ngón tay, đưa sát vào mỏ của nó để cho nó ăn. Theo bản năng, nó mổ lấy hột cơm, cái mỏ chạm rất khẽ vào ngón tay tôi. Có lẽ nó đã lại sức nhiều rồi... Nhưng tôi thấy lạ là nó không nuốt ngay mà cứ ngậm hột cơm ngang mỏ (ảnh bên). Hay là nó chưa hoàn toàn hồi phục, còn mệt chăng, nên không nuốt được? Hoặc là nó đang nuôi con nhỏ, hột cơm nhận được này là phần của mấy con chin non ở "nhà"? Nghĩ vậy vì tôi nhớ lại hồi nhỏ chim chóc trong thành phố còn rất nhiều, có thể nghe tiếng chúng ríu rít cả ngày, chim sẻ thì quá chừng chừng... Lũ chim sẻ thường hay "chơi" cái trò mà lũ nhóc chúng tôi gọi là "đuổi bắt": hai con, có lẽ một trống và một mái, bay lượn rượt đuổi nhau, luôn "mỏ" kêu chí chóe rồi chui tọt vào dưới một mái nhà nào đó và làm gì sau đó thì tôi không biết... Tôi vẫn thường thấy chúng ngậm ngang mỏ một con sâu hay thứ mồi gì đó kiếm được, bay vù lên đậu ở một chổ nào đó trên cao, cái đầu nghiêng qua nghiêng lại quan sát xung quanh một lúc rồi vụt bay đi, mỏ vẫn ngậm ngang miếng mồi, lượn vài vòng rồi chui vào dưới mái nhà, phần nhiều là mái ngói, mà chúng làm tổ. Hỏi mấy người lớn thì được giải thích là nó đem mồi về nuôi con, trước khi vào tổ, chim sẻ phải bay lòng vòng để đánh lạc hướng những con hay những loài chim khác không biết tổ của nó ở đâu. 

Hồi nhỏ chúng tôi cũng hay dùng ná để bắn chim, hoặc công kênh nhau trèo lên chổ mà một con chim sẻ vừa chui vào dưới mái nhà, chúng chỉ "đánh lạc hướng" được đồng loại thôi, chứ với bọn tôi thì làm sao chúng "qua mặt" được... Khi người lớn trong xóm thấy thì thường bị la rầy chút đỉnh về việc leo trèo kèm theo lời răn dạy không được bắn hay bắt chim vì chúng cũng ham sống sợ chết, cũng biết đau đớn, cũng có "gia đình" không muốn bị chia lìa, tụi bây mà còn làm như rứa thì sẽ mét cha mẹ cho coi... vv... và vv... Nhưng chúng tôi, những thằng nhóc đang thời tiểu học, thì làm gì có chuyện "tuân lệnh" răm rắp cho được. Ở trường (Nam tiểu học) mà có thằng còn dám leo lên mái lớp để lấy tổ chim, bị thầy cô bắt gặp bẹo tai đỏ lừ mà đâu có chừa ngay. Sau này khi lên trung học, được dạy bảo nhiều hơn mới thấy thấm thía những lời răn dạy đó để rồi đem ra "giảng" lại cho đám nhóc trong xóm, những đứa đã phải gọi những thằng cùng lứa với tôi là anh A, anh B chi đó đàng hoàng rồi, không còn là cu anh, cu em như chúng nữa... Bởi vậy khi có "phong trào" săn chim (trong thành phố) bằng súng hơi do những người đi "lao động xuất khẩu" (???) ở Đông Đức hoặc Tiệp Khắc mang về, vào những năm đầu thập niên 1990, tôi rất ghét mấy tay ôm súng đi rình bắn những chú chim bé bỏng vô tội, nên nhiều lúc tìm cách gây ra tiếng ồn lớn cho những chú chim bay đi. Ít lâu sau thì việc xài súng hơi bị cấm vì có mấy vụ dùng súng này bắn nhau giữa các phe nhóm có chuyện xích mích về làm ăn chi đó.

Lúc này mưa đã ngớt nhưng vẫn rả rích chưa tạnh, gió cũng ngừng cơn thịnh nộ, tôi mở cửa chính ra cho thoáng, vì nhà tôi ít cửa sổ. Con chim chắc đã khỏe hẵn rồi, không thấy run rẩy nửa, cái đầu cũng nghiêng qua nghiêng lại, có lẽ đang tìm đường thoát thân đây... Bèn nói với nó, cứ như nói với người: "Nè! Chú mày khỏe rồi thì tao thả thôi chứ không giữ đâu, nhưng phải chờ cho lông cánh mày thật sự khô ráo mới bay được chớ! Trời còn đang mưa đó! Hay là tối nay mày ở lại đây cho ấm nghe, tao cho mày ăn mà... Mai tao thả..." Chưa hết câu, con chim vụt bay ra khỏi chiếc khăn làm tôi thoáng giật mình. Nó đậu lên chiếc ti vi, đầu quay ra hướng cửa, tôi nhỏm dậy khỏi ghế định chụp lại thì nó đã tung người bay ra khỏi cửa, rất nhanh. Tôi nhìn theo thấy nó bay hơi thấp ngang qua đường rồi vút lên ở phía bên kia, lên cao rồi mất dạng... Nhìn nó bay rất nhanh nhẹn và không va vào đâu, thầm nghĩ thế là nó đã khỏe hẵn rồi! Tôi thấy vui vui và bỗng nhiên liên tưởng đến câu hát: "Tung cánh chim tìm về tổ ấm..."  

"Không biết mày có còn ngậm hột cơm hay đã đánh rơi khi thực hiện cú "vượt ngục" không cần thiết này? Tao nói "không cần thiết" vì tao đã hứa là sẽ thả mày rồi mà! Nhưng mày đã "tự quyết" rồi thì cũng tốt thôi! Mong mày tìm được đường về "nhà" sum họp với "gia đình" nhé!", tôi nói thầm với nó, con chim sẻ lạc vào nhà trong một chiều mưa gió tơi bời... rồi mĩm cười tự diễu mình rằng cứ làm như là nó hiểu được tiếng người, để yên chí ở lại nơi này, được ủ ấm, được cho ăn và rồi sẽ được tự nhiên tung mình bay đi khi đã hoàn toàn khô ráo cánh, lông... 

Loài chim là biểu tượng của tự do, không gian của nó là bầu trời thoáng đãng để thỏa thuê tung cánh, là cây cối sum suê để tìm những miếng mồi ngon lành không chỉ cho riêng nó mà còn đem về tổ cho những đứa con chưa đủ lông cánh để tự kiếm ăn; dẫu cái không gian ấy ẩn chứa nhiều bất trắc, lắm hiểm nguy thì nó vẫn mãi chọn. Những con chim được nuôi nấng no đủ, ấm áp trong những chiếc lồng đủ kiểu loại vẫn luôn tìm cách thoát ra ngoài khi có thể. Từ khi có được chút hiểu biết này, chưa bao giờ tôi nuôi chim, dù vẫn nghe mỗi sáng, mỗi ngày những tiếng hót líu lo trầm bổng rất quyến rũ của những con họa mi, anh vũ gì đó trong những chiếc lồng đẹp đẻ sang trọng của nhà hàng xóm hay những anh bạn thích nuôi chim...

Nghĩ cũng lạ thiệt, lâu nay thấy chan chán thế nào ấy, rất lười viết, lười post bài lên blog, bỗng nhiên chiều nay trời nổi trận mưa dông cho con chim sẻ bị xô dạt vào nhà, khiến tôi có chút hứng thú mà ngồi vào bàn ngay trong đêm để viết tào lao thiên địa trở lại, chứ lâu nay mấy anh bạn cứ hỏi sao chẳng thấy có chi mới hết. Vậy nên xin cảm ơn cơn mưa đã cho một đêm mát mẻ, cảm ơn con chim sẻ đi lạc đã giúp tôi có được chút niềm hứng thú múa may (và cả đánh vật) với chữ nghĩa để anh em bằng hữu có dịp "mua vui cũng được một vài phút giây". Rất cảm ơn!


Ủ con chim trong khăn và giữ trên tay cho nó có thêm hơi ấm.... Cái đầu đã nghiêng qua nghiêng lại, mắt mở to như tìm hướng để thoát thân ...
_____________________________________

(*) Buổi tối, bản tin thời sự trên đài truyền hình Đà Nẵng chiếu cảnh đường phố bị ngập nước, xe cộ đi lại khó khăn, cây cối và cả trụ điện thoại ngã đỗ... vì cơn dông này, ở nhiều nơi trong thành phố.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

CÔNG PHU THƯỢNG THỪA!

______________

Mời xem một màn biểu diễn 

CÔNG PHU THƯỢNG THỪA

của dân Ấn Độ


CHÚ Ý: XEM XONG ĐỪNG BẮT CHƯỚC NGHE

NGUY HIỂM LẮM ĐÓ!!!

bấm vào link dưới đây để xem



     Chúc  các  bạn  có  nhiều  niềm  vui_mỗi  ngày     

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

ĐỌC TRÊN MẠNG

Ấn tượng trong tuần: Cái chết, Bà Tưng và Facebook

Kỳ Duyên
06.07.2013
Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đang rộn rịp, vô tình có hai vụ việc đối lập cả tính cách, quan niệm sống, cách ứng xử với bản thân- hoặc quá tàn nhẫn, hoặc phóng túng, đều liên quan đến phái đẹp.
Đó là vụ việc cái chết của một nữ sinh rất thương tâm, xảy ra ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ngược lại, một vụ việc khác gây "sốc" với rất nhiều tranh luận đa chiều. Cả hai cô gái của hai vụ việc, đều đạt đến "đỉnh điểm" của hai thái cực tâm lý trái ngược nhau, đều liên quan đến mạng ảo facebook- sản phẩm của thời công nghệ IT.
Trái đắng giáo dục thời facebook
Ở vụ việc đầu tiên, bản chất và sự mở đầu của nó rất đơn giản, nhưng cái kết bất ngờ lại hóa ra phức tạp, khiến không chỉ người thân của gia đình nạn nhân đau đớn, day dứt khôn nguôi. Mà còn khiến cho tất thẩy những người lớn chúng ta phải nhận về mình sự thất bại xót xa.
Đơn giản đến nỗi, chỉ là một trò đùa học trò rất con trẻ- em gái N.T.T.L (sinh năm 1995) bị bạn học cùng lớp N.T.H- chụp ảnh chân dung, rồi ghép ảnh em vào ảnh một cô gái ăn mặc hở hang và tung lên mạng, dẫn đến N.T.T.L bị bạn bè trêu trọc.
Bức xúc và uất ức, chỉ vì van nài bạn học kéo ảnh xuống không được, L đã dọa tự tử. Cái kết thật đột ngột: N.T.T.L uống thuốc diệt cỏ quyên sinh. Hệt như trong những câu chuyện cổ, mà những nhi nữ "thường tình" thường tìm đến cái chết để bảo vệ phẩm hạnh, phẩm giá của mình. Cho dù ở đây, chỉ là nỗi oan về sự ăn mặc hở hang.
Câu chuyện từ trò đùa dại dột của những học trò "nhất quỷ, nhì ma", dẫn đến vụ việc mang tính "hình sự" khiến tất thảy người lớn chúng ta bàng hoàng. Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn non nớt, quá nhạy cảm, dễ tổn thương đến vậy của một cô bé ở huyện Thạch Thất, rất gần với Thủ đô Hà Nội.
Ngược lại, vụ việc thứ hai không hề có cái kết nào, tốt hay xấu, nhưng sự tranh cãi nảy lửa trong xã hội, cũng để lại dư âm không nhỏ. Người ủng hộ, kẻ chê trách. Người khen ngợi, kẻ phỉ nhổ. Người khẳng định "hiệu ứng" truyền thông, kẻ mổ xẻ "hậu quả" giáo dục... đầy lỗi.
Đó là vụ cô gái L.T. H.A có cái nick name mới nghe đã thấy hết được cá tính- Bà Tưng. Bà Tưng quê ở tận Nghệ An gió Lào khắc nghiệt, nơi có những quan niệm đạo lễ, và là đất học có tiếng. Đến độ được gọi là nơi có những ông "đồ Nghệ" (Nghệ Tĩnh), cùng với "đồ Nam" (Nam Định). Bà Tưng theo học ngành thiết kế nội thất tại Trung tâm Thiết kế và Nghệ thuật Quốc tế ADS (t/p HCM).
Sự gây "hot" của Bà Tưng cũng rất đơn giản. Đơn giản như cái hành động đầy bản năng- mặc áo "thả rông vòng một', kèm theo "khuyến mại" - những phát ngôn gây sốc trên mạng ảo, gây nên cuộc khẩu chiến giữa phái đẹp. Xin hãy thử lắng nghe, theo Infonet, (ngày 17/6):
.... Không mặc áo ngực có gì to tát đâu mà mọi người cứ loạn cả lên thế không biết. Mặc áo ngực nhiều có khả năng gây ung thư vú, chúng ta nên ít mặc.
... Tôi không có bạn trai và tôi cũng không cần có bạn trai. Vậy thì tôi cứ để phí hoài đường cong hình chữ S mũm mĩm này làm gì? Tôi đang làm việc tốt đấy chứ, và tôi nghĩ tôi đang làm "từ thiện" cho những người đàn ông cô đơn.

Sự gây "hot" của Bà Tưng (ảnh) cũng rất đơn giản
Dù bị "ném đá" không thương tiếc, Bà Tưng "không chết" như những câu chuyện thương tâm trong truyền thống khắc nghiệt của những người con gái dám vượt qua những tập tục, lề thói sống của giới đạo. Ngược lại, sau chưa đầy hai tuần, clip của bà Tưng được hơn 30.000 người thích, gần 3.000 người chia sẻ và hơn 8.000 bình luận.
Bằng đoạn clip trên và một vài nội dung câu khách khác, Facebook của Bà Tưng đã có hơn 180.000 người theo dõi (VietNamNet, ngày 30/6)
Và giờ, Bà Tưng đã trở thành một khái niệm độc đáo, riêng biệt và nổi tiếng! Đó cũng có thể coi là một sự ... thành công. Cho dù sự thành công chẳng lấy gì làm vẻ vang, cao sang. Ngược lại, chỉ có nhiều hơn là sự đùa cợt, đàm tiếu về một cách nghĩ nông cạn nhân danh "dám sống thật là mình". Về một cách PR rẻ tiền bị nghi vấn nhằm tiến vào làng giải trí. Bởi cái sự "dám sống thật" đó, nó có phải là các thang bậc giá trị về văn hóa sống không?
Thậm chí, ngay sau khi "nổi tiếng", không mời mà đến tại cuộc ra mắt album của ca sĩ Lam Trường, Bà Tưng trở thành... "cơn gió không lành" cho ca sĩ, khi chính ca sĩ này tỏ thái độ không hài lòng và nhận xét:
Con đường để thu hút sự chú ý của cô ấy có thể nhanh nhưng đầy nguy hiểm. Cô ấy không nghĩ đến yếu tố đạo đức, không nghĩ công chúng đánh giá thế nào về nhân phẩm của mình. Theo tôi, những người có lòng tự trọng sẽ đi lên bằng chính khả năng của mình. Như thế mới có thể tiến xa.(GDVN, ngày 27/6).
Đó là sự "bán rẻ, mua đắt" đầu tiên của Bà Tưng chăng? Và hành trình kinh doanh tên tuổi trong tương lai của Bà Tưng, liệu có thuận buồm xuôi gió? Khi mạo hiểm bắt chước, học đòi một số ca sĩ nước ngòai, hoặc một số chân dài đàn chị trong nước?
Giá trị người Việt trẻ đương đại
Trước cái chết nông nổi thương tâm của cô bé N.T.T.L, báo chí liên tục có những bài viết mổ xẻ câu chuyện tội nghiệp của em, xoay quanh chuyện nhà trường thiếu GD cho học trò về kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, cách đối mặt với những tình huống khắc nghiệt của thực tiễn, với rất nhiều chữ nếu, chữ giá như.
Mà quên mất rằng, người Pháp từng có một châm ngôn sâu sắc: Với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai ...
Và ngẫu nhiên, vào những ngày này, có một Hội nghị báo cáo kết quả khảo sát công tác GD đạo đức trong nhà trường phổ thông.
Lắng nghe những đánh giá, nhận định của những cán bộ quản lý GD, mới thấy cái sáo mòn và cái lười biếng của tư duy GD. Trước những mất mát, thương tổn của ngành, trước những vấn đề nhãn tiền, là dạy trò kỹ năng như thế nào để người Việt trẻ có thể biết vượt qua muôn vàn những hiểm họa tiềm ẩn của một xã hội nhiều khủng hỏang, đang bị "băng hoại" những giá trị văn hóa, đạo đức: Tệ nạn, tội ác, sự lạm dụng, xâm hại trẻ em...
Thì những nhận định, đánh giá tại hội nghị này, mấy chục năm trước không sai, mấy chục năm sau vẫn cứ... đúng.
Khi mà ngành GD luôn lấy "học để thi" làm mục đích chính, thì cho dù nền GDVN có tuổi đời gần "thất thập" nhưng chuyện dạy người lại vẫn thuộc loại... cổ lai hi.
Không lạ, khi thấy người Việt trẻ trong xã hội hiện nay "bị bỏ rơi", như câu trả lời của Hoàng Đức Minh (sinh 1990), Giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu (RAECP), nay là tổ chức Hành động vì tương lai - Action4Future (VietNamNet, ngày 03/7).

Di thư của cô bé N.T.T.L
Một "quan chức" trẻ nhìn nhận vị thế của thế hệ mình. Có điều gì buồn hơn thế cho họ- những người sẽ nắm vận mệnh nước Việt trong tương lai?
Họ bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình, khi mà người cha, người mẹ chỉ hùng hục kiếm tiền mưu sinh, làm giầu. Họ bị bỏ rơi ngay chính trong nhà trường của họ, khi nhà trường chỉ lo "thành tích"- tỷ lệ thi cử có con số đẹp. Và họ bị bỏ rơi ngay trong chính xã hội mà đồng tiền đi vào "đồng dao" như một bài học nhãn tiền: Tiền là Tiên là Phật/ Là sức bật tuổi trẻ/ Là sức khỏe tuổi già...
Mặt khác, trước những vấn nạn tham nhũng, hối lộ, mua quan bán tước..., đầy rẫy trong thế giới thông tin cực hot, còn người lớn chúng ta botay.com, thì người Việt trẻ, từ "bị bỏ rơi" đến mất niềm tin, là khoảng cách không ranh giới.
Cũng chẳng phải chỉ người Việt trẻ mới có sự mất mát đau xót nhất ấy!
Còn trước cái chết thương tâm của N.T.T.L, cô bé nữ sinh tâm hồn quá mong manh, nhạy cảm, quá dễ tổn thương này, không biết rồi đây, N.T.H cùng các bạn của cậu ta sẽ phải đối mặt với sự xử lý của luật pháp như thế nào? Liệu trò đùa quái ác vô tình thành...tội ác, có đi theo họ, ám ảnh suốt cuộc đời này không? Họ có dám đối diện với chính lương tâm của mình không? Có dám nhìn thẳng vào mắt các bạn đồng học không? Khi bất chợt nghĩ về kỷ niệm cay đắng và đau buồn của tuổi học trò?
Dù vậy, họ và cô bé N.T.T.L nông nổi, đáng thương, vẫn gặp nhau ở điểm chung- đều là "sản phẩm" có những khiếm khuyết của ngành GD. Ở đó, cái sự "dạy người" bị... suy dinh dưỡng, đến mức không lớn nổi, bởi sự chèn ép của căn bệnh béo phì "học để thi".
Đối lập với sự đối xử quá tàn nhẫn với bản thân của cô bé N.T.T.L, là sự đối xử có phần phóng túng, nhưng lại thành ra ... rẻ rúng với bản thân của Bà Tưng.
Ở góc độ xã hội, đã qua rồi, cái thời người phụ nữ VN phải đội trên đầu mình quá nhiều những bổn phận và lề thói sống cổ hủ, đạo đức giả. Họ được giải phóng, được khẳng định bản ngã cá nhân, cả năng lực, trí tuệ, tâm hồn lẫn cách tư duy, tạo nên nhân cách riêng. Nhất là khi xã hội Việt đổi mới, từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Mọi thang bậc giá trị đều thay đổi.
Nhưng sự thay đổi để khẳng định mình ở người Việt trẻ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn. Đặc biệt trong làng giải trí, hoặc chút ít dính líu nghệ thuật, môi trường luôn bộc lộ rõ cá tính, bộc lộ rõ "cái tôi" nhất.
Chỉ tiếc, sự thay đổi để khẳng định các thang bậc giá trị trí tuệ, văn hóa hơi ít, còn tạo ra các thang bậc giá trị "phản văn hóa" thì lại hơi nhiều. Cũng tiếc thay, không ít trường hợp, những thang bậc giá trị "phản văn hóa" đó vẫn tạo ra hiệu ứng là sự... nổi tiếng (thực chất là tai tiếng) trong xã hội. Và đó cũng là một kiểu thành công, tùy sự lựa chọn của mỗi người Việt trẻ, phụ thuộc vào nhận thức gắn với "phông" văn hóa, phẩm cách, lòng tự trọng.
Liệu các kiểu tạo ra scandal trong làng giải trí, các kiểu nude bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên của các người mẫu, chân dài, các phát ngôn gây sốc như không có tiền thì cạp đất mà ăn à..., có ảnh hưởng gì đến tham vọng, khát vọng mong muốn nổi tiếng một cách nhanh nhất, ngắn nhất, để tạo nên tên tuổi mình của Bà Tưng- cô bé vùng quê Nghệ An gió Lào cát trắng không?
Trong nhiều bài báo, người viết chú ý đến những trả lời của TSTâm lý Nguyễn Lệ Hằng (GĐ Trung tâm Phát triển trẻ em và kỹ năng sư phạm gia đình), dưới đầu đề: "Con cái nổiloạn- gia đình ở đâu?" (VietNamNet, ngày 2/7).
Xét ở góc độ tâm lý, đây là một hành vi tâm lý bất thường, nếu không nói là một hiện tượng tâm bệnh lý, cho dù nó được tính toán một cách tỉnh táo.
Việc chủ động tung ra nhiều clip liên tiếp như cố tình nhận về mình sự lên án của cộng đồng là một hành động tự gây khoái cảm tổn thương mình. Có lẽ, dù là một kịch bản với bất cứ mục đích gì, cô gái này cũng chưa thấy hết được những hậu quả mà cô có thể phải trả giá trong tương lai.
Đây là một cảnh báo khá cần thiết. Cho tất cả những cô gái muốn chọn con đường ngắn để nổi tiếng, trừ con đường khổ công lao động rèn luyện tài năng. Không phải ngẫu nhiên xã hội vẫn có những khái niệm để phân biệt vị thế, ngay trong giới giải trí: Có "đẳng cấp" hay "rẻ tiền"... Chọn loại nào?
Tuổi trẻ vốn tự tin, nên dễ ngông cuồng. Bà Tưng còn quá trẻ, nên chưa hiểu hết những được mất, những ấm lạnh của cuộc đời. Mà nhiều khi cái mất nhiều hơn cái được. Cái bị khinh khi nhiều hơn cái trân quý
Cũng theo TS Nguyễn Lệ Hằng, để khắc phục những hành vi tâm lý bất thường của con trẻ trong quá trình phát triển trưởng thành, tôi ưu tiện chọn giải pháp về giáo dục gia đình.
... Hãy lắng nghe con để hiểu con hơn, hãy học kĩ năng làm cha làm mẹ theo từng độ tuổi của con một cách nghiêm túc.
Thế nhưng mới đây, trước những thông tin phản bác về hành vi của Bà Tưng cùng những phát ngôn gây sốc, tại xóm 8 Mỹ Thành (Yên Thành, Nghệ An), người mẹ của Bà Tưng vẫn "rất tự hào về con gái", khi bà khẳng định:
Đó là cách riêng của H. A và tôi không có ý kiến gì. Mà chuyện nó hở hang hay không mặc áo ngực là hoàn toàn bình thường... Dù dư luận có nói gì thì tôi cũng bỏ ngoài tai và mặc kệ, tôi biết con mình ngoan hay hư, vẫn luôn tin tưởng và tự hào về con gái mình.
Cá chuối đắm đuối vì con. Trong mắt người mẹ nào, đứa con chả là số một. Mới có câu: Con hát mẹ khen hay. Còn ở đây: Con diễn, mẹ khen hay.
Bỗng nhớ đến ca từ của nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu: Đi về đâu hỡi em? Một câu hỏi về sự vô định trên đường đời cho người con gái Việt, cho những người Việt trẻ...
Ngành GD đang tổ chức kỳ thi. Rồi đây, những tỷ lệ đẹp đỗ ĐH, CĐ sẽ xuất hiện. Dù vậy, gia đình- nhà trường- xã hội người lớn chúng ta, vẫn cứ là loại "học trò"... thi rớt, trước những đòi hỏi của dân tộc về sứ mệnh dạy người, cho thời hội nhập văn minh và hiện đại.
Những thang bậc nào, sẽ làm nên giá trị của người Việt trẻ đương đại và hiện đại đây? Chả lẽ, đó là những giá trị đang được "thả rông", như cái cách Bà Tưng đã làm?