Một phần suối Ngầm Đôi, thuộc Hòa Phú - Hòa Vang |
Trong thời gian làm công tác vận chuyển thư báo tại Bưu điện Quảng Nam - Đà Nẵng (từ tháng 6/1982 đến tháng 11/1991) cứ mỗi tháng tôi lại lên huyện Hiên - nay tách làm hai huyện là Đông Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam - ít nhất một lần mỗi tuần. Hồi đó đi bằng xe khách, có ghế ưu tiên ngồi phía trước bên cạnh tài xế. Buổi sáng đưa thư, báo chí từ BĐ chính ở đường Trần Phú lên giao cho hai bưu cục là Quyết Thắng ở Trung Mang và bưu điện huyện Hiên ở thị trấn Trao (sau này thấy đổi lại là Prao), chiều về nhận các túi thư của Hiên và Quyết Thắng về giao lại cho bộ phận khai thác của BĐ tỉnh. Gần 9 năm tuyến đường 14G lên Hiên vẫn không thay đổi gì, vẫn là con đường nhỏ hẹp đất đá lổn nhổn, dốc Kiền lừng lững vươn lên bên những sườn đồi xanh màu cỏ lá và những cây kiền kiền, loại lâm sản đặc trưng của Hiên, vươn cao tươi tốt... Đến dốc Kiền hành khách phải xuống đi bộ vì xe không thể vượt dốc với trọng tải nặng gồm người và hàng hóa chất đầy trong xe và trên mui. Chuyến lên xe chở những loại hàng hóa thiết yếu của những bà buôn chuyến; buổi chiều thì trên mui đầy những buồng chuối, những bao chè xuôi về Đà Nẵng... Mùa mưa có nhiều ngày liền xe không thể lên, xuống được vì sông Voi không có cầu (mùa cạn thì xe lội qua sông, nước xâm xấp sàn xe) hoặc ngầm Đôi (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú - Hòa Vang) bị nước lũ nhấn chìm thêm dưới làn nước chảy ồ ạt, bọt trắng tung cao khi va vào những hòn đá tảng có rất nhiều dọc suối mà những ngày mùa hè là phong cảnh hữu tình rất ư thơ mộng...
Gần tròn 24 năm sau khi nghỉ làm việc áp tải thư báo tôi mới có dịp đi lại đường này, khi bạn Đặng Thưởng mời đi chơi một chuyến nhân dịp 100 ngày mất của cậu ruột bạn Thưởng, vào ngày 12/3/2015 nhằm ngày 22 tháng Giêng năm Ất Mùi. Thực ra chuyện đi lên vùng này đã được Thưởng đề cập cách đây vài năm rồi, nhưng vài lần Thưởng nhắn đi chơi thì tôi lại bận việc, rất là tiếc.