Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

ĐỌC BÁO


Báo Mỹ vạch trần danh sách ủng hộ giả mạo của Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông






 >> Tòa án quốc tế sẽ ra phán quyết vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông vào ngày 7/7
 >> Phán quyết của PCA ảnh hưởng thế nào đến tham vọng của Trung Quốc?



Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp trái phép một bãi đá ngầm ở Trường Sa (Ảnh: Reuters)
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp trái phép một bãi đá ngầm ở Trường Sa (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc đang sợ bị cô lập
Trung Quốc lớn tiếng thừa nhận rằng có khoảng 60 quốc gia ủng hộ lập trường của nước này trong vụ kiện của Philippines về Biển Đông, nhưng trên thực tế chỉ 8 nước lên tiếng và điều đáng nói là tất cả những nước này không hề liên quan gì tới Biển Đông.
Sự lên tiếng bất ngờ của Lesotho và các quốc gia nhỏ hơn nằm cách xa châu Á là sản phẩm của một chiến dịch vận động hành lang mà Trung Quốc thực hiện nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của Trung Quốc, chỉ 8 quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh nhằm tẩy chay phán quyết của tòa. Theo các tuyên bố chính thức do Thời báo Phố Wall và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington ghi nhận, đó là các quốc gia: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.
Vào tháng 1/2013, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan theo Công ước luật biển 1982 nhằm phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện vào ngày 7/7 tới.
Điều nực cười là ít nhất 5 quốc gia có tên trong danh sách khoảng 60 nước mà Trung Quốc đưa ra đã thẳng thừng bác bỏ việc ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có 2 thành viên thuộc liên minh châu Âu.
Đối với một nước mà từ lâu vẫn lớn tiếng chỉ trích Mỹ “quốc tế hóa” tranh chấp ở Biển Đông, cuộc vận động hành lang cho thấy những lo ngại ngày càng gia tăng tại Trung Quốc rằng phán quyết của PCA, mà có thể được thực thi thông qua sức ép quốc tế, có thể khiến Bắc Kinh bị cô lập.
Kết quả không như mong đợi của chiến dịch cũng chứng tỏ những hạn chế về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, dù là những quốc gia đang rất “khát” tiền đầu tư.
Trung Quốc khăng khăng nói rằng nước này không thừa nhận thẩm quyền của PCA và cũng tuyên bố không tuân thủ phán quyết của tòa trong vụ kiện do Philippines, một trong các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, khởi xướng.
Mỹ và các đồng minh, trong đó có nhóm G7, hồi tháng trước đã nhất trí hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ xây “tường thành tự cô lập” ở Biển Đông.
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cáo buộc Mỹ “bá quyền”, chỉ trích tòa án trong các bài viết trên báo chí trong nước và quốc tế, và công khai cảm ơn các quốc gia mà Bắc Kinh nói là ủng hộ mình.

Danh sách bịa đặt
Trung Quốc không công bố danh sách chính thức, nhưng Bộ Ngoại giao nước này hồi tháng trước nói rằng có trên 40 nước và báo chí nhà nước hồi tuần này đưa ra con số gần 60.
“So với 7 hoặc 8 nước, con số này đã cho thấy quy mô”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 14/6 cho hay. Ông này còn cáo buộc các quốc gia ngoài khu vực phóng đại tranh chấp.
Bắc Kinh còn nói rằng nhiều quốc gia Ả-rập đã bày tỏ sự ủng hộ trong một “Tuyên bố Doha” tại một cuộc họp ở Qatar hồi tháng trước. Nhưng kỳ lạ là tuyên bố không được công khai, và cả giới chức Trung Quốc và Qatar đều không thể đưa ra một văn bản nào để chứng minh. Một quan chức Trung Quốc thì thanh minh rằng văn bản đang được phiên dịch.
Nga, một cường quốc có tên trong danh sách của Trung Quốc, cũng nhất trí rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không nên bị quốc tế tranh chấp, nhưng cũng không công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện.
Chuyên gia Greg Poling, từ Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS, cho hay nhiều quốc gia dường như không muốn công khai mâu thuẫn với Trung Quốc. “Nhưng rốt cuộc, năng lực của Trung Quốc nhằm câu kéo một phản đề thuyết phục và lôi kéo các quốc gia khác vào đó sẽ cho thấy Bắc Kinh đang phải chịu sức ép ra sao”.

Các nước phản ứng
Trong số các quốc gia lên tiếng tuyên bố không ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vụ kiện Biển Đông có Ba Lan, một quốc gia thành viên của EU, khối vốn ủng hộ tiến trình của vụ kiện.
Giới chức Ba Lan đã giận dữ hồi tháng 4 khi Trung Quốc bất ngờ đưa ra một tuyên bố mà chưa được cả hai nước nhất trí sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước. Tuyên bố nói rằng Ba Lan ủng hộ chính sách của Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp “thông qua đối thoại và tham vấn”, nhưng không đề cập tới phiên tòa.
Tuyên bố “không phản ánh đúng lập trường của Ba Lan về vấn đề Biển Đông, vốn đã được truyền đạt tới phía Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết. “Lập trường đó vẫn không đổi và phù hợp với chính sách của cả khối EU”.
Slovenia, một quốc gia thành viên EU khác, và đất nước vùng Balkan Bosnia và Herzegovina cũng phủ nhận các tuyên bố chính thức của Trung Quốc rằng nước này ủng hộ Bắc Kinh về phiên tòa.
Bất ngờ nhất có lẽ là việc Trung Quốc gặp rắc rối trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia nhỏ hơn mà nước này cung cấp các khoản viện trợ và đầu tư lớn. Hồi tháng 4, Fiji đã bác bỏ một bài viết trên báo chí nhà nước của Trung Quốc rằng Fiji ủng hộ Bắc Kinh ở Biển Đông.
Và khi Trung Quốc thông báo hồi tháng 4 về một “sự đồng thuận quan trọng với Lào, Campuchia và Brunei về Biển Đông, ba nước này không hề đưa ra tuyên bố nào. Giới chức Lào và Brunei từ chối bình luận, trong khi một phát ngôn viên chính phủ Campuchia đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này đã đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc. “Chúng tôi không thay đổi lập trường”, ông nói.

An Bình