Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

CÓ CÒN BÁT NƯỚC CHÈ TƯƠI MAI NÀY




(Cadn.com.vn) - Bên bờ sông Hoài hiền hòa, trước cổng chợ Hội An, 37 năm qua, luôn hiện diện một gánh nước chè tươi của người đàn bà giờ đã ở tuổi xế chiều. Với từng bát nước chè, bà vẫn mong từng ngày giữ lại những nét truyền thống của phố cổ này, trước khi...

37 NĂM 1 GÁNH NƯỚC CHÈ...
Cụ tên Lê Thị Sen, năm nay 82 tuổi. Cứ đến cổng chợ Hội An là bắt gặp cụ, đội nón lá, bên gánh nước chè nhỏ, chiếc bàn cũng nhỏ và những chiếc bát đất.    Vừa rót bát nước chè còn hôi hổi nóng đưa cho khách, cụ Sen vừa móm mém nhai trầu, nhìn ra dòng người qua lại trước mặt. Cụ bảo, mưa gió thế này thì người ta ít uống nước chè lắm. Từ trưa đến chiều, chúng tôi là những người uống đầu tiên.
Cụ Sen lấy chồng về P. Sơn Phong, Hội An đã được hơn 60 năm. Hồi mới về nhà chồng, gia đình cũng gieo neo, cụ thân gái dặm trường quang gánh ruổi rong qua các vùng buôn bán để mưu sinh nuôi con phụ chồng. Sau ngày giải phóng, khi gần 50 tuổi, yếu sức, các con  cũng đã lớn, nên cụ quyết định mở một gánh nước chè gánh đi “đổi” ở chợ. Cụ bảo dân Quảng Nam gọi là “đổi nước” chứ không phải là “bán nước”. Vốn không bao nhiêu, lời cũng chẳng thấm vào đâu, nhưng vui và thanh thản.
Từ đó, hằng ngày, cứ 3 giờ sáng là cụ Sen chuẩn bị tất cả mọi thứ, gánh nước ra chợ. Cụ ở lại luôn trưa, ăn qua quýt gì đó rồi chiều bán tiếp. Khoảng 4 giờ chiều, cụ về. Cứ vậy, ngày tháng thấm thoắt trôi qua, đã ngót 37 năm, cụ đã quen mặt với những thế hệ người đi chợ và cũng có hàng vài trăm khách hàng uống nước quen. Điều đó làm cụ rất vui.

Cụ Sen với gánh nước chè trước chợ Hội An. 

“Ngó rứa mà vui lắm. Tui ngồi ở đây, bà con đi qua, mỗi người hỏi một tiếng. Có người uống miết thành quen, uống ít uống nhiều, uống mấy bát tui đều nhớ hết. Chỉ cần họ ngồi vào ghế là tui múc y như ý liền. Được cái bà con đi chợ ai cũng vào uống. Có bao nhiêu đâu. Hồi trước, tui đổi 200 đồng, rồi 500 đồng, giờ thì 1.000 đồng 1 bát nước chè. Mọi người uống vui là chính. Mình cũng thấy vui. Bởi cả cái chợ ni, và cả Hội An chừ còn lại mấy người đổi nước chè như tui lắm”- cụ Sen cười đôn hậu.

Một khách hàng quen của cụ Sen. 

VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ...
Trong câu chuyện của mình, cụ Sen còn hồ hởi kể về những người khách xa tới, uống nước chè tươi của cụ. Những du khách từ Hà Nội vào hay ngồi chỗ gánh nước, bảo rằng ngoài ấy đi đâu chỉ cần ra ngõ là chạm mặt những hàng nước chè, càng vào Nam thì rất khó tìm ra. Bà với gánh nước chè làm họ thấy gần gũi hơn với quê nhà, với nơi họ ở. Những người khách ấy còn bảo nước chè bà Sen có vị ngon, và đậm đà hơn vị nước chè ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc. Không biết họ nói thật lòng hay khen cho phải phép, nhưng bà thấy vui lắm...
Còn những vị khách Tây lần đầu cầm vào bát nước chè, không biết cầm sao, uống sao. Với lại, họ thấy những chiếc bát đất nung sơ sài kiểu ở các làng quê Việt mấy chục năm về trước nên ngại. Phải rất khó khăn, với vốn tiếng Anh ít ỏi, cụ mới giới thiệu được và mời được khách cũng như hướng dẫn họ uống. Nhưng khi đã thích thì họ chụp hình, tìm cách hỏi chuyện và rất hay ghé lại. Cụ Sen kể, có cô gái người Úc mới 20 tuổi còn tình nguyện bán nước chè cùng bà suốt 3 ngày liên tiếp, chỉ dành thời gian buổi tối để đi tham quan phố cổ.
Giờ, mỗi ngày Cụ Sen thu nhập từ gánh nước bình quân khoảng 60 nghìn đồng, tạm đủ khi mà con cháu bà đã ổn định cơ ngơi. Nhưng trong lòng bà Sen lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo. “Chừ chú coi, có mấy ai ở phố, thậm chí ở quê còn giữ cái lệ nấu nồi nước chè và uống. Tui thực sự đã cảm thấy yếu từ mấy năm trước, nhưng chừ bỏ gánh nước chè thì thấy không nỡ. Những người đổi nước đã chuyển nghề hoặc đổi sang bán Trà Xanh 0 độ, nước khoáng, sinh tố... Có chăng còn ai giữ được thì họ cũng làm sơ sài cho có. Riêng tui, tui làm kỹ lắm. Từ việc chọn lá chè, đến nước, đến việc nấu sao cho nước chè ở độ vừa phải, không quá chát, không quá đắng, càng không quá nhạt. Nước thì lấy ở giếng Bá Lễ. Đó mới là cái khó của việc nấu nước chè tươi...” - cụ Sen bày tỏ.
Đã 82 tuổi, nên giờ, mỗi sáng, con cháu bà gánh giúp gánh nước ra chợ rồi về, chiều lại ra gánh về. Thương bà, con cháu bảo nghỉ, rồi giấu cả nồi và quang gánh, nhưng hôm sau, bà lại ra chợ sắm thứ khác... Bà cứ sợ những bạn hàng quen không có nước chè uống...
Rồi đây, có ai sẽ giữ gìn, bảo lưu và tiếp nối nghề của cụ hay không? Chúng tôi không dám chắc...
Thành Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời quý bạn vào đọc trang này cho nhận xét về các bài đăng hoặc khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn. Cảm ơn các bạn.
Trần Ngộ