Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

RĂNG MÀ LẠ RI HÈ?


Yêu cầu Trung Quốc không cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam

(Dân trí) - Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam.”


Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập Đài phát thanh và truyền hình “Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”; cử Biên đội tàu Hải Giám 83 cùng trực thăng Hải giám B - 7103 và các tàu Hải Giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này, và mới đây nhất là cử tàu khảo sát khoa học nghề cá “Nam Phong” đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước những sự việc trên, ngày 19/3/2013, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia nêu rõ:

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam.”, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia nhấn mạnh.

TTXVN
________________________________________________________________________________ 

Bài báo trên đây tui đọc ở báo mạng Dân Trí, đăng lại từ Thông tấn xã VN. Đọc xong, là dân Quảng Nam, tui có mấy ý théc méc như ri:

1- Yêu cầu trên đây răng mà do đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia (UBBGQG) 
    đưa ra, thay vì ít nhứt cũng phải là phát ngôn nhơn của Bộ Ngoại giao, 
    người có tư cách đại diện quốc gia, mới đúng thông lệ quốc tế chớ? Thông 
    thường, theo tui hiểu, những việc "quốc gia đại sự" như rứa được thực hiện 
    bởi Bộ Ngoại giao mới đúng chức trách, hè?  

2- Đại diện UBBGQG nói với tư cách chi đây hè? Hay là ông/bà này kiêm nhiệm 
    vai trò "người phát ngôn" cho Bộ Ngoại giao VN?   
    
3- Nếu thay mặt chính phủ thì yêu cầu ni có gởi cho chính phủ TQ không?   
    Hay chỉ núa để TTXVN đeng bố trong nước thôi? Nếu có gởi thì gởi cho cơ   
    quan mô của TQ? Các nước khác đã có tiền lệ tương tự chưa?

4- Phía TQ, nếu có nhận được yêu cầu này, họ có nghĩa vụ phải trả lời cho  
    VN hay không?

5- Việc vi phạm lãnh hải VN của TQ đã xãy ra lâu rồi, rất nhiều lần rồi. Hồi ông   
    Lê Dũng còn là phát ngôn nhơn của Bộ Ngoại giao rồi tới bà Phương Nga, 
    đã từng tuyên bố, yêu cầu y chang như rứa mà rồi phía TQ vẫn vi phạm tái  
    đi tái lại hùa!Tất nhiên là ông Dũng rồi Nga lại cứ... núa hùa (là nói 
    hoài, nói miết thôi... cũng chừng nớ chữ!). Lần ni không biết TQ có dốm tứa 
    phộm không hè?

    Théc méc cho zui rứa thôi, kiểu như mấy ca sĩ hát giọng Quảng đó mà, 
    nghe cho zui mà thôi, xin đừng la "chửi cha không bằng pha tiếng" nghe, vì       
    như đã nói, tui là dân Quảng Nam mà!  
        
    Nhưng ai biết cũng xin giải đáp dùm cho tui với hỉ! Xin cảm ơn nhiều.
_________________________________________________________________

Phụ lục 1 - Xin mời nghe1 album của ca sĩ Ánh Tuyết hát giọng Quảng Nam
                một số ca khúc dòng boléro của những nhạc sĩ vang bóng một thời.
                Trước khi Bấm vào đây để nghemời xem 1 trích đoạn ngắn nói 
                về việc hát giọng Quảng của Ánh Tuyết:


Hát để yêu hơn tiếng Quảng

Là người con của xứ Quảng, Ánh Tuyết nói về “giọng Quảng” trong dòng chảy thời gian và không gian đầy trăn trở: “Không biết tại reng (tại sao) mà đi đến bất cứ nơi đâu, mọi người hễ nghe tiếng Quảng là châm chọc, nhái giọng như một trò đùa. Thật ra, giọng Quảng cũng như giọng Bắc, giọng Huế hay bất kỳ giọng nói ở vùng miền nào khác, nó cũng có những cái hay riêng mà chúng ta phải biết tự hào, gìn giữ. Tôi nghe giọng Quảng còn thấy tội tội, thương thương, có vị mặn, vị đậm và chân thành như chính con người Quảng Nam vậy. Tôi muốn phá tan đi cái rào cản mà khi nghe giọng Quảng lại cười, lại chế giễu, thay vào đó, qua âm nhạc bằng tiếng Quảng, họ sẽ hiểu, yêu tiếng Quảng – cái xứ sở “chưa mưa đõa (đã) thấm, rượu Hồng Đồ (Đào) chưa nhám đõa sa (chưa nhấm đã say)”.

Trước đây, một số ca khúc trong album được đưa lên mạng, bên cạnh những sự ngạc nhiên, khen ngợi thì cũng không ít ý chê Ánh Tuyết đang cố gắng chọc cười bằng lối phát âm “ăn cục nói hòn” của người Quảng Nam nhưng chị vẫn quyết định phát hành album. Bởi đây chính là sản phẩm đầy tâm huyết của chị, với mong muốn bảo tồn văn hóa trong giọng nói. Hơn nữa, Hội An đang phát triển du lịch, nhiều du khách tới đây không hiểu tiếng Quảng buộc người dân địa phương phải dùng tiếng khác để giao tiếp, như thế thì một ngày nào đó tiếng Quảng Nam sẽ mai một và dần mất đi. Ánh Tuyết muốn mọi người nghe những bài hát bằng tiếng Quảng để hiểu tiếng Quảng trước khi đến với vùng đất và con người nơi đây.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng: “Ý tưởng hát giọng Quảng bằng chính giọng vùng miền của Ánh Tuyết là một ý tưởng độc đáo, mới lạ. Đó không phải là sự đùa cợt, pha giọng hay giả giọng nào cả nên tạo cho người nghe một cảm giác thú vị. Phải nói Ánh Tuyết là người rất thông minh, hài hước và ngộ nghĩnh khi chọn cách thể hiện ca khúc như vậy. Sau cái cảm giác buồn cười ban đầu, ta thấy được sự nghiêm chỉnh, cái đẹp trong việc hòa âm, phối khí của cô”.

Ánh Tuyết cho biết sắp tới, chị sẽ làm một album gồm các ca khúc viết về Quảng Nam như: Quảng Nam yêu thương (Phan Huỳnh Điểu), Tiếng hò trên hồ nước Phú Ninh (Lư Nhất Vũ), Thương em chín đợi mười chờ (Minh Đức)… cũng sẽ được hát với giọng Quảng… Tất cả là món quà đặc biệt mà chị dành cho người dân xứ Quảng, như chị bày tỏ, để trả nợ ân tình cho mảnh đất nơi mình đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

MINH NGA

Phụ lục 2 - Xin mời coi một bài nói về nền ngoại giao VN của tác giả LÊ MAI  
                đăng trên blog của ông, được viết vào tháng 10 năm 2010. Thú 
                thiệt là tui không biết giao thiệp trong ngữ cảnh này là làm cái 
                chi? Nói theo kiểu... "đương đại" là biết chết liền!
                        Xem Nguồn chính ở đây

Một thời đại trong ngoại giao


Chúng ta đã từng nghe rất nhiều những câu chuyện ngoại giao lý thú. Nói đến ngoại giao của thế giới, chúng ta liến nghĩ ngay đến Tiến sỹ Kissinger, Thủ tướng TQ Chu Ân Lai, Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtôp thời Xtalin và Gromưcô thời Bregiơnép…Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng chứng minh được tài ngoại giao khéo léo của mình: Hồ Chí Minh, Xtalin, Hitler, Nichxon, Bush…Không hiếm những câu chuyện ngoại giao độc đáo, thông minh, trí tuệ hơn người gắn liền với tên tuổi của họ. Một thời đại ngoại giao ngay trong những cuộc chiến tranh tàn khốc, những mối quan hệ lắt léo gắn với ý thức hệ. Trong không gian chính trị thế giới đó, ngoại giao vẫn chứng tỏ được vị thế riêng có của nó. Hiển nhiên, ngoại giao có vai trò to lớn và kết quả mà nó đưa lại không nhỏ cho mỗi quốc gia.
Đặc điểm nổi bật của ngoại giao thời đó có lẽ là tính trí tuệ được diễn đạt hết sức tinh tế. Các vấn đề ngoại giao được nhìn, phân tích với góc độ rất trí tuệ. Đối thoại cực hay, thú vị. Ngôn ngôn ngữ rất đa dạng, phong phú, trau chuốt, đầy ngụ ý, biểu cảm. Nghiên cứu lịch sử ngoại giao thế giới thật thú vị.
Ngoại giao VN lại càng gần gũi với chúng ta. Giữa muôn vàn hiểm nguy cho nước cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Hồ Chí Minh vẫn đi Pháp bốn tháng nhằm tìm kiếm cơ hội hòa bình. Hiệp định sơ bộ 6.3, Tạm ước 14.9 là những sáng tạo tài tình của nhà ngoại giao Hồ Chí Minh. Ông đã tìm ra được chữ “tự do”: nước VN tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Thế là người Pháp đồng ý ký!
Thế nhưng, ngày 19.12.1946, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bùng nổ. Tháng 5.1947, ông Hồ Chí Minh gặp Pôn Muýt, cố vấn chính trị của Lơcle trong một ngôi nhà duy nhất còn sót lại giữa Thị xã Thái Nguyên.
Pôn Muýt:
- Để thực hiện cuộc ngừng bắn, Cao ủy Pháp ở Đông Dương xin nêu với Chủ tịch bốn điều kiện: Thứ nhất, quân đội VN phải nộp vũ khí cho Pháp. Thứ hai, quân đội Pháp được quyền tự do đi lại trên đất nước Việt Nam. Thứ ba, Chính phủ VN phải trả lại cho Pháp tất cả những người bị bắt. Thứ tư, Chính phủ VN phải trao trả cho Pháp tất cả những người nước ngoài đã chạy sang phía VN.
Hồ Chí Minh:
- Những điều kiện ông Bôlae đưa ra là đòi chúng tôi phải đầu hàng! Ông Pôn Muýt, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không? Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận những điều kiện như vậy.
- Thưa Chủ tịch, như vậy là chiến tranh vẫn tiếp diễn?
- Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào! Mà phải là hòa bình trong độc lập, tự do.
- Thưa Chủ tịch, chúc Người lòng dũng cảm.
- Tất nhiên, bao giờ cũng như vậy.
Hòa bình trong độc lập, tự do – tôi nghĩ, đó là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Ông Hồ đã tận dụng bất cứ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất, nhằm tránh chiến tranh, vì ai cũng biết, chiến tranh tàn khốc như thế nào. Nhưng, Hồ Chí Minh không bao giờ hèn mạt chấp nhận những yêu sách vô lý của đối phương.
Đến đây, chúng ta điểm qua ngoại giao VN trong thời đại mới. Gần đây, ngoại giao VN nổi lên một đặc điểm lớn, đó là nền ngoại giao giao thiệp” - với TQ.
- Việc TQ bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa: “Từ đó đến nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía TQ về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh”.
- Việc TQ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn: “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau và bày tỏ ý kiến chính thức của Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nói trên”
- Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông: “Phía Việt Nam tiến hành giao thiệp ngoại giao phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc”.
Thật là một nền ngoại giao kỳ lạ, chưa từng có trên thế giới. Và ông cha ta lại càng không bao giờ làm như vậy. Các ông Vua ngày xưa lo nhất là nhục quốc thể. Trả lời chậm: nhục quốc thể. Không lý giải nổi một câu đố của sứ thần họ: nhục quốc thể. Đối đáp kém với họ: nhục quốc thể. Rụt rè không thể gọi là ngoại giao được. Lịch sử dân tộc ta không hiếm những sứ thần sang TQ, đối đáp sắc bén, khí phách hiên ngang, đầy tự hào dân tộc đã làm các hoàng đế TQ dù tức giận nhưng vẫn phải vì nể. Lịch sử cũng cho thấy, dù có tự nguyện làm nô lệ thì có bao giờ người chủ coi trọng nô lệ đâu!
Cùng thời điểm, cùng sự kiện tương tự, nước Nhật đã hành động như thế nào trước những yêu sách ngang ngược của TQ, chúng ta đều đã rõ. Hai quốc gia, hai lãnh đạo, hai ứng xử, hai thái độ và dĩ nhiên, hai kết quả trái ngược nhau.
Để kết thúc, ta hãy đọc lại câu đối của sứ thần Mạc Đĩnh Chi với vua Nguyên.
- Nhật: Hỏa, vân: Yên, bạch đản thiêu tàn ngọc thỏ
(Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).
Ấy là vua Nguyên kiêu căng, tự coi mình là mặt trời và coi Đại Việt như mặt trăng, ban ngày phải bị mặt trời thôn tính.
Nguyệt: Cung, tinh: đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô
(Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi mặt trời).
Vế đối đầy khí phách của sứ thần Đại Việt làm vua Nguyên thán phục. Thế thì, hỡi những nhà ngoại giao “giao thiệp”, các vị có còn nhớ đến tiền nhân?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời quý bạn vào đọc trang này cho nhận xét về các bài đăng hoặc khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn. Cảm ơn các bạn.
Trần Ngộ