Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

THỔ ÂM, THỔ NGỮ QUẢNG NAM (2)

(tiếp theo phần 1)


Tiếng Quảng Nam là vậy. Người Quảng Nam là vậy. Cho dù bây giờ không ít từ nếu muốn hiểu cần phải có… "phiên dịch", nhưng tôi trộm nghĩ rằng, đã có một thời gian dài, rất dài giọng nói Quảng Nam được xem là "chuẩn"!

Nghe cứ như đùa?! Suy nghĩ trên không phải không có cơ sở. 

Ngược dòng lịch sử, ta thấy Quảng Nam có thời kỳ còn được doanh nhân nước ngoài khi giao thương buôn bán ở Đàng Trong gọi "Quảng Nam quốc". Lý do của sự ra đời của tên gọi ta đã biết, không nhắc lại. Thế thì khi giao thiệp, người nước ngoài ắt phải bắt chước theo giọng nói, cách nói của cư dân địa phương. Đây là một lẽ hiển nhiên. Một sự tác động hoàn toàn toàn lô-gich, chứ không phải là sự suy luận lúc “trà dư tửu hậu”. Nay ta cứ nghe người Nga nói tiếng Việt thì rõ, hầu hết đều phát âm theo giọng Hà Nội, bởi họ được học với người Hà Nội. Đơn giản thế thôi. Với lập luận này, tôi ngờ rằng, ngay cả các chúa Nguyễn khi đóng dinh trấn tại Quảng Nam thì giọng nói cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong thổ, khí hậu… nơi đây. Dấu ấn của giọng Quảng không chỉ có trong thời chúa Nguyễn, mà đến cuối triều Nguyễn nó vẫn còn giữ một vị trí quan trọng. Theo PGS Vương Hữu Lễ (Khoa Văn Đại học Khoa học Huế): "Ngay trong thời kỳ cuối của triều Nguyễn, người ta còn thấy trong những tuyên cáo hay xướng lễ của triều đình, tiếng Huế phải pha thêm giọng Quảng thì mới thích dụng” (Kỷ yếu hội thảo Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng - Sở VHTTQN ấn hành năm 2001, tr. 504). 
Thông tin này đáng tin cậy khi mà ta biết thêm rằng, chính vua Tự Đức từng khẳng định: "Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh".

... Nhân đây cũng xin được nhắc luôn thể đến thành ngữ Quảng Nam, nhắc lại kẻo quên như: Láo quá Trùm Cư, Ngang như ông Hoành, Chàng hãng như bà Quảng bán dưa, Giàu như Cai Nghi, Ngang như Sứ Sạc (Charle?), Nhớp như lồi... Ủa sao lại gọi “nhớp như lồi”? Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như thế, vì thuở nhỏ mỗi lần đi chợ về, thấy tôi chơi ngoài ngõ là mẹ tôi thường kéo tôi vào nhà la (mắng): “Trời! Mi nhớp như lồi. Ra sau nhà tắm mau!”. Ai trong đời cũng được mẹ mắng như thế, đến lúc tuổi trời đã xa, bùi ngùi nhớ lại thì trong lòng lại rưng rưng, cảm động...

Thế nào nào “lồi”? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, “Lồi” là “người Lồi” và ông đã giải thích như sau: 
“Tôi thấy ở Thừa Thiên, Quảng Nam, ngày trước lễ cúng tá thổ thường cử hành trọng thể. Tá thổ là thuê, mướn đất... Lễ này của đại giáo, các phù thủy giữ vai trò liên lạc với người khuất mặt bằng những lối riêng để đạt những yêu cầu nào đó của người sống. Lễ tá thổ sở dĩ có vì hai lý do: để an ủi tiền dân vì đã mất đất đứng và để xin tiền dân đừng vì cơn phẫn nộ truyền kiếp mà khuấy phá kẻ hậu sinh. Trong các văn tế từ Thừa Thiên (tôi chưa khảo sát những vùng khác) vào Quảng Nam, dù lời văn có khác nhau, song đại ý đều chỉ đối tượng đầu tiên là: “Chủ Ngung, Man Nương”, rồi tiếp theo lời khấn vái các cô hồn khác:
Lồi, Lạc thương vong
Chàm, Chợ, Mọi rợ
Đăng chủ hương hồn
Đồng lai cộng hưởng...

Từ Lồi phổ biến đến nỗi những di tích cũ của Chàm, dù thành, quách, tượng... cũng bị Lồi hóa. Thành đất ở Quảng Trị, Huế và Quảng Nam, gần Túy Loan (Đại Lộc hiện nay vẫn còn di tích) đều được gọi là thành Lồi. Bà Thiên Y A Na, trong các văn tế cũ (chẳng hạn làng Phước Ninh- Đà Nẵng) cũng gọi là Lồi Phi phu nhân. Một số tượng nơi này, nơi nọ cũng gọi tượng Bà Lồi.
Vậy Lồi là một sắc dân có thật, không phải là Chàm, chỉ bị người sau vì thói quen nên đồng hóa với Chàm. Văn tế minh xác điều ấy, không lầm lẫn được” (xem Địa chí Đại Lộc, tr.18).

Như thế, trên đất Quảng Nam xưa, không phải người Chăm là chủ nhân đầu tiên mà còn có những sắc dân khác nữa - như Lồi, Lạc - tạo nên lịch sử vùng đất này.

Còn cách giải thích nào không? Tất nhiên là còn. Tìm đọc trong tập Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue) tập X năm 1923, tôi thấy có bài “Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam” của bác sĩ người Pháp A.Salles. Trong đó, tác giả cũng có cách lý giải rằng: “Lồi” có nghĩa là mọc từ đất, nhưng lại ứng dụng vào rất nhiều sự vật thông thường liên quan với một kỷ niệm Chàm. Ta có thể căn cứ vào điều này để chứng minh các định nghĩa thứ hai của Gabriel trong từ điển của ông: “Người Lồi” là người của nước Cham-pa, có được không? Tại Quảng Nam, tôi không hề thấy tiếng gọi tên này được vận dụng trực tiếp cho người đã bị mai một, nhưng tôi nghĩ rằng đối với người An Nam, ý tưởng nằm trong định nghĩa này là nhắm vào đồ vật và nơi chốn. Họ gọi thành Lồi để chỉ các hào lũy phòng thủ xưa kia của người Chàm. Một địa điểm xưa kia được gọi là “cồn lồi”, một địa điểm khác xưa kia có cây mít to, được gọi là “mít lồi” và đây là một địa điểm rộng có nhiều gạch cho thấy một công trình xây đắp bị đổ nát”.

Tất nhiên, tôi vẫn chọn lấy cách giải thích của ông Nguyễn Văn Xuân, nhưng vẫn nêu thêm ý kiến này để bạn đọc rộng đường tham khảo.
Xin được nhắc lại, bàn về giọng nói, tiếng nói Quảng Nam là một chuyên đề lớn. Trên đây chỉ mới là những suy nghĩ bất chợt và được trình bày trong tâm thế của một người con xa quê khi gặp lại đồng hương tại quê người mà có lần tôi tự nhủ:
Hồn quê ở tận đâu đâu
Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà
Ở gần đây chứ đâu xa
Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi

Chúng ta từng thấy Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh đã làm Từ điển tiếng Nghệ (NXB Nghệ An, 1998), Bùi Minh Đức làm Từ điển tiếng Huế (NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. xuất bản năm 2004), Nguyễn Văn Ái chủ biên Phương ngữ Nam bộ  Biết đến bao giờ mới có người Quảng Nam đứng ra làm quyển Từ điển tiếng Quảng Nam?

***

“Quảng Nam hay cãi”. Thành ngữ này chính xác đến độ không cần phải… bàn cãi gì nữa. Quả là khó giải thích cho rốt ráo. Không rõ từ bao giờ đã có câu nói lên tính cách:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định nằm co
Thừa Thiên ních hết

Lại còn có câu nói về tài năng của người dân mỗi tỉnh như:
Hát bội Quy Nhơn
Hầu đòn Quảng Ngãi
Thơ lại Quảng Nam
Hò khoan xứ Huế
hoặc:
Ai về Bình Định mà nghe
Nghe thơ chàng Lía, nghe vè Quảng Nam

Để làm nên sự “nổi tiếng” cho bệnh hay cãi còn là do tính cách bộc trực, nặng về lý trí của người Quảng Nam nữa. Khi cãi, người kia cho dù dần dần nhận ra mình cãi không đúng, đuối lý nhưng họ vẫn... quyết tâm cãi đến cùng! Vì thế, người này dù biết mình đang thắng thế, nhưng cũng khó mà thuyết buộc người kia chấp nhận lý lẽ của mình. Trong trường hợp này, ở Quảng Nam có một câu rất lạ để chê “đối phương” đang cãi với mình dù đuối lý mà vẫn gân cổ lên cãi là “cãi dóng”... Cũng có khi mình đang đuối lý, nhưng cũng quyết buông một câu xuôi xị “Cãi làm gì với cái đồ… cãi dóng đó”. Ta thấy gì? Cho dù thế nào đi nữa người Quảng vẫn cố vớt vát, chứ chưa chịu thua hẳn. Nói thế nhằm ngụ ý ta đây “không thèm chấp”, chứ nào phải thua đâu! Cứng đầu đến thế là cùng. Và cách nói lái ngộ nghĩnh ấy có thể khiến đôi bên bật ra tiếng cười để khép lại vấn đề đang tranh luận.

Đặt trong mối quan hệ chung của cộng đồng xã hội, có thể do hay cãi mà họ gặp phải nhiều trắc trở trên con đường hoạn lộ vì ở đời mấy ai chịu nghe, chịu chấp nhận người khác - nhất là người vai vế thấp - dám cãi lại mình!

Mà thói đời, muốn cãi cũng không phải dễ. Muốn cãi ít ra trong đầu phải có một lập luận nào đó để phản bác lại vấn đề người ta đang đặt ra. Muốn cãi thì phải có thông tin. Người Quảng Nam không thiếu thông tin. Họ sống trên một vùng đất trù phú từng được gọi “Quảng Nam quốc” nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin; được cập nhật thông tin qua sinh hoạt “trên thuyền dưới bến” nhộn nhịp suốt mấy thế kỷ. Một đặc điểm dễ nhận thấy trong khi cãi, người Quảng nặng về lý hơn về tình. Đây là một nhược điểm hay ưu điểm? Với họ, khi đã cãi thì yếu tố tình cảm ít khi có thể xen vào được. Vì thế, đôi khi đỏ mặt tía tai cãi nhau, để rồi sau đó, tự thâm tâm họ cảm thấy mình có điều gì chưa phải lắm. Lý không sai, nhưng tình đã “bay đi ít nhiều”. Điều này, cho thấy người Quảng ít uyển chuyển, mềm mỏng trong tranh luận, bởi họ quên rằng, có nhiều chuyện tưởng là đúng, cần phải gân cổ cãi cho bằng được, nhưng rồi “một bó lý không bằng một tí tình”. Ấy mới là sự vận hành trong các mối quan hệ xã hội, “tưởng vậy mà không phải vậy”. Người Quảng ít khi nghĩ như vậy. Họ thường rạch ròi mọi chuyện.

Có lần ông Mai Thúc Lân cho rằng: “Song tính cách Quảng Nam cũng không phải chỉ là ưu điểm. Mặt trái của tính cách Quảng Nam là vì hay cãi nên dễ dẫn đến cực đoan, bảo thủ; kiên quyết nhưng cũng dễ đưa đến khó dung hòa..."

Bất kỳ chuyện gì, người Quảng cũng có thể cãi. Ấy mới là tài. Ấy mới là giỏi. Ngay cả chuyện trai gái tình tứ, họ cũng… cãi cho bằng được. Ngày trước, các nho sinh thường ra Huế thi cử. Có người đùa:

Học trò trong Quảng ra thi
Thấy o gái Huế chân đi không đành

Đùa, nhưng ngụ ý là khen đấy thôi. Khen cho cái tính đa tình của cậu học trò chân đất, hiền lành như khoai như sắn và tất nhiên trong câu đùa đó cũng thấp thoáng cái ý khoe rằng gái Huế là đẹp. Thử hỏi, thấy gái đẹp thì ai không mê, không ngắm nhìn cho thỏa thuê con mắt? Có thể ngắm nhìn rồi quên đi trong thoáng chốc, nhưng cũng có thể tơ tưởng đến ngày sau. Chuyện cũng bình thường thôi. Thế nhưng, họ cũng cãi lại cho bằng được:

Học trò xứ Quảng ra thi
Mấy cô xứ Huế chân đi không đành

Chỉ thay đổi một chữ, nhưng ngữ nghĩa đã khác hẳn. Dường như cái máu “hay cãi” đã thường trực luân chuyển trong tâm thức của người Quảng. Người ta thường kháo với nhau cách trả lời “xóc hông” của con dân Ngũ Hành Sơn. Đại loại có người từ xa đến một vùng nọ, do mù mờ đường đi nước bước nên mới lễ phép hỏi:
- Thưa bác, có phải đường này dẫn lên Đèo Le không?
Thay vì gật hoặc lắc đầu và tận tình chỉ giúp người ta, thì câu trả lời “chướng” không chịu nổi:
- Chú mi nói chi lạ rứa? Đường này không đi đến Đèo Le thì đến đâu?

Chà! Thoạt nghe cách trả lời đó là đã thấy… “choáng”! Người hỏi "cứng họng”, ngắc ngứ không thể nói gì thêm được nữa dù có “tức cành hông”. Nói vậy thôi, chứ sau câu nói “ba gai” ấy, nếu thấy trời đã tối, đường lên đó khó khăn vì không có quán trọ tạm nghỉ qua đêm thì người chỉ đường sẵn sàng mời khách về nhà mình nghỉ để mai đi sớm! Đây là sự quảng đại, rộng rãi của người Quảng, họ tỏ ra quan tâm đến người khác cho dù mới gặp lần đầu.Phải liên hệ với vài mẩu chuyện khác thì may ra... mới có cách lý giải! Có chuyện buồn cười rằng, chàng trai nọ đang tán tỉnh cô gái, ngày nọ chàng đến thăm nhà. Không may, gặp cha của cô ta, vốn không thích chàng. Chà! Khó ăn khó nói quá. Sau khi gãi đầu ấp a ấp úng chàng đánh bạo:
- Thưa bác, X có ở nhà không?
- Nó không có nhà thì nó vô gia cư à?
Ma tha quỷ bắt cho cái lưỡi! Lại có chuyện, sáng sớm bước ra đường thấy bà cụ đang cắp nón đi chợ, ta lễ phép hỏi:
- Chào cụ, cụ đi chợ sớm rứa hè?
Không ngờ, bà cụ đáp ngon ơ:
- Chớ chẳng lẽ tao đi chơi?
Thật hết biết!

Rõ ràng, trước những câu hỏi mà họ cho là “lãng xẹt”, không đáng để hỏi, mà vẫn hỏi thì họ sẵn sàng bộc lộ ngay thái độ của mình. Thái độ ấy ít nhiều cho thấy người Quảng trực tính, “thẳng ruột ngựa”. Theo tôi, một trong những tính cách người Quảng là nóng tính. Nóng tính nên mới hay cãi. Cãi cho bằng được nếu thấy không hài lòng về sự việc đang diễn ra sờ sờ trước mắt. Một tính cách hình thành bao giờ cũng có “hai mặt của vấn đề”, nghĩa là vừa có lợi lẫn có hại cho người đó.

Mà cũng lạ, với tính cách người Quảng dù được khen, được ca ngợi nhưng nếu xét thấy không hợp tình hợp lý thì họ cũng… cãi!

Nhìn lại sự kiện “Ngũ phụng tề phi”, dù ca ngợi tinh thần hiếu học làm rạng danh đất Quảng Nam - nhưng Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vẫn lấy làm tiếc khi họ không để lại cho hậu thế một sự nghiệp chính trị, văn hóa, học thuật nào đáng kể. Cái sự “lấy làm tiếc” trong trường hợp này thiết tưởng chỉ có ở người Quảng Nam. Dù sự kiện trên làm rạng danh đất học xứ Quảng, làm sáng giá mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên nhưng họ vẫn chưa thật sự ưng ý. Họ vẫn đòi hỏi cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở đó. Phải có một bản lĩnh phi thường, họ mới dám đem cái danh xưng đáng tự hào kia ra thẩm định và bình luận. Nói rộng ra, tính cách của người Quảng Nam là muốn đi vào thực chất của sự việc, dù được khen nhưng nếu cảm thấy chưa thật sự xứng đáng với lời khen đó, thì họ cũng từ chối, cũng cãi cho bằng được. Chao ôi! Người Quảng thật bụng thật lòng (và thật thà) đến thế là cùng.

Mà đâu chỉ có chuyện này. Lâu nay, con dân xứ Quảng vẫn thường tự hào về tài cầm binh thao lược của Ông Ích Khiêm (1832- 1884) - người làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Nhiều nhà viết sử cho rằng, chính ông là người đã cha đẻ kế hoạch dùng trái mù u đánh Pháp! Điều này không sai, trong lời ăn tiếng nói của người Quảng còn nhớ:

Đà Nẵng, Sơn Trà, Miếu Bông, Cẩm Lệ
Chuyện trăm năm còn kể trận mù u
Hội ni ngó bộ không xong
Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng

Có lẽ chính vì thế, nhà nghiên cứu Lâm Quang Thự khẳng định “chắc nịch”: “Quân Pháp thường hành quân trên các nẻo đường làng. Biết quân Pháp thường mang giày dưới đế đóng đinh, Ông Ích Khiêm bèn ra lệnh cho dân chúng nhặt thật nhiều quả mù u, rồi cho quân mang theo những giỏ thật đầy mù u phục kích các ngã đường mà giặc hay đi qua. Khi quân Pháp kéo qua, quân ta đổ ra đánh, vừa đánh vừa chạy và rải quả mù u đầy đường. Quân Pháp đang đà đuổi theo quân ta thì giẫm phải quả mù u, trượt chân ngã lăn, quân ta xông vào diệt. Trong trận này, địch chết rất nhiều, máu nhuộm đầy đường”. 

Thoạt đọc qua, ta thấy cũng có lý lắm chứ. Tôi chưa thấy nhà sử học nào phản bác lại. Nhưng kỳ lạ thay, chính… người Quảng Nam không thuận tình, bèn… cãi!

Người trước nhất có lẽ là nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân, ông cương quyết bác bỏ lập luận về việc sử dụng mù u trong chiến thuật của Ông Ích Khiêm; kế đến nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô cũng cãi, nhưng có phần dè dặt hơn: “Theo suy luận lôgic của ngành Folklore học thì điều gì không có, chắc chắn sẽ không được nhân dân nhắc đến và lưu truyền. Dù sao, có lẽ trận mù u chắc không gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, nếu có thì họ đã ghi vào nhật ký “Chinh phục phương Đông” của mình rồi”.

Thật ra, sử dụng trái mù u trong tác chiến không phải “đặc quyền” của riêng người Quảng. Đến nay, đồng bào Nam bộ còn nhắc đến ông Lãnh binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng). Khoảng thời gian từ 1859 đến năm 1861 khi ông nhận trọng trách trấn thủ đồn Cây Mai ở đất Gia Định cũng nghĩ ra cách cho dân quân rải trái mù u dầy đặc trên mặt đường. Lúc xung trận, giặc Pháp do mang giày nên đã bị trượt té nháo nhào vì... chạy đạp trái mù u!

Với Ông Ích Khiêm, tôi luôn nghĩ là là một nhân vật “rặt Quảng”, là bậc tướng lĩnh xông pha trận mạc, từng lập nên nhiều chiến công hiển hách. Có giai thoại rằng, thuở ông còn là còn cậu học trò, tóc để chỏm, nhưng tính cách đã ương ngạnh. Hôm ấy, trưa nắng gắt. Con đường làng Phong Lệ xưa nay vốn yên tĩnh giấu mình dưới bóng tre, nay bỗng rợp cờ xí... Tiếng la hét inh ỏi của bọn lính lệ đang dọn đường cho quan Tổng đốc về làng. Thiên hạ nhốn nháo trước cảnh tượng ấy. Ai nấy đều khép nép đứng dậy khi đoàn của quan nghênh ngang đi qua. Quan chễm chệ trên võng đòn cong phủ điều, đầu che bốn lọng xanh. Lúc ấy, trong quán nước dưới bóng đa rợp mát cậu thiếu niên họ Ông vẫn cứ ngồi bình thản, xem như không có chuyện gì phải chú ý cả. Đã thế hai chân của chàng lại còn xỏ vào trong một chiếc giày rách! Khi nhìn thấy hình ảnh ngạo mạn vô lễ ấy, quan ngứa mắt, sai lính bắt hỏi. Chàng thưa là học trò, nghe vậy quan cũng nguôi giận. Nhưng nghiêm mặt bảo:

- Ừ, học trò thì thử đối lại câu đối của quan, nếu không thì bị đánh đòn.
Vừa dứt lời, quan đọc luôn:
- Cắc cớ thay, hai chân xỏ một giày

Không một phút lúng túng, chàng ưỡn ngực đối lại:
- Sung sướng mấy, trên đầu che bốn lọng

Hay nhất là ở chỗ “Sung sướng mấy” cứ nghe như có lời châm chọc. Nhưng nghe vậy, quan vẫn phì cười, hào phóng thưởng cho mấy lạng bạc và khuyên nên cố gắng đèn sách. Và chàng học giỏi thật. Chỉ mới mười lăm xuân xanh đã thi đậu Cử nhân, khiến vua Thiệu Trị phải khen “Thiếu niên đăng cao khoa”.

Trên bước đường “báo đền ơn vua”, Ông Ích Khiêm nổi tiếng mưu lược, nhưng lại quá cương trực, nóng nẩy. Năm 1847, sau khi đậu Cử nhân, ông được bổ làm tri huyện Kim Thành (Hải Dương). Năm 1865, ông được cử làm Tiễu phủ sứ, có công đánh dẹp bọn cướp biển, bọn phỉ đang chọc trời khuấy nước ở biên giới phía Bắc - nên còn được gọi là Ông Tiễu. Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, dưới quyền chỉ huy của lão tướng Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm đã lập những chiến công oanh liệt để bảo vệ phòng tuyến Đà Nẵng. Dù lập nhiều chiến công, nhưng tính cách nóng nảy, “Quảng Nam hay cãi” vẫn không thay đổi. Chính vua Tự Đức đã từng nhận xét: “Ngươi vốn con người học thức mà ra, phải cái tính khí cương cường nóng nẩy, phàm việc không chịu ở người sau và vâng theo mệnh người...”.

Chính tính cách này đã giết Ông Ích Khiêm.
Một con người có tính cách gần như độc đoán, nói năng bộc trực ấy về cuối đời mới thấy rằng cứ sống “ngang như cua”, “ăn cục nói hòn” thì thật khó thành công ở đời, thậm chí còn mang họa vào thân. Khi bị đày vào nhà lao Bình Thuận, vì phe cánh trong triều tìm mọi cách ám hại, ông có viết bản di chúc, trong đó có đoạn thấm thía: “phải tuyệt đối theo lời di huấn của ta: Tự nghĩ từ nay về sau, các con phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, chớ xem nhẹ ngôn từ. Hãy lấy ta làm gương thì sẽ tránh được điều họa”.

Than ôi! Biết là vậy, ý thức là vậy, nhưng ai có thể thay được dòng máu của mình không?

Về sau, các con của ông như Ông Ích Kiềng, Ông Ích Thiện... cũng tiếp tục hào khí của cha, trước nạn ngoại xâm đã không “mũ ni che tai” mà tham gia phong trào Cần vương chống Pháp; các cháu nội của ông như Ông Ích Đường, Ông Ích Mắng... cũng tích cực tham gia cuộc chống sưu thuế vĩ đại nổ ra vào năm 1908 tại Đại Lộc (Quảng Nam) rồi lan rộng ra cả nước. Trong số các con cháu của ông, có lẽ đáng nể nhất là Ông Ích Đường. Khi bị giặc Pháp chém đầu ở chợ Túy Loan lúc mới 18 xuân, đã nói một câu nổi tiếng: “Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác sẽ nổi lên. Bao giờ hết mía mới hết Đường”. 
Câu nói khí phách này, khiến ta nhớ đến anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Nam bộ cũng từng khẳng định: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”!

Đó cũng là tính cách quyết liệt của danh tướng Ông Ích Khiêm vậy.

Trong nhà lao, Ông Ích Khiêm chọn thời khắc để chết là giờ Tý, ngày 19.7 năm Giáp Thìn. Cũng trong di chúc, ông đã chu đáo nghĩ đến lúc “Hài cốt của ta khi mang về, chọn nơi đồng bằng thoáng mát trong xã mà chôn, chớ không nên chôn vào hang núi và khi mang về trong vòng năm, ba ngày thì phải cử hành mai táng bình thường, không được chôn cất trọng thể, không những đã tốn của vô ích mà còn chuốc lấy tiếng cười chê và nỗi oán ghét của người đời nữa”.

Tính cách của người Quảng cũng thể hiện rõ ở lời dặn dò này. Việc làm cốt thiết thực, đúng thực chất, chứ không cần phải phô trương rình rang, tốn kém vô ích. Với việc “quan, hôn, tang tế”, sau này chí sĩ Phan Châu Trinh cũng hô hào “thực hiện nếp sống văn minh” không khác quan điểm của chúng ta ngày nay. Trong Tỉnh quốc hồn ca I viết năm 1907, làm tài liệu giảng dạy tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) có đoạn:

Chết rồi ma đám đành rành
Bày ra rước khách hành trình, phú trang
Thăm với phúng xem càng nườm nỡ
Chẳng qua là giấy nợ cho nhau
Làm ra năm lợn, mười trâu
Chẳng mong thần hưởng, chỉ cầu khách đông
Còn những chốn làng đông, xã cả
Cậy đón đưa ăn vạ, ăn tai
Đầu heo, nọng thịt, chả vai
Lệ làng, phép nọ bẻ bai trăm đường
Vậy lại cho là thương, là hiếu
Nghĩ mà coi, dính líu vào đâu
Làm cho hết ruộng, hết trâu
Một nhà chua xót, cả bầu no say

Không riêng gì người xứ Quảng mà tâm lý chung của người Việt cũng đều đồng tình với sự phê phán này.

LÊ MINH QUỐC
Trích sách "Người Qung Nam"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời quý bạn vào đọc trang này cho nhận xét về các bài đăng hoặc khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn. Cảm ơn các bạn.
Trần Ngộ