Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

THƯ CỦA HỌC SINH LỚP 4 VIỆT NAM GỬI LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC


Đọc được bài này trên báo Giáo Dục Việt Nam, xin đưa lại ở đây.

Rất hoan nghênh cách dạy Văn của cô giáo Đặng Nguyệt Anh trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Và hoan nghênh hơn với các cháu có bài văn tốt như thế này.

Tuy nhiên có điều không hiểu là các học sinh này có đúng là lớp 4 không? Vì trường THPT HN - Amsterdam trường là cấp 3 kia mà? Hay phóng viên hiểu nhầm tên lớp Trí Đức 4H2 như là lớp 4 thông thường ở bậc tiểu học?


Thư học sinh lớp 4 Việt Nam gửi lãnh đạo Trung Quốc

Thứ ba 02/04/2013 08:14
(GDVN) - "Thưa ông, nếu gia đình bị hại, ông có đau đớn không"; “Cháu nghĩ Trung Quốc chỉ muốn nói những gì sai sự thật”...
Trên đây là lời văn của em Trương Ánh Dương, học sinh Lớp Trí Đức 4H2 do cô Đặng Nguyệt Anh phụ trách. Cô Nguyệt Anh, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Hà Nội – Amsterdam vốn nổi tiếng với những đề văn khơi gợi tâm hồn, tình cảm, trí tưởng tượng, sáng tạo của học sinh. Chính các học trò của cô đã tạo nên những “hiện tượng văn lạ” làm nổi sóng dư luận trong một thời gian dài như: “Nghĩ về đồng tiền” của Nguyễn Trung Hiếu, “Ba ngày làm chuột” của Ngô Thùy Dương…
Trong buổi viết bài cuối tháng hôm 29/3/2013 tại Câu lạc bộ bồi dưỡng năng khiếu Văn của Lớp 4 Trí Đức,  cô Nguyệt Anh ra đề: “Nhập vai một em nhỏ có bố là thuyền viên trên chiếc tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị Trung Quốc bắn cháy ca-bin, con hãy viết một bức thư gửi nhà lãnh đạo Trung Quốc để bộc lộ những cảm xúc và ước mong”.
Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, cô Nguyệt Anh nói về buổi sinh hoạt hôm ấy: “Đầu tiên, tôi kể cho các em nghe về việc tàu cá nước mình bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca-bin mà báo chí đã đưa tin. Sau đó tôi giới thiệu cho các em biết nhà lãnh đạo Trung Quốc là ai và quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc lâu nay thế nào, gần đây vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra sao. Khi tôi kể chuyện, một số em tham gia khá sôi nổi vì các em đã được nghe trên các chương trình thời sự hoặc nghe bố mẹ nói chuyện. Sau đó, tôi đọc cho các em nghe bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Một đoạn trong bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc của em Trương Ánh Dương.

Các em lớp bốn còn nhỏ mà đã biết chăm chú lắng nghe trong niềm xúc động khiến tôi càng hào hứng hơn. Phần thời gian còn lại của buổi sinh hoạt, tôi để các em được hoàn toàn tự nhiên viết bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc theo suy nghĩ và trí tưởng tượng của các em. Khi thu bài, đọc qua một lượt, tôi thấy một số bài viết hơi gượng, hơi già dặn so với lứa tuổi do các em phải cố gắng nhập vai để viết về một vấn đề chính trị không hề dễ viết; một vài bài khác lại rất hồn nhiên, có chỗ còn vụng về. Nhưng bài nào cũng có một vài ý khá thú vị có chỗ các em viết khiến những người lớn như chúng ta cũng phải giật mình… 


Tôi nghĩ có lẽ chúng ta và cả ông cũng nên đọc một số lời các em đã viết, để biết thế hệ tương lai của Việt Nam nghĩ gì về đất nước mình và nước láng giềng Trung Quốc”.
Sau đây Giaoduc.net.vn xin đăng tải một trong nhiều bài viết của các em.
Kính gửi nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Thưa ông, bố cháu chính là một thuyền viên trên chiếc tàu đánh cá Việt Nam vừa bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca-bin. Cháu viết bức thư này kính gửi ông để bộc lộ những cảm xúc và ước mong của mình sau sự kiện đã làm cho cả nhà cháu rất buồn.
Trong những bản tin thời sự gần đây, cháu được nghe tin về một tấm bản đồ cổ mới được tìm thấy. Qua đó, mọi người biết rằng Trung Quốc không có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo ấy là của Việt Nam. Nhiều lần đọc trên báo, bố cháu kể rằng Trung Quốc đã tăng thêm tàu tuần tra trên Biển Đông, đặc biệt là đã dùng vũ khí và đe dọa. Cớ sao bố cháu và các chú bác làm trên tàu lại bị đe dọa, sao tàu của bố cháu lại bị bắn cháy, thưa ông? Bố cháu không làm gì sai cả, bố cháu chỉ đi đánh cá trên biển chủ quyền của Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Bây giờ có ai hại gia đình ông thì ông có thấy đau đớn không ạ?
Chiếc thuyền đó là mồ hôi, công sức của bố cháu và các thuyền viên. Từ lâu nhà cháu làm nghề đánh cá, bây giờ tàu cháy, không thể ra khơi được, nhà cháu bây giờ sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn. Người Việt Nam cháu yêu chuộng hòa bình, không bao giờ coi Trung Quốc là kẻ thù. Từ xưa, Trung Quốc đã thường xuyên tấn công xâm lược nước cháu. Ông có biết rằng đã có bao nhiêu người đã đổ máu vì chiến tranh không ?
Trung Quốc là một nước giàu mạnh, đáng lẽ phải bảo vệ Việt Nam, sao lại đi đánh nước yếu? Cháu nghĩ Trung Quốc chỉ muốn nói những gì sai sự thật. Cô giáo cháu kể: Trung Quốc tuyên bố Việt Nam là nước láng giềng tốt, theo phương châm “16 chữ vàng” đưa ra năm 1991 và theo tinh thần 4 tốt. Nhưng sự thật thì hiện tại Trung Quốc chỉ muốn khẳng định là họ sở hữu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Có đúng như vậy không, thưa ông?
Cháu nghĩ như thế thì người dân Trung Quốc nên nói ra sự thật, không cần nói những lời lẽ dối trá như vậy. Mong ông đừng xâm phạm chủ quyền của người dân Việt Nam. Cháu biết tất cả con người chúng ta sinh ra đèu muốn tốt đẹp nhưng chỉ vì lòng tham điều khiển mà làm việc xấu  thôi.
Cháu muốn thưa với ông rằng, tất cả những gì chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ đùm bọc lẫn nhau chứ không phải là xâm chiếm đất đai và của cải của nhau.
Thưa ông, nếu cháu nói có gì sai mong ông bỏ qua vì cháu chỉ nói những gì cháu biết và thấy. Cháu chúc ông luôn mạnh khỏe để lãnh đạo đất nước thật tốt.
Ký tên
Trương Ánh Dương.

“Hy vọng bác sẽ thu hồi tàu Hải giám, tàu Ngư chính về”
Cũng với đề văn này, em Ngô Thùy Dương đã có một cái kết đầy tính nhân văn và thể hiện đậm nét tinh thần hữu nghị của nhân dân Việt Nam. Ngô Thùy Dương chính là tác giả bài văn nhập vai “Ba ngày làm chuột” gây sốt trên mạng hồi cuối tháng 12/2012. Em viết:
“Cháu mong rằng, mai đây nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ sống trong sự hòa bình. Không còn vũ lực, không còn xâm chiếm. Trung Quốc sẽ dành cho Việt Nam những tình cảm hữu nghị như Việt Nam đã dành cho Trung Quốc. Mong rằng, sau khi đọc bức thư này của cháu, bác sẽ suy nghĩ lại và thu hồi các tàu Hải giám, tàu Ngư chính về. Kính chúc bác mạnh khỏe”.

Cháu, Ngô Thùy Dương.

Đức Giang




Ý kiến bạn đọc (31 ý kiến)

Sắp xếp theo: 
1. dani tran - 03/04/2013 15:31
Đọc lá thư của cháu tôi rất thích bởi lẽ cháu đã nói lên được sự thật trần trụi của những dã tâm vì đại hán và cũng toát lên được niềm mong mỏi của người dân đát việt là muốn sống hòa bình và làm bạn với tất cả các nước đặc biệt với đất nước trung hoa tươi đẹp và gần gũi.Bản thân tôi ngày bé cũng đã từng có tuổi thơ trên đất nước trung hoa đáng nhớ biết bao,gần gũi biết bao. Vậy cớ gì những nhà lãnh đạo đất nước này hiện tại chỉ thích gây hấn để đòi mấy đảo của không những của Việt nam và nhiều nước nữa ...Tôi tin rằng người dân trung hoa luôn mếm khách và sống rất quan tử sẽ không bao giờ có ý định đi xâm chiếm nước khác vì họ cũng đã có thời vô cùng cực khổ dưới ách ngoại xâm, và họ cũng tin rằng sự xâm lược trước sau cũng sẽ thất bại thảm hại. Tôi xin các nhà ngôn ngữ học của chúng ta hãy dịch cho sát ý ra các thứ tiếng của thế giới trong đó có tiếng Trung hoa . Kính mong không những ông Tập và hàng ngũ lãnh đạo diều hâu của Trung quốc nên dành thời gian đọc bức thư của cháu Trương Ánh Dương và hãy mong các ông trả lời một cháu bé học sinh cho toàn thế giới biết câu chuyện của cháu đúng hay sai và cách xử lý câu chuyện tranh chấp này theo hướng này hay theo hướng vũ trang. Nếu ông chọn hướng vũ trang thì dân đất Việt này đã đánh thắng Mỹ không phải bằng vũ khí hiện đại mà bằng cả trí tuệ anh hùng của người Việt nam sẽ lại một lần nữa đứng lên cầm súng bảo vệ đất nước thân yêu của mình. Mặt khác tôi cũng là người lính từng đã đánh mỹ cũng sẽ sẵn sàng tái ngũ để đánh bại những cái đàu nóng của đát nước Trung hoa,mặc dù tôi cũng rất yêu đất nước của các ông,nhưng các ông buộc tôi phải cấm súng để đánh trả một người bạn cũ. Nếu là các ông bắt buộc dân tộc này một lần nữa cầm súng thì Việt Nam chúng tôi đau xót lắm vì mất đi một người bạn sông liền sông núi liền núi,môi hở thì răng lạnh trong lúc ấy kẻ thù sẽ mỉm cười. Trước thế giới thì đất nước ông sẽ là đất nước viễn chinh đi thôn tính nhà người khác mà điều này đất nước các ông thường mạnh mẽ lên án. Trong xu thế thời đại vũ lực là thảm họa,hữu nghị là tương lai sáng lạn. Vậy kính mong các cái đầu nóng và hiếu chiến của đất nước Trung hoa cần có cái nhìn chiến lược thật thông thái và trượng phu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời quý bạn vào đọc trang này cho nhận xét về các bài đăng hoặc khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn. Cảm ơn các bạn.
Trần Ngộ