Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

TIẾNG VIỆT DỄ THƯƠNG

Tiếng Việt Dễ Thương

Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ (gọi là kỳ cọ)
Bắc gọi Lọ, Nam kêu Chai
Bắc Mang Thai, Nam Có Chửa
Nam Xẻ Nửa, Bắc Bổ Đôi

Ôi! Bắc quở gầy, Nam than ốm
Bắc Cáo Ốm, Nam Khai Bịnh
Bắc định đến Muộn, Nam liền la Trễ
Nam mần Sơ Sơ, Bắc nàm "Nấy Nệ"

Bắc Lệ Tuôn Trào , Nam Chảy Nước Mắt
Nam bắc Vạc tre , Bắc kê Lều chõng
Bắc nói trổng Thế Thôi , Nam bâng quơ Vậy Đó
Bắc đan cái Rọ , Nam làm giỏ Tre,

Nam không nghe Nói Dai , Bắc chẳng mê Lải Nhải
Nam Cãi bai bãi , Bắc Lý Sự ào ào
Bắc vào Ô tô , Nam vô Xế hộp
Hồi hộp Bắc Hãm Phanh , trợn tròng Nam Đạp Thắng

Khi nắng Nam mở Dù , Bắc lại xoè Ô
Điên rồ Nam Đi Trốn , nguy khốn Bắc Lánh Mặt
Chưa chắc Nam nhắc Từ từ , Bắc khuyên Gượm lại
Bắc là Quá Dại , Nam thì Ngu Ghê

Nam Sợ Ghê , Bắc Hãi Quá
Nam thưa Tía Má , Bắc bẩm Thầy U
Nam nhủ Ưng Ghê , Bắc mê Hài Lòng
Nam chối Lòng Vòng , Bắc bảo Dối Quanh
Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp , hấp tấp Bắc vặt Ngô
Bắc thích cứ Vồ , Nam ưng là Chụp
Nam rờ Bông Bụp , Bắc vuốt Tường Vi
Nam nói: mày Đi! Bắc hô: Cút xéo.


Bắc bảo: cứ Véo! Nam : Ngắt nó đi.
Bắc Gửi Phong Bì, Bao Thơ Nam Gởi
Nam kêu: muốn Ói, Bắc bảo: Buồn Nôn !
Bắc gọi Tiền đồn, Nam kêu Chòi gác
Bắc hay Khoác lác , Nam bảo Xạo ke
Mưa đến Nam Che , gió ngang Bắc Chắn
Bắc khen giỏi Mắng , Nam nói Chửi hay .
Bắc nấu thịt Cầy , Nam thui thịt Chó .


Bắc vén Búi tó , Nam Bới tóc lên
Anh Cả Bắc Quên , anh Hai Nam Lú
Nam : ăn đi chú , Bắc : mời anh xơi!
Bắc mới tập Bơi , Nam thời đi Lội

Bắc đi phó hội , Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo Xe lôi , một mình Xích lô Nam đạp
Nam thời Mập mạp , Bắc cho là Béo
Khi Nam khen Béo , Bắc bảo là Ngậy

Bắc quậy Sướng Phê , Năm rên Đã Quá !
Bắc khoái đi Phà , Nam thường qua Bắc
Bắc nhắc Môi giới , Nam liền Giới thiệu
Nam ít khi Điệu , Bắc hay Làm dáng
Nam nói Không thật, Bắc bảo là Điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo
Bắc nạo bằng Gươm , Nam thọt bằng Kiếm
Nam mê Phiếm , Bắc thích Đùa

Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De
Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam: Thơm Thơm đậu phọng
Bắc xơi Na vướng họng, Nam ăn Mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam tròm trèm ăn Vụng , Bắc len lén ăn Vèn


Nam toe toét «Hổng chịu đèn» , Bắc vặn mình «Em chả»
Bắc giấm chua «Cái ả» , Nam bặm trợn «Con kia»
Nam mỉa «tên Cà chua» , Bắc rủa «đồ Phải gió»
Nam nhậu nhẹt Thịt Chó , Bắc đánh chén Cầy Tơ
Bắc vờ vịt Lá Mơ , Nam thẳng thừng Lá Thúi địt
Khi thấm, Nam xách Thùng thì Bắc bê Xô
Nam bỏ trong Rương , Bắc tuôn vào Hòm
Nam lết vô Hòm, Bắc mặc Áo quan

Bắc xuýt xoa "Cái Lan Xinh cực!" ,
Nam trầm trồ "Con Lan Đẹp hết chê!"
Phủ phê Bắc trùm Chăn , no đủ Nam đắp Mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu…

 

Sự khác biệt giữa Con LỢN và Con HEO

Con Lợn sinh ở miền Bắc - Con Heo sinh ở miền Nam. Cả hai đều bị các nhà lãnh đạo kì thị nặng lắm vì lúc nhăm nhi thì quan lớn chỉ khoái món cháo gà cháo vịt, còn cháo heo, cháo lợn nghe có vẻ là đồ ăn cho bọn dơ bẩn ở trong chuồng!
- Miền Bắc không gọi heo nhưng lại thích "nói toạc móng heo" - Miền Nam không kêu lợn lại ưa dùng "bánh da lợn"
- Miền Bắc có lợn sề, lợn nái, lợn giống, lợn cấn, lợn sữa, lợn choai, lợn tháu, lợn ỷ 
- Miền Nam có heo nhà, heo ruộng, heo bông, heo lang, heo cỏ, heo bò, heo đen, heo nọc, heo hạch, heo nái, heo nưa, heo lứa, heo mọi
- Con Lợn ăn Ngô - Con Heo ăn Bắp.
- Da Lợn làm bánh da Lợn - Da Heo khô dùng nấu lẩu.
- Con Lợn đóng phim thiếu nhi "Hiệp sĩ Lợn" - Con Heo đóng phim người lớn "Phim con Heo"
- Phim con lợn chỉ cách chăn nuôi, sinh sản cho nhi đồng - Phim con heo cũng cho thấy cảnh sinh sản nhưng lại cấm nhi đồng!
- Miền Bắc trách cô kia "béo như lợn" - Miền Nam quở chị nọ "mập như heo"
- Miền Bắc xỏ đàn ông háo sắc là lợn nọc - Miền Nam bảo đàn bà lang chạ là heo nái


SỰ KHÁC NHAU GIỮ “CON” VÀ “CÁI” TRONG TIẾNG VIỆT

Chuyện mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài. Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón... nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người.... Ðồ vật là cái, động vật là con. Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Ðờ-rim, rồi tiếp là con Su (Suzuki), con a còng (@), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes)...

Vợ chồng tôi có chuyện vui thế này: Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. 
Một hôm chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen: "Con hồ này đẹp quá!". Vợ tôi "chỉnh" liền: "Không, anh phải nói là CÁI hồ này đẹp quá!".
Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói: "Cái sông này bẩn quá!" thì vợ tôi "sửa" ngay: "Ậy, anh phải nói là CON sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!".
Tôi la lên: "Ồ, sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?". 

Vợ tôi ôn tồn giải thích: "Cái gì động đậy, nhúc nhích được thì gọi là con, như con sông vì có nước chảy, còn cái gì nằm im thì gọi là cái, như cái hồ nuớc tĩnh mịch, không chảy thì phải gọi là cái hồ.
Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái bàn, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?".
Lúc đó, tôi phá lên cười vì phát hiện một điều vô cùng thú vị: 

"À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt hay thật! Hèn gì gọi là Con cờcái lờ. Con cờ thì di chuyển trên bàn cờ nhờ tay người chơi, cái lờ đặt nằm im ở nơi có nước để bắt cá... Mà anh còn biết có con cờ và cái lờ khác nữa, đúng không?!!!"
Hôm ấy, tôi bị mấy cái nhéo đau điếng, nhưng bù lại, có được một đêm hạnh phúc...
_____________________________________

Chôm được trên mạng, không rõ tác giả; tui có thêm thắt chút đỉnh cho dzui... he he he

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

NHỮNG TẤM ẢNH KỶ NIỆM CỦA MỘT THỜI TRAI TRẺ

* Việc tôi lưu lại và đưa lên đây những tấm ảnh ở dưới chỉ nhằm để nhớ lại một thời trai trẻ mà vì những lý do tình cờ của số mệnh riêng lẽ mỗi người trong chúng ta/chúng tôi và chuyện "lịch sử để lại", nên chúng ta/chúng tôi phải chịu cảnh học hành dang dỡ để nhập vào một cuộc sống khác không hề mong đợi, qua những tháng ngày chung một màu áo trong một ngành phục vụ, có thể gọi là "kiểng" cũng không sai với nhiều người như bản thân tôi chẳng hạn, nhưng với một số anh em khác thì nhiều khi phải chịu đựng những gian khổ, thậm chí cả đổ máu và thương vong khi được phân công đi làm nhiệm vụ sửa chữa quân cụ ở những nơi "đầu sóng ngọn gió". Đời người ai cũng có nhiều kỷ niệm, những hình ảnh này cũng chỉ là những kỷ niệm của một quảng thời gian mà chúng ta/chúng tôi đã trải qua. Nói như vậy để hiểu rằng tôi chẳng có ý đồ gì mờ ám ở đây khi đăng những tấm ảnh mà ai đó có thể cho là "nhạy cảm", không hợp thời thế. Nhưng như nhiều người đã nói, cả một lực lượng hùng hậu với nhiều đồng minh mạnh mẽ còn chẳng làm được gì, thì tôi nghĩ là với vài tấm ảnh như thế này có là chi đâu để phải lo ngại. Xin nhấn mạnh: đơn thuần chỉ là nhớ lại một quảng thời gian tuổi trẻ chúng ta/chúng tôi đã có những ngày tháng bên nhau như thế nào thôi, không còn gì khác.
Trong tinh thần đó, xin mời các bạn đọc chơi.

TN
__________________________________


Những tấm ảnh dưới đây do bạn Lê Văn Điểm gởi cho tôi qua FB vào tối 24/10/2013. Khi nhận được, tôi rất bất ngờ vì thấy lại hình ảnh của mình và vài người bạn cách đây đã 40 năm. Hỏi lại thì được Điểm cho biết là vừa xem lại cuốn album cũ, thấy những hình ngày xưa cũng vui vui nên gởi cho các bạn xem chơi. Tôi không ngờ bạn Điểm còn giữ được những tấm ảnh mà bây giờ có thể nói là rất quý hiếm này. Quý hiếm vì hiện nay tôi không có một tấm ảnh nào của thời đó. Quý hiếm vì đã 40 năm mà nước ảnh vẫn rõ ràng, chỉ có thời gian làm ngã màu bức ảnh thôi. Quý hiếm vì thấy lại được những khuôn mặt bạn hữu thân ái của một thời trai trẻ, ở cùng một phòng. Quý hiếm vì trải qua bao nhiêu biến động của cuộc đời mà bạn Điểm vẫn lưu giữ được những hình ảnh này. Xem ảnh thì nhớ lại cảnh cũ người xưa nhưng không thể nhớ nổi ai đã chụp những ảnh này, chụp từ máy ảnh của ai, vì hồi đó nhóm chúng tôi ở chung phòng không ai có máy chụp ảnh, một món đồ thuộc hàng xa xỉ đối với chúng tôi. Chỉ lờ mờ nhớ, không hẳn đã đúng, là có một lần anh MR đem lên một máy ảnh để chụp những sinh hoạt của ngành, dùng để đăng trong ấn phẩm được xuất bản và lưu hành nội bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành.Có thể từ việc này mà chúng tôi mượn được máy ảnh của anh MR để chụp những tấm ảnh này chăng? 
  

Khi bạn Lê Văn Điểm vừa chuyển lên FB tấm ảnh này, tôi lập tức nhận ra ngay bốn người bạn từng một thuở cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng làm với nhau... Từ trái qua, đứng: Đặng Trên, Nguyễn Văn Tri; ngồi: Lê Văn Điểm, Nguyễn Bân, những khuôn mặt mà thời gian chưa kịp xóa hết nét thư sinh. Tấm fond sau lưng bốn bạn, mà hầu hết các tiệm chụp ảnh thời bấy giờ thường dùng, có hình vài chiếc máy bay kiểu chở khách, cảnh trời mây, chim bay và đồi núi cho thấy ảnh được chụp trong một tiệm chụp hình bình dân nào đó, có lẽ là ở Phước Tường. Hiện nay Đặng Trên đang sống ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, Điểm và Bân cùng ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, chỉ khác xã. Tất cả bây giờ đã là ôn nội (nói theo giọng Quảng Trị), ôn ngoại rồi, nhưng nét mặt chẳng thay đổi bao nhiêu so với ảnh 40 năm trước. Còn Nguyễn Văn Tri thì tôi nghe Điểm kể lại (đã lâu rồi) là sau khi cởi áo trây-di về làm phụ xe đò cho bố bạn ấy, chạy tuyến Quảng Trị - Huế. Tri lúc đó cạo trọc đầu, nổi tiếng là "anh chị" của bến xe Đông Hà. Tôi không ngờ có chuyện này, vì khi còn sống chung với nhau, tôi thấy bạn ấy là một người rất đằm tính, hiền lành và hay cười... Tôi nhớ rõ là Tri chơi bi-da rất giỏi, anh có cú thụt bi bằng một tay rất chuẩn xác; tôi vốn ham vui và khoái cú này của bạn ấy nên thường mỗi tối rảnh rỗi hay ra phố chơi bi-da với các bạn. Tri thường chấp tôi chơi hai bi và anh thụt một tay mà vẫn thắng, rất dễ dàng... Tôi vẫn nhớ một câu nói của Tri liên quan đến tôi, đại khái là "cafe thì kêu Ngộ, uống bia thì gọi Tri", bởi vì thời đó tôi không uống bia rượu được, chỉ một ly nhỏ là đã xây xẩm mặt mày rồi, mặt đỏ kè khiến ai thấy cũng cười; hiện nay thì có khá hơn chút là làm được vài lon với điều kiện có món chi đó nhấm nháp dằn bụng và phải hơn một giờ mới "hạ lon" chứ uống nhanh như mấy bạn thì đầu óc quay cuồng liền! Nhưng với cafe thì tôi rất hạp! Ngày vài ba cử, kể cả uống buổi tối xong về ngủ vẫn ngon lành (*). Tri thì ngược lại, anh thích uống bia và uống được lắm; tuy nhiên thời đó tôi chưa thấy Tri hay bất cứ anh em nào khác uống quá đà đến độ say xỉn. Tất nhiên cũng vì lương tiền có hạn, nhưng mỗi khi rảnh rổi, vài người rủ nhau lên câu lạc bộ kêu vài chai Lade con cọp uống chung, nhắm với đậu phụng rang hoặc tôm khô củ kiệu, hôm nào mới nhận lương thì chơi sang kêu dĩa bò xào, ngồi lai rai nói chuyện; và chỉ vài ba chai là thôi. Tôi cho rằng như vậy mới thật đúng nghĩa lai rai. Nay thì Tri đã là người thiên cổ trên dưới hai mươi năm nay rồi... Nhớ lại những kỷ niệm khó quên với Nguyễn Văn Tri như một nén hương lòng tưởng niệm một người bạn hiền thời trai trẻ đã sớm mệnh chung ở tuổi chỉ trên dưới bốn mươi thôi. 


Người trong ảnh này là Đặng Trên, ảnh chụp trước câu lạc bộ (CLB). Bạn Trên "tạo dáng" khi đứng tựa vào một ống dẫn nước dẫn vào nơi trước đó là nhà tắm của Mỹ để lại, được sửa sang chút đỉnh để làm CLB bán điểm tâm và giải khát, trên trần vẫn còn những đường ống nước cũ. CLB này, cách phòng tôi và các bạn ở chỉ độ chục mét; lúc đó người bán ở đây là hai chị em Xuân và Mai (Xuân, Mai sau khi nghỉ bán ở đây, về Phước Tường mở tiệm cafe Hạ Đoan). Đặng Trên có vóc người cao mà ốm, trắng trẻo như thư sinh, khi nói chuyện hay cười, để lộ chiếc răng khểnh nên càng thấy anh chàng này... đẹp trai! Hồi đó Trên đã có vợ và con gái đầu lòng rồi. Khi mới lên đây, anh ở chung phòng với bọn tôi. Khoảng một năm sau anh đưa vợ con từ quê vô thuê nhà gần nơi làm việc để ở. Dù gần vợ con nhưng anh vẫn "chịu khó" đi chơi bi da hay uống cafe với anh em khi rảnh rỗi; ảnh cũng là "Thầy" của tôi trong việc học lái xe, mà xe đầu tiên tôi "học lái" là xe Dodge M34 hồi ở QT. Số là những chiếc xe của các đơn vị bạn bị hỏng hóc đưa về chổ chúng tôi để sửa chữa, xong đem ra để trước sân, là một phần của sân bay dã chiến AT, lót bằng những tấm ri sắt, lúc đó không còn sử dụng cho máy bay nữa. Chiều chiều, sau giờ làm việc, bọn trẻ tuổi chúng tôi mới xa nhà buồn quá, trong lúc chờ đến giờ ăn cơm thường ra leo lên xe ngồi nói chuyện chơi. Có lần táy máy sao đó mà đề nổ được một xe Dodge, thế là Trên bày cho tôi và vài bạn nữa tập lái luôn, chạy vòng vòng trong sân bay... Được đà, cứ chiều chiều bọn tôi lại ra tập lái. Có lần đang lái thì xe hết xăng, cà giựt... cà giựt... vài hồi rồi đứng im giữa sân bay mênh mông, cách khá xa chổ ở. Bọn tôi hì hà hì hục đẩy về, nhưng không làm sao cho nó vô ngay hàng thẳng lối với các xe khác như trước được, tuy nhiên vì đẩy xe mệt quá nên cứ để đại gần đó. Sáng hôm sau, anh Nguyễn Văn Huyền, trưởng xưởng quân xa lúc đó, xì nẹt bọn tôi quá chừng. Nhưng rồi bọn tôi vẫn cứ lén ra lấy xe tập lái mỗi khi vắng anh Huyền, riết rồi cũng quen; sau này vô ĐN đi thi lái xe cũng được cấp bằng lái, chỉ bỏ ví cho oai chứ chưa lái lần nào cho tới chừ! Tuy ốm con nhưng bạn Trên đá banh cũng cừ, đá tiền đạo (với anh Lê Văn Điền, nhân viên văn phòng và bạn Nguyễn Phúc Lũy, lái xe tải), từng ghi bàn thắng quyết định để đưa đội banh nhà vào chung kết một giải lớn của ngành. Cách đây độ mười năm, vợ chồng anh có ra thăm anh em, thấy anh ta vẫn y chang như ngày xưa, khuôn mặt vẫn trẻ và chẳng thay đổi gì lắm. Sau trận bão Nari, tức bão số 11 vừa rồi, anh điện thoại ra thăm hỏi nhiều anh em ngoài này vì coi TV thấy nhiều thiệt hại quá. Cảm ơn bạn hiền nhiều nghe.

Đây là chú em út Nguyễn Bân, một người nhỏ con, có thể nói là "loắt choắt" nhất trong nhóm bạn ở cùng phòng. Tôi còn nhớ rõ anh bạn này có lối hút thuốc lá rất đặc biệt. Mỗi khi hút thuốc, anh ta rít liên tục, đốm lửa đầu điếu thuốc luôn đỏ rực và dài; ngón tay trỏ luôn nhịp trên điếu thuốc như gãy tàn, mà chưa kịp có tàn đã được rít hơi khác rồi, trông như người đang có chuyện gì đó rất bồn chồn, rất "sốt ruột", dù đang rảnh rỗi ngồi cafe thư giản hay đang làm việc hoặc lúc ngồi chơi nói chuyện tại phòng ở cũng vậy. Hồi đó tôi cũng đã biết hút thuốc lá nhưng không nhiều bằng chú em này; vì hút nhiều quá mà anh MR và anh PVTC đặt cho Bân cái tên là "Ống khói tàu lửa"! Tôi cũng hay nghe Bân tâm sự là rất lo lắng cho ba mẹ, đang ở tại QT lúc đó, không biết ra sao. Không rõ có phải vì thế mà Bân có kiểu hút thuốc như đã kể trên? Nhưng ở cái tuổi vô tư, ham vui là chính, tôi chẳng để tâm an ủi người bạn mà tôi coi như đứa em này nhiều... Bân cũng thích cafe chứ không thích nhậu nên thường hay đi uống cafe với tôi. Nhớ có lần vào một tối rảnh rỗi, tôi mượn chiếc Honda Belly 90 phân khối màu cánh gián của anh PVTC chở Bân xuống cafe Thạch Thảo ở đường Lê Đình Dương uống. Khi trên đường về, ống pô xe nhả khói mù mịt do hở séc mâng nên máy "ăn dầu", may mà về tới nhà yên ổn. Trả xe cho anh C. mà không dám nói, sợ ảnh... bắt đền! Nhưng khi biết xe có vấn đề thì ảnh đem sửa chớ chẳng hỏi chi bọn tôi. Nguyễn Bân, nghe Điểm nói là hiện nay có 3 con trai, đã có cháu nội, có đất trồng cây công nghiệp chi đó ở Khe Sanh nên cuộc sống cũng tương đối thư thả. Điểm cho số điện thoại nhà Bân, thỉnh thoảng tôi có gọi ra thăm hỏi sức khỏe chớ chưa gặp lại. Nhưng lâu nay thì cắt đt bàn rồi nên không liên lạc được nữa. Trung tuần tháng 8 vừa rồi, tôi có dịp ra QT ở lại nhà Điểm một đêm, có Nguyễn Thành Cẩn và Trần Văn Kiệu tới chơi. Điểm gọi đt di động cho Bân vài ba lần mới gặp, nói có tôi ra chơi, muốn gặp Bân, nhưng anh ta lại tìm cớ thoái thác không tới, chẳng hiểu vì sao. Thấy cũng buồn, nhưng thôi kệ, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, mình chưa hiểu thì cũng đừng trách họ. Chỉ tiếc là không được gặp lại để biết anh ta có còn giữ cái kiểu hút độc đáo như trước không, hay là bỏ thuốc rồi. Mong bạn được nhiều an lành trong cuộc sống

Chắc các bạn cũng nhận ra người trong ảnh trên là ai rồi hả? Ảnh này chụp trước phòng ở (sam, theo cách gọi trước đây) của nhóm chúng tôi gồm có Đặng Trên, Nguyễn Bân, Huỳnh Bốn, Lê Văn Điểm, anh MR và tôi. Có lẽ ảnh chụp khi tôi chuẩn bị ra sân chơi bóng chuyền nên mới cởi trần như vầy. Chỉ có tôi, Trên, Bân và Bốn là thường xuyên ngủ tại đây. Điểm thì hay đi công tác lưu động, xong việc mới về ở; còn anh MR thì những lần bắt buộc lắm mới ngủ lại. Phòng chúng tôi ở là một nữa của căn nhà gỗ, loại tiền chế kiểu như nhà sàn, cũng của Mỹ để lại, nhìn những bậc thang bằng gỗ trong ảnh là nhớ lại liền. Phòng này nhìn ra sân bóng chuyền bằng bê tông, mà chiều chiều tôi và các anh em trong ngành hay chơi. Tôi, Bốn và Trên là cầu thủ chính thức của đội bóng tròn (bóng đá), chứ bóng chuyền thì chỉ chơi giải trí, không được vô "đội tuyển" của ngành. Những chiều không đi tập luyện chung với đội bóng tròn, tôi và bạn Bốn lại ra sân này chơi bóng chuyền với nhiều người khác; hôm nào không đủ người thì tôi và Bốn chia hai người hai bên, mệt vì phải di chuyển nhiều nhưng rất vui và hào hứng, chơi cho đến tối mịt không thấy rõ banh nữa mới vô tắm rửa rồi đi ăn cơm. Nhiều hôm đang chơi thì có trận mưa rào vẫn cứ chơi, sức đang thời thanh niên trẻ khỏe chẳng cảm cúm gì...   
Tại phòng này, anh R. chắc vẫn còn nhớ những trò đùa giỡn rất nguy hiểm của chúng tôi với anh. Do ở gần nên thỉnh thoảng vào buổi sáng, bọn tôi gọi í ới cho Xuân hoặc Mai làm mấy đĩa bánh mì ốp la và cafe đem tới phòng, thay vì lên CLB ăn. Ăn xong lại lười không đem đĩa, ly đi trả mà chất thành đống trong tủ của anh R., vì ảnh không ở thường xuyên nên chẳng có đồ đạc gì. Nhiều lần ảnh la oai oái vì đống đĩa này... Thế là được dịp cho bọn tôi xúm vào đè ảnh xuống giường chơi một trò hù dọa rất nguy hiểm, làm ảnh xanh mặt luôn! Tham gia hăng hái nhất là tôi và Đặng Trên, vì chơi thân với ảnh hơn các bạn kia. Bây giờ nhớ lại tôi thấy sao hồi đó bọn mình chơi dại quá thế không biết, nhở một tích tắc không lường được là có thể xãy ra chuyện chết người và đi tù cả đám chứ chẳng phải chuyện giỡn chơi đâu! Cũng là một kỷ niệm đáng để nhớ của thời trẻ trai còn nhiều bồng bột...

Ảnh này (và ảnh nhỏ đầu bài) cũng là tây đui, ý lộn... tui đây! Không biết được chụp lúc đang làm gì, đang chơi bóng chuyền chăng, nên cũng ở trần? Ai chụp ảnh này chắc có "tay nghề" thuộc loại khá à nghen, vì chọn góc máy "đạt" quá, "lột tả" được những nét "gồ ghề" thưở đó của tui. Bây giờ xem lại ảnh thấy bọn mình hồi đó trẻ hơn và "ngon lành" hơn chừ nhiều hè... He he he....

Xin gởi lời cảm ơn, dù trể, đến người chụp và chân thành cảm ơn bạn Điểm có công lưu giữ đến hôm nay gởi cho tôi, để tôi có cơ hội thấy lại hình ảnh của chính mình và các bạn cách đây đã 40 năm, một khoảng thời gian đủ để xóa nhòa mọi hình ảnh của thời trai trẻ trong tâm trí, nhưng nhờ những tấm ảnh này mà một quảng thời gian tuổi trẻ chúng ta ở với nhau trong tình thân ái bỗng hiện về thật rõ nét khiến tôi nhớ lại những chuyện đã nói ở trên như mới xãy ra gần đây. 

Nhân tiện xin nói thêm là bài này coi như phần tiếp theo của bài "CHUYỆN GẶP BẠN Ở HUẾ VÀ QUẢNG TRỊ" đã đăng cách đây vài ba tháng cũng trên blog này và có ghi "còn tiếp". Thật ra thì tôi đã viết được một đoạn khá dài của phần tiếp theo, nhưng sau đó tự nhiên không có hứng thú viết tiếp nên còn dang dỡ. Nay nhận được mấy tấm ảnh của Điểm gởi, bỗng nhiên thích viết trở lại, thành ra cố gắng làm cho xong bài này để "trả nợ" bạn đọc vì dù sao nó cũng nói về một số bạn ở QT, còn bài trước đã nói về bạn ở Huế rồi, như tiêu đề của bài trước đã... lỡ ghi. Các bạn OK cho tui hết nợ nghe!

________________________________________________________________

(*) Nếu có dịp và hứng thú, tôi sẽ viết một bài riêng về chuyện bi da và cafe hồi đó.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Video HUẾ DU 1/9/2013



 Đây là một video ngắn quay tại đồi Thiên An, một thắng cảnh nổi tiếng của Cố đô HUẾ, nhân dịp đoàn Ban Liên lạc Ái hữu Cựu Giáo sư và Cựu Học sinh trường Trung học Kỹ Thuật Đà Nẵng (1962 - 1975) được một cựu học sinh của KTĐN là anh Võ Văn Kinh, đang sinh sống tại Huế, mời ra họp Ban Liên lạc AH KTĐN "mở rộng" (với CGS và CHS KTĐN ở Huế) và ngoạn cảnh sông Hương bằng thuyền Rồng. Anh Kinh, năm 1965 sau khi học hết đệ nhất cấp (đệ Thất đến đệ Tứ - những năm này KT Huế chưa có đệ nhị cấp) taị trường Kỹ Thuật Huế, chuyển vào học đệ nhị cấp tại trường KT Đà Nẵng. Hiện nay anh là một doanh nhân thành đạt trong ngành dược phẩm và kinh doanh nhà hàng tại quê nhà.

Quay bằng máy ảnh du lịch nên chất lượng không cao, quay chơi cho vui, để ghi lại những khuôn mặt Thầy - trò từng một thời giảng dạy và học tập tại một trong những ngôi trường trung học có kiến trúc và cảnh quan đẹp của thị xã Đà Nẵng những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Sau buổi tiệc này cả đoàn được vợ chồng anh Kinh mời đi dạo chơi trên sông Hương bằng thuyền Rồng.








Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại chuyến đi rất tuyệt vời này.