Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

CHUYỆN GẶP BẠN Ở HUẾ VÀ QUẢNG TRỊ


Đã khá lâu tôi chưa có dịp ra Huế thăm anh em bạn hữu. Quảng Trị còn khó hơn, dù nhiều lần anh em có mời ra chơi. Những năm trước, khi còn đi làm, mấy lần ra dự các đám giỗ, chạp bên ngoại của vợ xong là chiều vào lại Đà Nẵng ngay, không gặp anh em bạn hữu được. Lần được mời dự đám cưới con trai bạn Lê Văn Điểm ở Quảng Trị (năm 2005) là lần gặp nhau đông vui nhất giữa những người từng một thời là đồng đội gồm Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị. Hôm đó chúng tôi phải thuê hai xe mười sáu chổ ngồi vì có nhiều cặp vợ chồng cùng đi, có ghé Huế đón mấy anh ở Huế cùng ra dự. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp lại nhiều anh em kể từ cuộc chia tay đầy bất ngờ, như các anh Hoàng Kim Dàn, Hoàng Tế, Hoàng Thanh Khiết, Dương Ngoãn, Võ Kiêm, bạn Nguyễn Văn Chùy... là những người ở Quảng Trị. Một vài bạn ở Quảng Trị như Lê Văn Điểm, Nguyễn Thành Cẩn, Trần Văn Kiệu, Nguyễn Bân... hoặc gốc Quảng Trị mà vô miền nam sống như bạn Đặng Trên, Thái Tăng Vượng, anh Hoàng Hữu Thịnh và những người ở Huế như anh Phan Văn Thùy Châu, Đỗ Ga, Phan Đình Viên, Phan Toại, Ngô Đình Trà, Trần Vững, Trần Nhân Đống... thì đã gặp nhau khá nhiều lần tại Đà Nẵng trong những lần các bạn ấy vào có việc hay đưa con đi thi đại học, cao đẳng trong này; người ít nhất tôi cũng được gặp một lần như Bân, Kiệu, Trà, Vững, Vượng. Nhớ lần bạn Đỗ Ga ở Huế mời tôi dự đám cưới con trai (năm nào thì không còn nhớ nhưng có lẽ trước năm 2000, vì lúc đó chưa gặp lại nhiều anh em bạn hữu ở Đà Nẵng, chỉ có Ngô Văn Thắng và anh Trần Văn Đảng là hay gặp vì họ chạy xe đạp ôm; Thắng có gặp anh Phan Văn Thùy Châu vài lần khi anh chở khách Tây ở Huế vô cũng có kêu tôi tới chơi; ít lâu sau có lần tình cờ gặp Phan Trung Chiến là người học cùng khóa ở trường Kỹ Thuật Đà Nẵng, về sau lại cùng đơn vị, hôm bạn ấy từ Huế vô ĐN dự đám giỗ ở nhà bà con. Hồi đám cưới con của Ga, tôi đi xem ôm từ bến xe An Cựu về nhà bạn Ga với giá tám ngàn đồng, trong khi bạn Ga cho biết giá chỉ từ năm tới bảy ngàn thôi; bây giờ ít nhất phải năm hay sáu chục ngàn họ mới chịu đi) được gặp lại lần đầu anh Nguyễn Văn Trọng, hồi trước hay gọi là "Trọng chầu văn" vì trong những buổi tối rảnh rỗi ngồi chuyện vãn với nhau anh hay hát chầu văn, mà hát rất hay; ngoài ra anh còn chơi giỏi bóng chuyền với vai trò "dựng banh" (bây giờ gọi là "chuyền hai") cho hàng trên đập và có cú bay người xoải tay đỡ những đường bóng bỏ nhỏ của đối phương rất đẹp mắt... Ở đám cưới tổ chức tại nhà của Ga, anh Phan Văn Thùy Châu, anh Trọng và tôi cùng hát chung một bài giúp vui, không nhớ tên bài hát do anh Châu chọn, sau đó anh Trọng biểu diễn một bài chầu văn được bà con dự tiệc vỗ tay tán thưởng rất nhiều. Khi xong đám cưới, Ga chở tôi qua bến xe, có ghé lại nhà anh Trọng, trước Bưu điện Chợ Đồn, chơi một lúc rồi qua nhà anh Châu ở An Cựu cho biết nhà. Tôi hai lần được anh Châu mời dự đám cưới, lần đầu là đám cưới con trai, tổ chức ở một nhà hàng trên đường Điện Biên Phủ, gần dốc Nam Giao, cùng với bạn Đặng Thưởng và Ngô Văn Thắng; ở Huế chỉ có vợ chồng bạn Phan Đình Viên. Tại đám cưới này tình cờ chúng tôi ngồi chung bàn với một người cũng là bạn của anh Châu, người Huế, anh ta luôn miệng nói rất nhiều chuyện cũ của ảnh hồi trước, thỉnh thoảng lại đọc thơ (nói là của ảnh làm) và liên tục uống! Anh ta uống nhiều đến nổi khi ra về, ảnh đi xe đạp mà cũng không dắt được, bổ chửng (*) bên vệ đường, nằm luôn tại chổ khiến nhiều người nhốn nháo! Cũng ở đám cưới này, lần đầu tiên tôi thấy dọn món tráng miệng là sữa chua thay vì trái cây hoặc đông sương; trong lúc ba đứa tôi và anh bạn "xỉn tảng" nói trên còn đang say chuyện ảnh kể, chưa dùng tráng miệng, thì một anh cũng tầm tuổi anh Châu thản nhiên cầm mấy hộp sữa chua cho vào bao nylon nói... đem về cho cháu ngoại! Còn lần thứ hai, cách đây vài ba năm, là đám cưới con gái. Lần này có vợ chồng anh Mai Rạng, vợ chồng bạn Thưởng, vợ chồng tôi, bạn Phạm Em và Huỳnh Bốn (Hội An) ra dự tại nhà hàng Duy Tân đường Hùng Vương; ở Huế thì có vợ chồng Viên, bạn Trịnh Công Chính, Đỗ Ga, hình  như  không có  anh 
Hồ Ngọc Đoàn; cũng thấy anh bạn "xỉn tảng" đã kể ở trên nữa, nhưng lần này không biết hồi sau có xỉn không vì khi ra về không gặp anh ta. Bạn Ngô Văn Thắng, đang có tang mẹ vợ mới mất tại Huế chưa an táng, không đến được, có gởi quà mừng nhờ tôi gởi cho anh Châu. Xong tiệc cưới thì cả nhóm cùng đi viếng đám tang mẹ vợ của Thắng ở Bao Vinh, đúng là một công đôi việc, cũng hay! Sau lễ viếng, Thắng đưa mọi người qua nhà Nguyễn Anh Tuấn, trước hay gọi là "Tuấn xì", ở gần đó để thăm vì nghe nói đang bị bệnh. Trong căn nhà khá là nhỏ hẹp, Tuấn ngồi trên tấm nệm trải dưới đất ngay phòng khách không rộng lắm, chỉ độ dăm người vào được thôi, còn lại đứng ngoài cửa nhìn vào. Lần đầu tiên gặp lại, tôi thấy mặt Tuấn ít thay đổi so với trước nhưng hình như bị phù thủng nên có vẻ mập hơn... Tuấn tỉnh táo nhưng không nói được, có lẽ cũng không nhận ra anh em bạn cũ, chỉ cười cười, gật gật cái đầu khi anh em hỏi chuyện. Đã bàn trước với nhau rồi nên người ít người nhiều ai cũng góp chút quà thăm bạn ốm. Cầm cái phong bì, Tuấn cũng chỉ biết cười cười, gật gật... Ít lâu sau, bạn Thắng kể lại trong lần ra Huế làm tuần trăm ngày mẹ vợ, nghe người nhà nói là Tuấn đã mất hơn tháng rồi; bạn hữu, kể cả ở Huế, không biết để đi viếng! Ở Huế có bạn Ngô Đình Trà, mà anh Châu hay gọi là "Trà say", là người "đặc biệt" nhất. Anh Châu kể là Trà thường xuyên uống rượu và chỉ thích rượu! Mới mở mắt buổi sáng là rượu cái đã, cơm có thể cả ngày không ăn nhưng phải có rượu mới chịu được, cho nên nhiều ngày lúc nào miệng cũng nồng nặc mùi rượu! Những lần gặp mặt anh em, mọi người uống bia thì cứ uống, riêng Trà thì "cho em xin một xị rượu đế"! Bia đối với anh ta chỉ là thứ trà đá nhạt thếch... Có vợ con đàng hoàng, có cháu ngoại rồi, nhưng do say xỉn thường xuyên mà phải sống một chắc (**). Là vì vợ bỏ đi ở riêng do chịu không thấu cái cảnh anh ta hễ gặp người quen hay bạn bè là xin tiền để uống rượu, bởi có làm được việc chi đâu mà có tiền. Con gái thấy tội nghiệp, thỉnh thoảng có cho tiền để anh đi chợ nấu ăn , nhưng anh ta vẫn cứ uống là chính! Nói trộm vía anh bạn này, tôi vẫn nhớ câu chuyện "buồn" mà "cười" về Trà xãy ra lâu rồi, được anh em ở Huế kể lại, đại khái là một hôm nhân có người bạn ở xa về thăm nhà ở Huế, mời anh em bạn cũ, có cả Trà, đi nhậu ở một chổ gần nhà của Trà. Đang lúc nhậu, Trà ngỏ lời mời các bạn về nhà mình chơi, ăn chút cháo cá cho ấm bụng rồi về. 


Khi mọi người đồng ý, anh Châu thấy Trà có vẻ đã tê tê (vì chỉ uống rượu) nên bảo Trà ngừng uống, về trước lo đi chợ nấu cháo, anh em ngồi uống thêm mấy chai bia nửa chờ cháo chín rồi lát nữa tới. Khi xong tiệc nhậu, cả nhóm kéo tới nhà Trà, thấy cháo đã nấu xong, bạn Đỗ Ga, vốn nhanh nhẹn chuyện bếp núc, múc cho anh Châu một chén ăn trước, còn nói là chọn cho anh mấy miếng mềm mềm vì biết ảnh xài răng giả. Ga còn đang múc cháo cho các bạn thì nghe anh Châu la oai oái: "Đù mạ! Mi cho tau ăn cái chi đây Trà?". Mọi người xúm vô nhìn cái thứ mà anh Châu vừa bỏ lên mặt bàn, ai nấy cũng hởi ôi khi nhận ra đó là cái... mang cá! Đỗ Ga xem lại nồi cháo thì thấy tùm lum tà la các thứ thải ra của những sạp bán cá làm sẵn ở chợ như đầu, đuôi, mang, lòng, vây, vi cá... khiến mọi người có mặt ở đó muốn bổ ngửa hết luôn! Hỏi răng mua chi cái thứ ni chi anh em ăn, Trà lí nhí nói thì mua cá ở chợ đem về nấu thôi chớ có biết chi mô ! Anh em đoán có lẽ là do "xỉn" quá rồi, nên khi ra chợ nói mua cá, họ làm cá xong cho vô bao nylon, những thứ bỏ đi họ cũng cho vô bao rồi để gần bao cá, ôn nội Trà ni (lời anh Châu) say quá xách đại ba cái thứ... cho heo ăn (cũng lời anh Châu) về nấu, để lại bao cá ở chợ rồi! Nếu đúng như vậy thì cũng có thể nhận biết là anh ta đem về mà chẳng rửa lại, hay ướp iếc chi hết, cứ để nguyên rứa mà trút trọn vô nồi cháo thôi!!! Vì nếu có rửa lại thì phải thấy, phải biết là đã xách nhầm cái bao tạp nham rồi chứ! Rứa đó, anh bạn Trà của tôi có lúc say xỉn đến độ tệ hại như vậy, thì không biết với hoàn cảnh đơn chiếc, có một chắc thôi, những khi ở nhà anh ta nấu nướng, ăn uống kiểu gì đây??? Nghe chuyện thì thấy mắc cười nhưng cũng thiệt là buồn! Ở trên, sở dĩ tôi  nói "trộm vía" bạn Trà vì anh ta đã ra người thiên cổ vài ba năm nay rồi, có lẽ cũng vì rượu mà chỉ "hưởng dương" chứ chưa được "hưởng thọ". Nhưng may mắn hơn Nguyễn Anh Tuấn, khi Trà qua đời bạn hữu được biết tin, có mấy bạn ở Huế tới viếng, Quảng Trị cũng có hai bạn vô, Đà Nẵng thì bạn Thắng, Thưởng đại diện ra đi đám; các bạn kể lại đám tang thấy cũng khá ấm cúng. Chắc hương linh bạn Ngô Đình Trà cũng cảm thấy được an ủi... 

(còn nữa)
______________________
(*)   Tiếng Huế, tương tự như ngã nhào, té nhào.
(**) Một mình, tiếng Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời quý bạn vào đọc trang này cho nhận xét về các bài đăng hoặc khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn. Cảm ơn các bạn.
Trần Ngộ